Rất nhiều người đã nói về tự do tài chính nhưng liệu nó có dễ thực hiện hay không và phải có bao nhiêu tiền mới là tự do?
Hẳn ai cũng mong muốn đạt được tự do tài chính để không phải lo lắng về việc kiếm tiền mỗi ngày và có thể tận hưởng cuộc sống theo ý muốn. Tự do tài chính không chỉ đơn thuần là việc có đủ tiền để sống, mà còn là sự độc lập về tài chính, khả năng tạo ra thu nhập bền vững và khả năng quản lý tài chính một cách thông minh. Vậy làm thế nào để đạt được tự do tài chính, bài viết sau sẽ giải đáp cho bạn.
Tự do tài chính là gì?
Tự do tài chính là trạng thái mà bạn không còn phải lo lắng về tiền bạc, có thể đưa ra các quyết định về tài chính mà không vướng phải trở ngại nào. Để làm được như vậy, bạn phải tạo ra nguồn thu nhập ổn định và đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, cũng như có khả năng tiết kiệm, đầu tư và thực hiện những mục tiêu tài chính cá nhân.
Tự do tài chính không chỉ đơn thuần là kiếm được nhiều tiền mà còn liên quan đến việc quản lý tiền bạc một cách thông minh. Một khi đạt được tự do tài chính, bạn sẽ tự do lựa chọn sở thích, lối sống mình mong muốn. Nhiều người nghĩ rằng phải có nhà lầu xe hơi mới là giàu có, là đủ về mặt vật chất. Nhưng thực tế thì tự do về tài chính nhấn mạnh đến sự cân bằng giữa thu và chi, cả hai luôn trong một ngưỡng an toàn.
Các cấp độ của tự do tài chính
Có nhiều cách để phân chia và một trong những cách phổ biến nhất là 7 cấp độ theo Grant Sabatier. Ông là một triệu phú trẻ người Mỹ và là tác giả cuốn sách bán chạy mang tên “Financial Freedom” (Tự do tài chính). Sabatier đã tích lũy được 1,25 triệu USD và đạt tự do tài chính khi 30 tuổi.
Dựa trên cách phân loại này, mỗi người đều có thể dễ dàng nhận ra mình đang ở đâu để tiếp tục con đường tiến tới vạch đích. Dưới đây là 7 cấp độ cụ thể đó.
- Cấp độ 1: Rõ ràng (Clarity). Rõ ràng ở đây là bạn phải hiểu rõ về tài chính của mình, gồm thu nhập, chi tiêu, nợ nần và tài sản. Bạn cũng cần xác định được mục tiêu và kế hoạch để đạt được tự do tài chính, từ đó lên ngân sách thực hiện cho phù hợp.
- Cấp độ 2: Tự túc (Self-sufficiency). Bạn có thể hiểu là ở cấp độ này, bạn bắt đầu kiếm được thu nhập đủ để trang trải các chi phí mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của gia đình. Thu nhập của bạn tương đối ổn định dù không quá dư dả và bạn cũng sở hữu một quỹ dự phòng nhỏ. Quỹ này để sử dụng trong những trường hợp bất ngờ như ốm đau, thất nghiệp, hư hỏng xe máy…
- Cấp độ 3: Thư thái (Breathing room). So với cấp độ 2 thì cấp độ 3 giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn. Cụ thể, sau khi chi trả chi phí thiết yếu, bạn vẫn có dư để đầu tư hoặc gia tăng quỹ dự phòng. Bạn đủ sức đối phó với những khoản phát sinh bất ngờ nhưng nhiều khả năng vẫn có nợ.
- Cấp độ 4: Ổn định (Stability). Định nghĩa sự ổn định theo Sabatier là trả hết các khoản nợ lãi suất cao, đồng thời sở hữu một quỹ khẩn cấp có thể trang trải chi phí sinh hoạt lên đến 6 tháng.
- Cấp độ 5: Linh hoạt (Flexibility). Nếu đã tích lũy đủ tiền để sống mà không cần làm việc trong 2 năm thì xin chúc mừng, bạn đang ở cấp độ 5. Lúc này, không chỉ hóa đơn mà bạn còn đủ sức chi trả cho các sở thích cá nhân và có thể nghỉ việc bất cứ khi nào mình muốn.
- Cấp độ 6: Tự do tài chính (Financial Independence). Thực tế thì nếu chỉ dừng ở cấp độ 5, bạn bắt buộc phải quay lại làm việc vào một lúc nào đó. Nhưng khi đạt tự do tài chính, bạn có thể yên tâm sống từ lợi nhuận đầu tư… Đây cũng là lúc bạn có thể chính thức ngưng làm việc. Tuy nhiên, để đạt cấp độ này, bạn phải trải qua quá trình phấn đấu không ngừng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc.
- Cấp độ 7: Của cải dồi dào (Abundant wealth). Ở cấp độ 6, bạn đã có thể dựa gần như sống dựa vào các khảo đầu tư nhưng vẫn cần để mắt đến chúng thường xuyên. Ở cấp độ 7 thì bạn không còn phải lo lắng về việc này nữa. Bạn có thể tự do theo đuổi đam mê và tận hưởng thành quả lao động của mình, đồng thời sử dụng quỹ thừa để làm những điều có ý nghĩa cho xã hội.
Cần bao nhiêu tiền để đạt tự do tài chính?
Mỗi người sẽ có một tiêu chuẩn sống khác nhau nên con số này sẽ không giống nhau. Tuy nhiên chúng ta vẫn có công thức để tham khảo, từ đó ước lượng một con số tương đối. Tùy vào nhu của mình cùng tình hình kinh tế ‒ xã hội mà bạn có thể cân chỉnh cho phù hợp.
Ở đây, tôi sẽ nhắc tới một quy tắc quản lý tài chính được nhiều người biết tới là quy tắc 4%. Theo đó, nếu sở hữu số tiền gấp 25 lần chi phí sinh hoạt tối thiểu hằng năm của mình, bạn coi như đã đạt tự do tài chính. Ví dụ, nếu mỗi tháng bạn cần 15 triệu để chi tiêu thì 1 năm bạn cần 180 triệu. Như vậy, bạn sẽ đạt tự do tài chính nếu có 4,5 tỷ đồng. Cách tính tương tự cũng được áp dụng cho hộ gia đình.
Con số 4% xuất phát từ một nghiên cứu năm 1998 của 3 giáo sư Đại học Trinity Texas. Họ đã nghiên cứu danh mục đầu tư của nhiều người từ năm 1926 đến 1995. Theo đó nếu rút 4%/năm từ số tiền ban đầu thì đa số sẽ đủ (hoặc dư) để sống trong 30 năm. Lợi nhuận trung bình từ cổ phiếu và trái phiếu ở Mỹ là 10%, trừ đi lạm phát 3%/năm thì 4% là số an toàn.
Làm thế nào để đạt tự do tài chính?
Để đạt được mục tiêu này, bạn cần có những thói quen tốt và kế hoạch tài chính hợp lý. Dưới đây là một số bước cơ bản bạn có thể tham khảo:
- Đặt mục tiêu cuộc sống. Bạn cần xác định rõ mình muốn sống thế nào, cần bao nhiêu tiền để duy trì lối sống đó và khi nào thì đạt được mục tiêu.
- Lập ngân sách hằng tháng. Bạn cần theo dõi thu nhập và chi tiêu của mình, hạn chế lãng phí và dành một phần cho việc tiết kiệm và đầu tư.
- Trả nợ thẻ tín dụng và nợ tiêu dùng. Nợ thẻ tín dụng và nợ tiêu dùng có lãi suất cao, ảnh hưởng xấu đến khả năng tích lũy của bạn. Bạn nên trả hết số nợ này mỗi tháng và chỉ vay khi thực sự cần thiết.
- Tạo khoản tiết kiệm khẩn cấp. Bạn cần có một khoản tiền dự phòng để đối phó với những rủi ro và khủng hoảng tài chính bất ngờ, như mất việc, ốm đau hay thiên tai.
- Xây dựng kế hoạch hưu trí. Hãy chuẩn bị cho tương lai khi bạn không còn làm việc nữa. Bạn có thể tham gia các kế hoạch hưu trí do nhà nước hay doanh nghiệp cung cấp, hoặc tự lập kế hoạch riêng cho mình.
- Đầu tư thông minh. Bạn cần tìm hiểu về các kênh đầu tư khác nhau, như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay tiền mã hóa. Đừng quên phân bổ danh mục đầu tư sao cho phù hợp với mức rủi ro, tuổi tác và mục tiêu của mình.
Tìm hiểu thêm thông tin có thể giúp ích cho bạn trong việc chọn kênh đầu tư thích hợp:
Kết thúc bài viết, tôi muốn bạn hiểu rằng tự do tài chính là mục tiêu tốt nhưng không dễ thực hiện. Nhưng nếu lên kế hoạch cẩn thận, lao động chăm chỉ, tiết kiệm đều đặn và đầu tư thông minh thì tôi tin rằng bất kỳ ai cũng có thể biến ước mơ này thành hiện thực.
Trần Đăng Khoa
- What Is the 4% Rule for Withdrawals in Retirement and How Much Can You Spend?
https://www.investopedia.com/terms/f/four-percent-rule.asp
- Tìm hiểu và áp dụng quy tắc 50/30/20
- Quy tắc 6 chiếc lọ trong quản lý tài chính cá nhân là gì?
- Thu nhập thụ động: Định nghĩa và cách tạo ra các nguồn thu