Chuẩn bị có trình duyệt Web3 cho người Việt?
Cốc Cốc vừa ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) cùng hệ sinh thái Blockchain KardiaChain để phát triển một ví không giám sát tích hợp vào trình duyệt bảo mật Cốc Cốc nhằm thúc đẩy việc sử dụng Blockchain và Web3.
Theo biên bản ghi nhớ, KardiaChain sẽ đóng vai trò cố vấn cho Cốc Cốc cũng như trợ giúp trong quá trình kiểm tra sự phát triển của ví kỹ thuật số và các dự án liên quan đến Blockchain khác cho trình duyệt. Ví này sẽ cung cấp cho người dùng chức năng truy cập trực tiếp vào các ứng dụng Web3 trên Blockchain như các trò chơi sử dụng NFT và các sản phẩm tài chính phi tập trung (DeFi).
Tính năng ví này giúp người dùng quản lý chuỗi khoá bí mật và tương tác với các Blockchain phổ biến trên thế giới mà không cần phải cài thêm các chương trình hỗ trợ vào trình duyệt của mình như hiện tại. Do được tích hợp trực tiếp vào trình duyệt, module ví Blockchain sẽ hoạt động hiệu quả hơn, trải nghiệm người dùng mượt mà và nhanh hơn, đồng thời tiêu tốn ít thời lượng pin khi sử dụng trên các thiết bị di động so với các ví cài thêm (extension) vào trình duyệt khác hay các ví ứng dụng cài riêng vào máy.
Đây là những bước đi đầu quan trọng trong việc tích hợp thêm các tính năng, tiện ích nâng cao ở các phiên bản sau. Trình duyệt này sẽ đầy đủ các tính năng tương tự các trình duyệt Web3 tiên phong trên thế giới như Brave Browser, Opera Web3 Browser. Trong quý 4/2022, Cốc Cốc sẽ phát hành phiên bản giới hạn beta cho một số người dùng trong cộng đồng để thử nghiệm sản phẩm trước khi chính thức mở rộng cho toàn bộ người dùng vào năm 2023.
Khi không gian Crypto cũng không đứng ngoài cơn sốt World Cup
Các công ty Crypto trở thành nhà tài trợ cho World Cup
World Cup 2022 là sự kiện tuyệt vời để các công ty tận dụng quảng bá thương hiệu và mở ra cơ hội làm ăn trên toàn thế giới. Và tất nhiên, ngành công nghiệp non trẻ tiền mã hóa không thể bỏ lỡ cơ hội giới thiệu với công chúng toàn cầu. Nền tảng giao dịch tiền mã hóa Crypto.com đã trở thành nhà tài trợ chính thức của FIFA World Cup 2022 thông qua một thỏa thuận với giá trị tài trợ không được tiết lộ.
Theo Coindesk, sự hợp tác này đưa thương hiệu của sàn giao dịch xuất hiện tại sân vận động, cũng như xung quanh địa điểm tổ chức giải đấu ở Qatar. Công ty hiện đang tìm cách đưa quảng cáo đến nhiều khán giả toàn cầu hơn thông qua World Cup và đang tranh thủ sự trợ giúp của công ty xử lý thanh toán Visa. Visa sẽ bán đấu giá 5 mã NFT lấy cảm hứng từ bàn thắng của các huyền thoại làng túc cầu trong các kỳ World Cup trước đây. Tất cả số tiền thu được sẽ được đưa vào quỹ từ thiện, theo Visa.
Ngoài ra, Algorand cũng được chọn làm đối tác Blockchain chính thức của FIFA vào tháng 5. Algorand sẽ cung cấp giải pháp ví chính thức được hỗ trợ bởi Blockchain cho FIFA và cũng sẽ hỗ trợ tổ chức phát triển chiến lược tài sản mã hóa của mình. Algorand đồng thời là nhà tài trợ chính thức của FIFA Women’s World Cup tại Úc và New Zealand vào năm 2023.
Fan token – Xu hướng nở rộ mùa World Cup 2022
Fan token là một loại token được thiết kế để mang lại lợi ích cho fan hâm mộ của các đội thể thao, ban nhạc hay một nhóm nào đó. Người sở hữu thường được hưởng các đặc quyền thành viên, chẳng hạn như quyền truy cập vào nội dung độc quyền, giải thưởng, trải nghiệm và quyền bỏ phiếu cho các quyết định của câu lạc bộ (việc bỏ phiếu sẽ không can thiệp quá sâu và sẽ không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, vận hành của câu lạc bộ).
Cuối năm 2021, Binance cũng đã phát triển một mảng riêng với tên gọi Binance Fan Token, cho thấy sự nghiêm túc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rõ về fan token trước khi xuống tiền, đặc biệt để tránh FOMO trong giai đoạn World Cup. Tìm hiểu cụ thể trong bài viết sau:
Fan token là một hình thức của social token. Theo CoinDesk, đây hiện là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường tiền mã hóa, vốn bị bao trùm bởi bóng đen liên quan đến cú sập sàn FTX. Tuy nhiên, do tăng giá vì các kỳ vọng trong World Cup, fan token có thể mất đà tăng sau khi giải đấu kết thúc, hoặc mất giá ngay khi đội bóng gặp kết quả bất lợi.
Tiêu biểu, trận thua 1 – 2 trước Saudi Arabia tại lượt trận đầu tiên đã nhấn chìm fan token của đội tuyển bóng đá Argentina. Token ARG vốn được cộng đồng đặt kỳ vọng cũng lao dốc nhanh chóng, giảm tiếp hơn 30% xuống mức thấp 4,96 USD trước khi phục hồi và đang giao dịch tại 5,36 USD vào ngày 23/11.
Trước khi giải đấu khởi tranh, ARG cùng POR của tuyển Bồ Đào Nha, SNFT của tuyển Tây Ban Nha và BFT của tuyển Brazil là những fan token nổi bật nhất tính theo vốn hóa thị trường.
Sau FTX, một đế chế Crypto khác đứng trước nguy cơ sụp đổ
Theo báo cáo của U.Today, bộ phận cho vay của Genesis đột ngột ngừng tính năng rút tiền vào ngày 16/11. Nhật báo Wall Street Journal đưa tin rằng Genesis đang tìm kiếm khoản cứu trợ trị giá 1 tỷ USD từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, trong đó có cả Binance, nhưng không thành công. Chính vì chuỗi tin đồn khả năng cao dẫn đến phá sản, tiếp nối hệ quả hiệu ứng domino đổ sập lan rộng từ FTX, Genesis Trading đã góp phần “giúp” Bitcoin lập đáy mới của năm 2022 vào đầu tuần này.
Trong một bức thư gửi cho các cổ đông vào ngày 22/11, nhà sáng lập kiêm CEO quỹ đầu tư Digital Currency Group (DCG) Barry Silbert đã trấn an bằng cách cho biết công ty sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại. Silbert cũng nhấn mạnh DCG sẽ đạt doanh thu 800 triệu USD vào năm 2022. Động thái được Silbert đưa ra ngay sau khi có nhiều thông tin xác nhận rằng công ty con của DCG là Genesis Global Capital đã thuê cố vấn tái cơ cấu trúc doanh nghiệp.
Vị CEO cho biết thêm DCG đã nhận được các đề nghị đầu tư và ông sẽ thông báo cho các cổ đông nếu công ty quyết định thực hiện vòng gọi vốn mới. Bên cạnh đó, Barry Silbert còn tiết lộ DCG có khoản nợ khoảng 575 triệu USD đối với Genesis Global Capital nhưng sẽ không đáo hạn cho đến tháng 05/2023. Công ty cũng đang gánh khoản nợ mà Three Arrows Capital đã phá sản không trả được cho Genesis, ước tính hơn 1 tỷ USD.
Trong lĩnh vực Crypto, DCG khá nổi tiếng. Danh mục của công ty này qua các năm gồm mọi thứ từ các sàn giao dịch như Coinbase tới nhà sản xuất phần cứng Ledger đến ngân hàng tập trung vào tiền mã hóa Silvergate. Silbert cũng là một trong những người đầu tiên mua Bitcoin vào năm 2012 khi ngành công nghiệp này mới chỉ ở giai đoạn sơ khai.
CoinMarketCap ra mắt tính năng theo dõi nguồn dự trữ của các sàn giao dịch Crypto
Trang web theo dõi giá tiền mã hóa hàng đầu thế giới, CoinMarketCap (CMC) đã giới thiệu tính năng bằng chứng về nguồn dự trữ (Proof-of-Reserve) của các sàn giao dịch tập trung nhằm cải thiện tính minh bạch cho nhà đầu tư. Dữ liệu hiện có sẵn về thông tin của 7 sàn giao dịch, trong đó có cả Binance, KuCoin và Bitfinex.
Tính năng theo dõi bằng chứng về nguồn dự trữ cung cấp thông tin về loại token được dự trữ, cũng như địa chỉ, số dư và giá trị của tài sản trong ví được liên kết. Toàn bộ giá trị của các khoản dự trữ cũng được tiết lộ cùng với tỷ lệ phần trăm phân chia của các tài sản khác nhau được dự trữ bởi sàn giao dịch. CMC đang tìm nguồn dữ liệu từ Nansen, DefiLlama và các trang web của riêng các sàn giao dịch này, đồng thời hướng tới mục tiêu cập nhật thông tin sau mỗi 5 phút.
CMC thuộc sở hữu của Binance Capital Management. Binance là Blockchain đứng sau sàn giao dịch Crypto lớn nhất thế giới tính theo khối lượng. CEO Binance, Changpeng Zhao đã nhắc lại mức độ cần thiết phải tăng cường minh bạch từ các sàn giao dịch sau sự sụp đổ của FTX.
Trong một diễn biến khác, một trong những công ty đầu tư tiền mã hóa lớn nhất thế giới, Grayscale thông báo rằng họ sẽ không chia sẻ bằng chứng về khoản dự trữ như các công ty khác. Theo một thông cáo báo chí chính thức, lý do của quyết định này là vì những lo ngại về bảo mật có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Quyết định được đưa ra bất chấp áp lực mà công ty giao dịch tiền mã hóa này đang phải gánh chịu.
Sau khi có những nghi ngại của người dùng về tính minh bạch trong tài sản của Grayscale Bitcoin Trust, thì mới đây Coinbase Custody – đối tác của Grayscale thông báo họ đang nắm giữ 635.000 BTC của Grayscale Bitcoin Trust. Ngoài ra tổ chức này cũng đang giữ hơn 3 triệu ETH của Grayscale Ethereum Trust và 11,9 triệu ETC của Grayscale Ethereum Classic Trust. Tuy có sự đảm bảo từ Coinbase Custody nhưng niềm tin của người dùng đối với Grayscale vẫn không tăng lên khi mức chiết khấu của GBTC tiếp tục giảm và hiện đang ở mức –45%.
Tội phạm vụ hack Mt. Gox rục rịch chuyển đi 10.000 BTC từ 7 năm trước
Một ví liên kết với sàn giao dịch BTC-e, tội phạm vụ hack Mt. Gox khét tiếng năm 2014 bỗng dưng “thức dậy”, gửi đi 10.000 BTC (trị giá khoảng 265 triệu USD) đến hai người nhận hiện chưa rõ danh tính. Vào khoảng 03:38 (giờ Việt Nam) chiều 23/11, một ví nhận được 3.500 BTC đã chuyển tiếp 300 BTC đến một điểm tập kết khác và chia nhỏ đến nhiều ví khác nữa.
CEO CryptoQuant thông tin thêm rằng hacker sau đó đã chuyển 65 BTC lên sàn HitBTC, chốt lời ở giá 16.400 USD và đạt PNL 5.594% so với mức mua hồi năm 2015 là 297 USD. Ví liên quan đến giao dịch kia được hệ thống phân tích Blockchain Crystal Blockchain gán cho BTC-e. Việc chuyển giao đầu tiên được chú ý và báo động bởi doanh nhân người Nga Sergey Mendeleev, ông đã công bố quan sát trên kênh Telegram của mình.
Tháng 02/2014, Mt. Gox đã bị cướp sạch 744.408 BTC từ ví nóng, buộc sàn phải tuyên bố phá sản và đóng cửa vĩnh viễn. Từ đó, quá trình kiện tụng – trả nợ – xả coin kéo dài đến nay. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2013, Mt. Gox là một trong những sàn giao dịch Crypto đầu tiên và lâu đời nhất, từng xử lý đến 70% số lượng giao dịch BTC trên toàn thế giới.
Alexander Vinnik, nhà điều hành BTC-e, đã bị bắt vào 2017 tại một khu nghỉ mát gần Thessaloniki (Hy Lạp) và lãnh án tù 5 năm vì tội danh rửa tiền và các cáo buộc khác.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 21 – 25/11/2022