Kênh giá có thể được xem như phiên bản khác của đường xu hướng trendline, giúp phân tích và giao dịch theo xu hướng giá.
Với bất kỳ nhà giao dịch nào trong thị trường đầu tư như chứng khoán hay Crypto, việc xác định xu hướng trên thị trường luôn là chìa khóa để tạo ra lợi nhuận. Chiến lược giao dịch kênh giá sẽ giúp bạn phát hiện những xu hướng này cũng như các đợt đột phá và tăng giá tiềm năng trong khoảng thời gian nhất định. Đừng bỏ qua bài viết bên dưới vì tôi sẽ trình bày những thông tin quan trọng mà bạn cần biết về kênh giá.
Kênh giá là gì?
Kênh giá (price channel) được hình thành khi giá bị tác động qua lại bởi cung và cầu. Xu hướng của nó phụ thuộc vào sự vượt trội của một trong hai bên. Bạn có thể sử dụng kênh giá như một công cụ phân tích kỹ thuật nhằm nhận diện xu hướng của giá và đưa ra quyết định mua bán, chốt lời.
Kênh giá hay còn gọi là kênh xu hướng, được tạo thành bởi 2 đường thẳng dốc và song song. Trong đó:
- Một đường thẳng là trendline của xu hướng hiện tại.
- Vẽ một đường thẳng khác song song với trendline. Các mức giá của xu hướng đều nằm trong phạm vi 2 đường này.
Đường trendline trên đóng vai trò như một đường kháng cự và đường trendline dưới giống như một đường hỗ trợ. Chúng sẽ có tính chất cơ bản của hỗ trợ và kháng cự. Kênh giá do đó còn giúp xác định vùng kháng cự và hỗ trợ tiềm năng.
Nếu 2 đường thẳng này dốc lên thì kênh giá giảm, dốc xuống là kênh giá tăng. Độ dốc cũng là một yếu tố nhà giao dịch cần quan tâm. Nên ưu tiên giao dịch theo hướng của kênh giá nếu độ dốc quá lớn. Trường hợp độ dốc nhỏ có thể mua bán hai chiều.
Phân loại và cách vẽ
Vì được tạo nên từ trendline ‒ đường xu hướng nên kênh giá cũng có 3 loại tương tự như trendline.
Kênh giá tăng
Loại kênh giá này xuất hiện trong xu hướng tăng, được tạo thành từ 2 đường xu hướng dốc lên trên. Đường trendline sẽ ở bên dưới, bạn chỉ cần vẽ một đường thẳng song song với nó là có được đường kháng cự phía trên. Đường thẳng này cần chạm 2 đỉnh giá gần nhất của xu hướng.
Không phải giá lúc nào cũng nằm hoàn toàn trong 2 đường thẳng này. Các đường xu hướng chỉ có tác dụng hiển thị vùng kháng cự và hỗ trợ để nhà giao dịch đặt lệnh dừng lỗ. Kênh giá tăng sẽ bị phá vỡ nếu giá bật tăng mạnh (phá kháng cự lên trên) hoặc xuyên qua đường trendline bên dưới và giảm mạnh (phá hỗ trợ xuống dưới). Một xu hướng mới có thể được hình thành hoặc xu hướng cũ được lặp lại.
Kênh giá giảm
Kênh giá giảm xuất hiện trong xu hướng giảm, gồm 2 đường xu hướng dốc xuống dưới, đường trendline lúc này sẽ ở phía trên. Vẽ đường bên dưới chạm 2 đáy gần nhất của xu hướng và song song với trendline.
Kênh giá này cũng sẽ bị phá vỡ khi giá vượt ra khỏi 2 đường xu hướng. Nhà giao dịch có thể bán khi giá đạt đến đường kháng cự và mua vào khi giá đạt đến đường hỗ trợ.
Kênh giá đi ngang
Cần ít nhất 2 mức đáy và 2 mức đỉnh để tạo thành kênh giá đi ngang. Nối các đỉnh với nhau để tạo thành đường trendline trên và nối các đáy để tạo thành đường trendline dưới sao cho 2 đường song song. Khi giá trượt ra khỏi 1 trong 2 đường trendline thì kênh giá sẽ bị phá vỡ và hình thành một xu hướng giảm, tăng hoặc tiếp tục đi ngang.
Áp lực mua và bán trên thị trường là như nhau, giá không tăng giảm rõ ràng mà gần như chỉ đi ngang. Cách tiếp cận phổ biến nhất là giao dịch tại các mức hỗ trợ và kháng cự nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi thị trường vì sự đột phá sẽ sớm xảy ra.
Các lưu ý khi vẽ kênh giá
Có 4 điều bạn cần ghi nhớ khi vẽ:
- Cần xác định trendline trước trong một xu hướng tăng hoặc giảm, sau đó mới vẽ đường thẳng song song còn lại.
- Đường song song với trendline phải đi qua ít nhất 2 đỉnh hoặc đáy đầu tiên trong xu hướng.
- Bạn phải miêu tả đúng biến động trên biểu đồ giá, tránh vẽ theo ý muốn vì độ chính xác sẽ giảm.
- Trong một số trường hợp, giá vẫn có thể nằm bên ngoài đường xu hướng nhưng chỉ cần không phá vỡ mô hình thì vẫn chấp nhận được. Không nên quá cứng nhắc mà cần có sự linh hoạt khi vẽ.
Cách giao dịch với kênh giá
Giao dịch theo xu hướng
Nguyên tắc giao dịch theo cách này rất đơn giản. Bạn cần đợi giá chạm ngưỡng hỗ trợ để mua, không bán ra khi giá chạm ngưỡng kháng cự trong xu hướng tăng. Với xu hướng giảm, bạn phải đợi giá chạm ngưỡng kháng cự để bán, không mua khi giá chạm ngưỡng hỗ trợ.
Nếu đã lựa chọn cách giao dịch này thì bạn không nên đi ngược lại xu hướng. Lý do là vì trong một xu hướng tăng hoặc giảm thì các đợt điều chỉnh ngược xu hướng chỉ diễn ra ngắn hạn. Chúng không đủ để đổi chiều xu hướng và việc tìm kiếm lợi nhuận từ những đợt điều chỉnh này có rủi ro cao.
Với xu hướng tăng
Nhà giao dịch có thể vào lệnh khi giá đã chạm mức hỗ trợ (đường trendline bên dưới) từ 3 lần trở lên, đồng thời đặt lệnh cắt lỗ ở đáy gần nhất trước đó. Nếu giá tăng chạm vào đường trendline phía trên thì bạn có thể chốt lời.
Bạn có thể xem hình minh họa dưới đây.
Giá đã chạm vào đường trendline dưới (tại vị trí 1 và 2) 2 lần liên tiếp, cho thấy đây là một mức hỗ trợ mạnh. Lúc này, bạn cần đợi giá quay lại để kiểm tra vùng giá đã bị phá vỡ trước đó (gọi là retest) lần thứ 3 để mua.
Khi giá chạm vào vị trí số 3 trên đường trendline dưới, bạn có thể đặt lệnh cắt lỗ ở mức giá thấp nhất và gần nhất trước đó như trong hình. Bạn có thể mong đợi lợi nhuận vào thời điểm giá tăng chạm đường trendline phía trên.
Nếu cẩn thận hơn, bạn nên đợi thêm tín hiệu cho thấy giá chắc chắn sẽ chạm đường trendline nhưng lợi nhuận lúc đó có thể thấp hơn.
Với xu hướng giảm
Khi đã nắm được cách giao dịch với xu hướng tăng thì bạn chỉ cần làm tương tự với xu hướng giảm. Lúc này, bạn sẽ đặt lệnh khi giá chạm đường trendline trên từ lần thứ 3 trở đi. Lệnh cắt lỗ đặt ở đỉnh gần nhất trước đó và chốt lời khi giá đi xuống chạm đường trendline dưới.
Trong ảnh, đường trendline đóng vai trò như một mức kháng cự vì giá đã chạm vào nó 2 lần trước đó. Nếu giá tiếp tục chạm vào đường trendline này lần nữa thì bạn nên đặt lệnh bán.
Bạn cũng có thể đợi thêm các tín hiệu chắc chắn hơn như một cây nến giảm và vào lệnh khi cây nến đó vừa đóng lại. Tuy nhiên, cách làm này có thể khiến lợi nhuận giảm đi.
Giao dịch phá vỡ
Đến thời điểm nhất định khi giá trượt khỏi phạm vi 2 đường trendline để bắt đầu một xu hướng mới thì kênh giá sẽ bị phá vỡ. Không có nguyên tắc cụ thể nào trong giao dịch khi giá bị phá vỡ nhưng bạn nên xem xét kênh giá trong một khoảng thời gian đủ dài. Sau khi chọn được khoảng thời gian, bạn cần xác định xu hướng chính. Nếu xu hướng tăng trong khoảng thời gian đó thì bạn chỉ nên mua vào và ngược lại.
Nhà giao dịch chắc chắn hiểu rất rõ tầm quan trọng của xu hướng giá trên thị trường. Kênh giá là công cụ hữu ích để xác định thời điểm giá trượt ra khỏi đường trendline trên hoặc dưới của kênh giá. Ngoài ra, việc tận dụng công cụ này để bán khi giá chạm đường trendline trên và mua khi giá chạm đường trendline dưới sẽ đảm bảo khả năng thành công và thu về lợi nhuận.
Trần Đăng Khoa
- Price Channel – Investopedia
https://www.investopedia.com/terms/p/price-channel.asp
- Tổng hợp 5 kiến thức cơ bản về phân tích kỹ thuật trong đầu tư
- 7 cách kiếm tiền trong thị trường Crypto
- Trọn bộ kiến thức Crypto cho người mới bắt đầu
- Stablecoin là gì? Các đồng stablecoin lớn nhất hiện nay