Xu hướng Crypto nào đã và đang “làm mưa làm gió” thời gian gần đây mà bạn cần phải biết?
Qua rồi thời bị xem là trò lừa đảo, Crypto đang cho thấy giá trị thực tiễn với những xu hướng gây bão trong suốt thời gian qua: NFT, Metaverse, Gamefi, DeFi hay Social Token. Bài viết sau đây sẽ cho bạn một cái nhìn toàn cảnh về những xu hướng Crypto này.
NFT
NFT là viết tắt của Non-fungible token (tài sản không thể thay thế), hiểu đơn giản là tài sản số hoá dưới dạng Blockchain. Blockchain đóng vai trò như một sổ cái đảm bảo tính xác thực của tài sản và chủ sở hữu.
Đặc điểm của NFT
Những đặc điểm dưới đây của NFT đã tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tiền mã hoá:
- Tính độc nhất: Mỗi NFT là độc nhất và hoàn toàn không thể làm giả. NFT đều được mã hóa và luôn là duy nhất trên mạng lưới Blockchain.
- Tính vĩnh cửu: NFT có thể tồn tại vĩnh viễn đi kèm với thông tin thời điểm mua bán, hình ảnh hay âm thanh của NFT đó.
- Tính sở hữu: Mỗi NFT có một mã định dạng riêng độc nhất và thuộc về một chủ sở hữu duy nhất.
Nếu quan tâm về NFT, bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết này:
Ứng dụng của xu hướng Crypto này
NFT đã và đang được ứng dụng phổ biến trong các lĩnh vực như nghệ thuật, gaming, số hoá tài sản thật hay phát triển nội dung số.
- Nghệ thuật: NFT đang thật sự tạo ra cuộc cách mạng trong nghệ thuật vì nó giúp các nghệ sĩ bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình. NFT có thể xác minh tính thật giả, quyền sở hữu rõ ràng nên việc giao dịch mua bán cũng minh bạch hơn, đặc biệt là khi tính thật giả ảnh hưởng rất lớn đến giá trị tác phẩm.
- Gaming: NFT giúp người chơi thật sự sở hữu các vật phẩm và nhân vật trong game, đồng thời dễ dàng trao đổi, mua bán. Không một ai, kể cả nhà phát hành, có thể xóa hay thay đổi tài sản trong game của bạn.
- Số hoá tài sản thật: Trong tương lai, NFT được kỳ vọng sẽ áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như đất đai hay quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ: mã hóa giấy tờ trên Blockchain để tránh làm giả hay thất lạc. Hoặc những tài sản giá trị cao có thể token hoá để làm bằng chứng quyền sở hữu.
Metaverse
Mặc dù chưa có khái niệm thống nhất nhưng bạn có thể hiểu metaverse giống như vũ trụ ảo nơi mà không gian kỹ thuật số được tạo ra nhờ internet và các ứng dụng công nghệ như VR (Virtual Reality – thực tế ảo) hay AR (Augmented Reality – thực tế ảo tăng cường). Từ đó, người dùng sẽ tương tác và trải nghiệm như ngoài thực tế.
Sự kiện giúp metaverse bùng nổ
Sự kiện Facebook chính thức đổi tên thành Meta trong năm 2021 đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người và đưa khái niệm metaverse đến gần hơn với công chúng. Cụ thể, vào tháng 10/2021 tại sự kiện Connect 2021, Mark Zuckerberg đã công bố Meta sẽ trở thành một công ty công nghệ xã hội với sứ mệnh hiện thực hoá mọi thứ bạn có thể tưởng tượng như: gặp gỡ gia đình và bạn bè, cùng nhau làm việc và học hỏi.
Theo lời vị CEO này, trong tương lai chúng ta sẽ có thể di chuyển tức thời dưới dạng ảnh ba chiều để cùng lúc có mặt tại văn phòng, đi mua sắm hay trò chuyện với bố mẹ. Hơn nữa, dưới tác động của đại dịch Covid-19, con người đang mơ ước về việc gặp gỡ và làm việc cùng nhau trong một thế giới ảo được mô phỏng từ thế giới thật.
Đặc điểm của metaverse
- Mức độ chân thực: Đặc điểm này trả lời cho câu hỏi liệu trải nghiệm của chúng ta trong metaverse đạt được bao nhiêu % so với thực tế.
- Tính mở: Metaverse cho phép người tham gia kết nối hoặc ngắt kết nối bất kỳ lúc nào họ muốn. Đồng thời, người tham gia có thể sáng tạo không giới hạn trong không gian này.
- Độ bền vững: Khả năng duy trì liên tục những cải tiến về dịch vụ hay hệ sinh thái trong đó.
- Hệ thống kinh tế: Sẽ có một hệ thống kinh tế song song với thực tế. Trong đó, người tham gia có thể dịch chuyển tài sản của mình ngoài đời thực vào metaverse một cách dễ dàng.
Ứng dụng của metaverse trong cuộc sống
Hiện nay, các ông lớn ngành công nghệ đang dồn nguồn lực xây dựng metaverse để mở ra cánh cổng cho hầu hết các trải nghiệm kỹ thuật. Vậy xu hướng Crypto này được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống?
- Chăm sóc sức khỏe: Trong lịch sử, các bác sĩ đã ứng dụng công nghệ AR cho ngành y khoa. Theo đó, tai nghe hỗn hợp của Microsoft được dùng để hỗ trợ các bác sĩ tiến hành những ca phẫu thuật cần chuyên môn cao.
- Thể thao và giải trí: Metaverse sẽ mang lại cho người dùng những trải nghiệm chân thực nhất. Nhiều người mong muốn tận hưởng trực tiếp những trận đấu thể thao hay sự kiện âm nhạc, tuy nhiên không phải ai cũng có thời gian và tiền bạc để làm điều đó. Metaverse có thể trực tiếp những môn thể thao chuyên nghiệp ở chế độ 3D trong thời gian thực. Máy ảnh sẽ chụp hình các vận động viên đang thi đấu và xử lý dữ liệu trên nền tảng kỹ thuật số để người dùng tận hưởng sự kiện dưới dạng 3D.
- Giáo dục và đào tạo: Học online qua nền tảng 2D thiếu tương tác thực tế và làm những buổi học trở nên nhàm chán. Không gian của metaverse sẽ giúp chúng ta có trải nghiệm học tập như đang trên lớp học thật sự.
Những dự án tiềm năng
Giai đoạn gần đây chứng kiến sự bùng nổ của nhiều dự án metaverse.
- The Sandbox là dự án metaverse dựa trên công nghệ Blockchain, ra đời vào năm 2018. Nó cho phép người dùng tạo, xây dựng và giao dịch các tài sản kỹ thuật số dưới dạng một trò chơi.
- Decentraland là một nền tảng VR được hỗ trợ bởi Ethereum. Decentraland cho phép bạn tạo ra một nền kinh tế ảo tương tự ngoài đời thực dựa trên các token. Trên mảnh đất ảo này, bạn có thể tùy ý sáng tạo hay xây dựng bất cứ thứ gì mình muốn.
Những tranh cãi xung quanh metaverse
Tiềm năng và ứng dụng của metaverse trong tương lai là điều không cần phải bàn cãi nhưng không phải chỉ có mặt tích cực.
Người dùng có thể quá nhập vai trong thế giới ảo mà quên đi thực tại. Thanh thiếu niên trong độ tuổi phát triển nhiều khả năng bị tác động xấu khi mải mê với metaverse. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện một metaverse với đầy đủ chức năng cần kinh phí khổng lồ và mất nhiều năm. Theo các chuyên gia, rủi ro tiềm ẩn liên quan đến metaverse bao gồm an ninh mạng, công nghệ độc quyền và bị kiểm soát bởi những ông lớn.
GameFi
Là sự kết hợp giữa game (trò chơi) và finance (tài chính), GameFi chỉ các trò chơi mà người bạn sẽ nhận được lợi nhuận. Hệ sinh thái của GameFi sử dụng Cryptocurrency, NFT và công nghệ Blockchain để tạo ra một không gian thực tế ảo cho người chơi. Có thể xem đây như một thể loại game mới, khi nền kinh tế số sẽ không ngừng lại sau khi bạn đã tắt game.
Thông thường, bạn kiếm được phần thưởng khi chơi bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ, chiến đấu với những người chơi khác và tăng cấp. Một số game cho phép tạo thu nhập thụ động mà không cần chơi bằng cách đặt cược hoặc cho người khác mượn tài sản. Tài sản trong game cũng có thể được chuyển lên các sàn giao dịch hoặc NFT marketplace để bán.
Dù về bản chất là chơi để nhận phần thưởng nhưng khi kết hợp với Blockchain thì yếu tố tài chính mới quan trọng nhất.
Những mô hình nổi bật của GameFi
Khác với mô hình trả tiền để được chơi truyền thống, GameFi về cơ bản là chơi để kiếm tiền. 2 xu hướng Crypto trong GameFi đang gây sốt trong thời gian gần đây là play to earn và move to earn.
Play to earn
Hình thức play to earn vốn dĩ cũng đã có từ lâu, ví dụ trong một số game như Võ Lâm Truyền Kỳ, Đột Kích… Chỉ cần chịu khó “cày”, bạn sẽ tăng hạng nhanh chóng và mua được nhiều vật phẩm giá trị. Bạn có thể bán tài khoản đó hoặc với một số game, người chơi được trao đổi vật phẩm với nhau.
Hình thức này đang ngày càng thu hút nhiều người chơi bởi việc kiếm được lợi nhuận khi giải trí. Giá trị của các vật phẩm nhận được phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường như khả năng ứng dụng, sự khan hiếm hay thậm chí là tâm lý FOMO.
Move to earn
Move to earn cũng là một hình thức thuộc lĩnh vực GameFi giúp người chơi kiếm kiền. Trong move to earn, người chơi sẽ kiếm tiền thông qua các hoạt động thể chất bên ngoài. Bạn chỉ cần cài đặt game lên điện thoại, các công nghệ cảm biến sẽ thu thập dữ liệu về hoạt động của cơ thể và dựa vào đó để nâng cấp kinh nghiệm cho tài khoản hoặc quy đổi trực tiếp ra token.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về GameFi và tiềm năng và cơ hội đầu tư trong thị trường GameFi
Một số dự án tiêu biểu
Axie Infinity
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến game này. Axie Infinity được xây dựng trên Blockchain Ethereum, ra mắt vào năm 2018 và gây chú ý với cộng đồng tiền mã hóa Việt bởi CEO là người Việt. Người chơi sẽ tập hợp một đội quân gồm các quái vậy (hay Axies) để tham gia trận chiến, nhân giống hoặc thu thập thú hiếm. Token được sử dụng trong game là AXS và SLP.
Bạn phải đầu tư khoảng 1.000 USD để mua 3 Axies để bắt đầu chơi. Muốn kiếm tiền trong game, bạn cần tham gia các trận chiến với người chơi khác để giành giải thưởng hoặc nhân giống Axies và bán chúng trên thị trường. AXS và SLP giành được trong game có thể được đổi thành ETH và rút về ví cá nhân.
STEPN
Đây là dự án đang hot nhất ở thời điểm hiện tại và được đông đảo cộng đồng quan tâm. Người dùng sẽ sử dụng những đôi giày NFT tham gia chạy bộ ngoài đời thật để kiếm token GST. Đây là dự án đạt giải tư tại Solana Ignition Hackathon 2021 và cũng là dự án thứ 28 trên Binance Launchpad.
DeFi
Tài chính phi tập trung hay còn gọi là DeFi đề cập đến một hệ sinh thái những ứng dụng tài chính được xây dựng trên các mạng Blockchain. Nói một cách dễ hiểu, tài chính phi tập trung cho phép người dùng sử dụng các dịch vụ tài chính mã nguồn mở và hoàn toàn đáng tin cậy. Bên cạnh đó, DeFi không phải chịu sự kiểm soát của bất cứ cơ quan nào.
Có thể bạn quan tâm: Tiềm năng và cơ hội đầu tư trong DeFi
CeFi và DeFi
Trái ngược với tài chính phi tập trung là tài chính tập trung CeFi, trong đó mọi hoạt động tài chính đều thông qua trung gian và được kiểm soát bởi các tổ chức. Điều này nghĩa là mọi tài sản của người dùng đều được uỷ thác cho các tổ chức đó. Bảng dưới đây trình bày những sự khác nhau cơ bản giữa CeFi và DeFi.
CeFi |
DeFi |
---|---|
Chi phí cao |
Giao dịch cá nhân giúp tiết kiệm chi phí |
Quy trình tiếp cận quen thuộc, dễ sử dụng và được bảo vệ bởi pháp luật |
Khó sử dụng và rủi ro về bảo mật |
Tính minh bạch thấp |
Tự động hoá giúp tăng tính an toàn và minh bạch |
Phụ thuộc và uỷ thác cho bên thứ 3 |
Không cần phải thông qua bên thứ 3 |
Chỉ có thể giao dịch ở một khu vực cố định |
Có thể truy cập mọi lúc mọi nơi và không bị hạn chế bởi bất cứ ai |
Bản chất của DeFi
Bởi vì xây dựng trên nền tảng Blockchain nên DeFi cũng thừa hưởng những nét tương đồng với công nghệ này:
- Tính phi tập trung.
- Tính phân tán.
- Tính minh bạch.
- Không cần uỷ thác.
- Không cần sự cho phép.
Một số dự án tiêu biểu
- MakerDAO: Một nền tảng tín dụng phi tập trung trên Ethereum, đang hỗ trợ đồng DAI và một số loại stablecoin khác. Người dùng có thể thế chấp ETH để vay đồng DAI. Hiện tại, MakerDAO đang là một nền tảng cung cấp nhiều dịch vụ tài chính cho thị trường và nắm giữ thị phần khá lớn.
- AAVE: Giao thức mã nguồn mở và không bị giám sát để tạo ra thị trường tiền tệ trên Ethereum, mục tiêu trở thành gã khổng lồ Fintech như PayPal hay Skrill ở thị trường tập trung. Thông qua AAVE, người dùng có thể kiếm lãi suất tiền gửi và vay tài sản.
- Compound: Một trong những nền tảng DeFi đầu tiên trên thị trường. Hiện nay, người dùng có thể kiếm được lãi kép liên tục nhờ Yield Farming và cho vay các tài sản kỹ thuật số.
SocialFi
SocialFi là một trong những xu hướng Crypto nổi bật trong năm 2022. Đây là khái niệm được kết hợp hoàn hảo giữa Social và DeFi. Hầu hết các dự án SocialFi điều sẽ phát thành token được gọi là Social Token. Mục tiêu của SocialFi là đem lại lợi ích cho các nhà sáng tạo nội dung từ những sản phẩm của họ và không bị quản lý bởi hệ thống nào.
Những thành phần chính của SocialFi
Social Token là thành phần cốt lõi của các dự án SocialFi. Những token này được tạo bởi một cá nhân, tập thể hay cũng có thể là một cộng đồng. Có 3 nhóm token chính: personal token, social platform token và community token.
- Personal token: Loại token này sẽ đại diện cho một cá nhân nào đó, thông thường là những ngôi sao, người nổi tiếng hay người có tầm ảnh hưởng đến xã hội.
- Social platform token: Đây là loại token đại diện cho trang mạng xã hội phi tập trung, nơi ai cũng có thể quản lý và thỏa sức sáng tạo. Việt Nam cũng có một dự án về SocialFi là Beincomm, hiện đang trong giai đoạn xây dựng và hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai.
- Community token: giống như tên gọi, token này đại diện cho một nhóm người hay tổ chức nào đó.
Xu hướng Crypto này giải quyết vấn đề gì?
Hiện nay, mọi thông tin và dữ liệu của chúng ta đang bị kiểm soát bởi những công ty công nghệ lớn như Meta, Google hay TikTok. Đã không dưới một lần các công ty này bị lên án vì bán thông tin người dùng cho bên thứ 3. Chúng ta không thật sự an toàn trên không gian mạng và SocialFi ra đời để giải quyết những vấn đề đó.
- Quyền riêng tư và bảo mật: SocialFi ứng dụng công nghệ Blockchain và bản chất ẩn danh để bảo mật tuyệt đối các thông tin.
- Lợi ích cho cộng đồng: SocialFi giúp những nhà sáng tạo nội dung tối ưu hoá lợi nhuận từ việc sử dụng hình ảnh, tác phẩm và tầm ảnh hưởng của mình.
Một số dự án tiêu biểu
- Chiiliz: Nền tảng mạng xã hội dành cho những người hâm mộ thể thao. Người dùng có thể đóng góp và biểu quyết cho những đội họ yêu thích thông qua việc mua token của đội bóng đó trên Token CHZ. Họ vừa thể hiện được lòng trung thành với đội bóng vừa có cơ hội nói lên tiếng nói của mình.
- Audius: Nền tảng âm nhạc phi tập trung, tập hợp các nghệ sĩ với nhiều tác phẩm giá trị và truyền cảm hứng. Mục tiêu của Audius là xây dựng giao thức âm nhạc để người hâm mộ chia sẻ các tác phẩm và giúp nghệ sĩ có nhiều phương án đưa ra sản phẩm mới.
Khi mà Crypto và cả Blockchain đang dần khẳng định sức ảnh hưởng của mình trong đời sống thì việc nắm bắt những xu hướng mới sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng mọi cơ hội để gia tăng tài sản. Tôi tin rằng, các xu hướng Crypto mới sẽ còn tiếp tục xuất hiện, ngày một hoàn thiện hơn và không ngừng khiến chúng ta ngạc nhiên.
Trần Đăng Khoa
- The Metaverse’s Dark Side: Here Come Harassment and Assaults
https://www.nytimes.com/2021/12/30/technology/metaverse-harassment-assaults.html
- Những kinh nghiệm đầu tư Crypto hiệu quả nhất của CIC
- Những yếu tố tâm lý tác động đến đầu tư Crypto
- Tổng hợp 5 kiến thức cơ bản về phân tích kỹ thuật trong đầu tư