Khóa học đầu tư 4.0 với Crypto

Chỉ số Sợ hãi và Tham lam (Fear & Greed Index) – công cụ đắc lực dành cho nhà đầu tư tài chính

chỉ số sợ hãi và tham lam

Chỉ số sợ hãi và tham lam là một trong rất nhiều chỉ báo được sử dụng để xác định tâm lý thị trường. Cùng CIC tìm hiểu cách để áp dụng trong đầu tư Crypto.

Một trong những điều không thể thiếu mà nhà đầu tư tài chính cần trang bị cho mình là kiến thức. Trong bài viết này, CIC sẽ giới thiệu về chỉ số sợ hãi và tham lam (Fear & Greed Index) – một công cụ đắc lực giúp nhà đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định mua và bán.

Chỉ số sợ hãi và tham lam là gì?

CNNMoney là một trang tin tức hàng đầu về kinh tế – tài chính, thành viên của hệ sinh thái CNN nổi tiếng toàn cầu. Chỉ số sợ hãi và tham lam (Fear & Greed Index) được CNNMoney phát triển để đo lường hai trong số những cảm xúc chính ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng mua cổ phiếu của nhà đầu tư. Đó chính là sợ hãi và tham lam.

chi-so-so-hai-va-tham-lam-1
Chỉ số sợ hãi và tham lam được phát triển bởi CNNMoney

Chỉ số sợ hãi và tham lam hoạt động như thế nào?

Chỉ số sợ hãi và tham lam được đo lường hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và hằng năm. Về lý thuyết, chúng ta có thể sử dụng nó để đánh giá xem liệu thị trường chứng khoán có được định giá hợp lý hay không. Công cụ này hoạt động dựa trên tiền đề là sự sợ hãi quá mức của nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu có xu hướng giảm xuống thấp hơn giá trị nội tại của chúng. Ngược lại, lòng tham không kiềm chế có thể dẫn đến việc cổ phiếu được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thật.

Chỉ số sợ hãi và tham lam của CNNMoney kiểm tra 7 yếu tố khác nhau để xác định mức độ sợ hãi và lòng tham trên thị trường. Chúng bao gồm:

Chỉ báo Momentum (MOM)

Chỉ báo Momentum (Momentum Indicator hay MOM) là chỉ báo động lượng được dùng để đo lường tốc độ thay đổi của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định. Nó thường được dùng trong phân tích kỹ thuật chứng khoán để phản ánh xu hướng và đánh giá tốc độ của biến động giá bằng cách so sánh các giá trị hiện tại với quá khứ. Từ đó, các nhà đầu tư có thể xác định sức mạnh đằng sau xu hướng thị trường hiện tại.

chi-so-so-hai-va-tham-lam-2
Ví dụ minh họa về chỉ báo Momentum

Momentum giá chứng khoán (Stock Price Momentum) là một thước đo của chỉ số Standard & Poor’s 500 – S&P 500 (*) so với đường trung bình động (Moving Average) 125 ngày của nó. Giao dịch theo Momentum giá chứng khoán là chiến lược mà nhà đầu tư tận dụng động lượng để tham gia vào thị trường mỗi khi một xu hướng đầu tư bắt đầu nổi lên.

*S&P 500 là một chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) hoặc sàn giao dịch điện tử NASDAQ. Tỷ lệ và loại cổ phiếu sử dụng để tính toán chỉ số S&P 500 được quyết định bởi hãng S&P Dow Jones Indices. Chỉ số S&P 500 được sử dụng rộng rãi như một công cụ để tính toán giá trị chung của cổ phiếu trên thị trường.

Sức mạnh giá (cổ phiếu) tương đối (Relative Price Strength)

Sức mạnh giá tương đối (hay RPS) là tỷ số giữa xu hướng giá của cổ phiếu so với xu hướng giá của thị trường. RPS thường được sử dụng trong phân tích kỹ thuật và không nên nhầm lẫn với chỉ số giá tương đối (Relative Price Index).

Trong thực tế, sức mạnh giá tương đối thường được tính toán theo tỷ lệ giữa số lượng cổ phiếu đạt mức cao nhất trong 52 tuần so với số cổ phiếu đạt mức thấp nhất trong 52 tuần trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Độ rộng giá cổ phiếu (Stock Price Breadth)

Chỉ báo bề rộng thị trường (Breadth Indicator) là một công cụ đo lường lượng tăng giảm của chứng khoán và/hoặc khối lượng của chúng. Chỉ báo này được dùng để tính toán sự dịch chuyển giá của chỉ số chứng khoán.

Độ rộng giá cổ phiếu (Stock Price Breadth) được biểu diễn bằng biểu đồ đường lên – xuống giá chứng khoán (Advance/Decline Line hay A/D Line). Đây là chỉ số có tính lũy kế mà lượng tăng ròng (= lượng chứng khoán tăng – lượng chứng khoán giảm) được thêm vào hoặc bớt đi vào ngày hôm sau. Độ rộng giá cổ phiếu cũng là một trong những chỉ báo bề rộng thị trường đơn giản nhất.

chi-so-so-hai-va-tham-lam-3
Biểu đồ đường lên – xuống giá chứng khoán (A/D Line)

Quyền chọn mua và bán cổ phiếu (Call and Put Options)

chi-so-so-hai-va-tham-lam-4
Mua (call) và bán (put) là hai loại quyền chọn cơ bản

Quyền chọn (option) là một dạng hợp đồng chứng khoán phái sinh (derivative securities) cho phép người nắm giữ nó có quyền mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa cơ sở nhất định với một mức giá xác định vào thời điểm đã định trước.

Có hai loại quyền chọn cơ bản: quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option). Các hàng hóa cơ sở này có thể là cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số trái phiếu, tiền hay hợp đồng tương lai.

Nếu các tùy chọn bán ít hơn các tùy chọn mua trên thị trường tài chính chứng tỏ nhà đầu tư đang thể hiện sự tham lam của mình. Ngược lại nếu tùy chọn bán nhiều hơn tùy chọn mua thì chứng tỏ nhà đầu tư đang sợ hãi và dè dặt với thị trường. Quyền chọn mua và bán chính là một trong những yếu tố đo lường chỉ số sợ hãi và tham lam trong lĩnh vực tài chính.

Nhu cầu trái phiếu đầu cơ (Junk Bond Demand)

Trái phiếu đầu cơ (Junk Bond) được phát hành bởi những công ty có xếp hạng tín dụng thấp hơn xếp hạng đầu tư. Bất kỳ trái phiếu nào có xếp hạng thấp hơn BB được cho là thuộc loại đầu cơ hoặc trái phiếu rủi ro cao. Tuy nhiên cũng có những loại trái phiếu đầu cơ có thể được xếp hạng cao hơn BB thông qua sự thế chấp vượt mức. Chúng thường được dùng để thu hút các nhà đầu tư trái phiếu đầu cơ trả lãi suất cao hơn trái phiếu đầu tư và được xem như những khoản đầu tư đầu cơ. Lý do vì nhà phát hành trái phiếu chưa được biết đến rộng rãi hoặc là những công ty nổi tiếng nhưng có đòn cân nợ cao.

chi-so-so-hai-va-tham-lam-5
Trái phiếu này là một khoản nợ hoặc hứa hẹn sẽ trả cả lãi lẫn gốc cho các nhà đầu tư đã bỏ tiền mua

Trái phiếu đầu cơ được trả lãi suất cao hơn trái phiếu đầu tư vì rủi ro tín dụng lớn hơn. Chúng thường được các công ty phát hành để bổ sung nguồn tiền cho việc mua và thâu tóm các công ty khác bằng nợ (một giao dịch mà nhà đầu tư mua lại một công ty bằng cách phát hành nợ mới, sử dụng các tài sản của công ty đó để thế chấp). Khoản nợ dùng để mua lại được hoàn trả bằng cách bán những tài sản hoặc thanh toán tiền mặt của công ty. Trong trường hợp này, trái phiếu đầu cơ còn được gọi là trái phiếu lợi suất cao.

Nhu cầu trái phiếu đầu cơ được đánh giá bằng cách đo lường chênh lệch giữa lợi suất của trái phiếu đầu tư và trái phiếu đầu cơ. Từ đó, người ta có sự đánh giá về mức độ thèm muốn của nhà đầu tư đối với các chiến lược rủi ro cao.

Chỉ số biến động (Volatility Index hay VIX) của thị trường

Đây là thước đo thống kê về độ phân tán (dispersion) của các khoản thu hồi của một chỉ số thị trường (market index) hoặc chứng khoán nhất định.

Trong hầu hết trường hợp, chứng khoán có độ biến động càng cao thì rủi ro càng lớn. Độ biến động thường được đo bằng độ lệch chuẩn hoặc phương sai giữa lợi nhuận từ các loại chứng khoán hay chỉ số thị trường tương tự.

Chỉ số biến động thị trường chứng khoán thường liên quan đến sự dao động lớn theo một trong hai hướng. Ví dụ, khi thị trường chứng khoán tăng và giảm hơn 1% trong một khoảng thời gian, nó được gọi là thị trường “không ổn định”.

Độ biến động của một tài sản là một yếu tố quan trọng khi định giá hợp đồng quyền chọn (options contract). CNN đo lường VIX của sàn giao dịch quyền chọn Chicago (Chicago Board Options Exchange) tập trung vào đường trung bình động (Moving Average) trong vòng 50 ngày.

Nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn (Safe Haven Demand)

Tài sản trú ẩn an toàn (Safe Haven) là khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ giữ hoặc tăng thêm giá trị trong những giai đoạn bất ổn của thị trường. Loại tài sản này được các nhà đầu tư tìm kiếm nhằm hạn chế rủi ro thua lỗ trực tiếp trong các giai đoạn mà thị trường xuống dốc. Nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn phản ánh sự khác biệt trong lợi nhuận của cổ phiếu so với những tài sản cất trữ khác (như vàng hay tiền pháp định).

chi-so-so-hai-va-tham-lam-6
Vàng thường được xem là tài sản trú ẩn an toàn phổ biến

Chỉ số sợ hãi và tham lam được thể hiện như thế nào thông qua 7 chỉ số trên?

Mỗi chỉ số trong 7 chỉ số trên được đo theo thang điểm từ 0 – 100. Chỉ số sợ hãi và tham lam chính là giá trị trung bình cộng (có trọng số bằng nhau) của 7 chỉ số. Chỉ số sợ hãi và tham lam bằng 50 được coi là trung tính. Con số cao hơn 50 biểu hiện sự tham lam của thị trường. Ngược lại, nếu giá trị này nhỏ hơn 50 là dấu hiệu của sự sợ hãi.

chi-so-so-hai-va-tham-lam-7
Theo ảnh minh họa, thị trường đang cực kỳ sợ hãi

Ngoài việc được áp dụng trong chứng khoán thì thị trường Crypto còn có một khái niệm được gọi là chỉ số sợ hãi và tham lam tiền mã hóa (Crypto Fear & Greed Index). Khái niệm này được đưa ra bởi trang web Alternative.me. Theo trang này, hành vi của thị trường tiền mã hóa cũng mang tính cảm tính như các thị trường tài chính truyền thống. Khi thị trường tăng giá, người tham gia có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư nên có xu hướng mua vào. Ngược lại, họ có xu hướng bán tiền của mình khi nhìn thấy thị trường tụt dốc.

Tương tự với chỉ số sợ hãi và tham lam của CNNMoney, nếu chỉ số này thể hiện “sự sợ hãi tột độ”, đó có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang quá lo lắng. Nhưng đồng thời đây có thể là một cơ hội tốt để mua vào. Nếu chỉ số cho thấy các nhà đầu tư đang “quá tham lam”, điều đó nghĩa là thị trường chuẩn bị có sự thay đổi.

Lợi ích của việc sử dụng chỉ số sợ hãi và tham lam

Theo một số nhà nghiên cứu, lòng tham có thể buộc não bộ của chúng ta phải gạt bỏ ý thức tự chủ thông thường, đồng thời kích động sự thay đổi. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức nào về tác động sinh hóa của lòng tham, nhưng đối với con người, nỗi sợ hãi và lòng tham có thể là những động lực mạnh mẽ.

Nhiều nhà đầu tư hành động theo cảm tính. Lịch sử đã và đang cho thấy chỉ số sợ hãi và tham lam thường là đáng tin cậy khi nó thể hiện sự thay đổi của thị trường chứng khoán. Theo Attic Capital, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất là 12 vào ngày 17/09/2008. Khi đó S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm sau vụ phá sản của Lehman Brothers và sự sụp đổ của gã khổng lồ bảo hiểm AIG. Ngược lại, chỉ số này đạt được mức hơn 90 vào tháng 09/2012 khi chứng khoán toàn cầu tăng giá sau đợt nới lỏng định lượng thứ 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Tận dụng đúng cách chỉ số sợ hãi và tham lam
Tận dụng đúng cách chỉ số sợ hãi và tham lam sẽ giúp ích cho quá trình đầu tư của bạn

Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi và lòng tham trong giao dịch?

Cách tốt nhất là nhà đầu tư nên đề ra một kế hoạch giao dịch cụ thể và tuân thủ nó. Một kế hoạch giao dịch có thể ngăn chặn những hành động bộc phát, mang tính bốc đồng. Một cách khác để giảm ảnh hưởng của cảm xúc trong giao dịch tài chính là giảm quy mô giao dịch. Bên cạnh đó, mỗi nhà đầu tư nên có một cuốn nhật ký giao dịch riêng và thường xuyên cập nhật nó. Những hành động này sẽ giúp bạn có ý thức trách nhiệm cao hơn với các quyết định của mình.

Áp dụng trong đầu tư Crypto

Dưới đây là một số gợi ý để nhà đầu tư đưa ra quyết định khôn ngoan dựa trên chỉ số sợ hãi và tham lam. Cần lưu ý, các thông tin bên dưới chủ yếu mang tính tham khảo, mỗi người luôn cần cân đo để áp dụng cho phù hợp nhất.

  • Mua khi chỉ số sợ hãi Crypto thấp: Khi chỉ số dưới 25 điểm, nghĩa là thị trường đang trong tâm lý hoang mang, giá đã giảm mạnh so với xu hướng chung. Đây có thể là cơ hội mua vào với giá hợp lý để nắm giữ chờ giá hồi phục.
  • Bán khi chỉ số tham lam Crypto cao: Trên 75 điểm cho thấy lòng tham đang lấn át lẽ phải. Giá có thể sẽ điều chỉnh giảm sau những đợt sốt cuối cùng. Hãy bán ra để tránh rủi ro mất vốn khi thị trường suy giảm.
  • Điều chỉnh vị thế: Nắm giữ tỷ trọng đầu tư thấp hơn khi chỉ số tham lam cao để tránh bị cuốn theo sóng. Ngược lại, tăng tỷ trọng khi chỉ số sợ hãi Crypto thấp.
  • Đối chiếu 2 chỉ số: Nếu cả chỉ số tham lam và sợ hãi Crypto đều ở mức cao, nhiều khả năng thị trường sắp đảo chiều giảm mạnh.
  • Theo dõi biến động mạnh: Những thay đổi nhanh từ tham lam xuống sợ hãi hoặc ngược lại có thể cho biết tín hiệu mua bán ngắn hạn.

Có thể thấy việc vận dụng một cách hợp lý kiến thức về chỉ số sợ hãi và tham lam sẽ tạo nên lợi thế rất lớn cho nhà đầu tư. Bạn sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, giúp tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư. Tôi sẽ liên tục cập nhật những thông tin và kiến thức mới nhất về thị trường Crypto đến bạn, vì vậy đừng quên đón đọc các bài chia sẻ tiếp theo.

Trần Đăng Khoa

Tài liệu tham khảo:

 

 

Bắt đầu hành trình trở thành bậc thầy Crypto ngay hôm nay

Chúng tôi đã giúp hơn 3.000 thành viên đầu tư thành công với hơn 500 thành viên đạt cấp độ Crypto Master