Thay vì tìm hiểu từng khái niệm riêng lẻ, bạn có thể tham khảo các thuật ngữ Crypto và Blokchain trong bài viết sau để tiết kiệm thời gian.
Blockchain – Crypto là một lĩnh vực đang còn rất non trẻ nhưng cực kỳ tiềm năng. Vì vậy, để giúp bạn hiểu rõ và đầu tư vào lĩnh vực này, tôi đã biên soạn và sẽ liên tục cập nhật các thuật ngữ Crypto, khái niệm cơ bản nhất.
Tôi sẽ cung cấp thuật ngữ nguyên bản tiếng Anh (sắp xếp theo thứ tự alphabet), kèm theo thuật ngữ được dịch sang tiếng Việt. Các thuật ngữ được định nghĩa ngắn gọn, cơ bản nhất để bạn có thể hiểu và trả lời câu hỏi: Đó là cái gì? Tiếp theo, tôi sẽ cung cấp liên kết đến các bài viết chuyên sâu hơn về thuật ngữ đó (nếu có). Hy vọng bài viết này sẽ trở thành một tài liệu tham khảo hoặc một cuốn từ điển về lĩnh vực Blockchain – Crypto cũng như đầu tư – tài chính hữu ích cho bạn.
Lưu ý: Sẽ có một số thuật ngữ tôi không dịch vì chưa có từ tiếng Việt phù hợp. Theo quan điểm của tôi thì khi bước chân vào lĩnh vực mới mẻ này, bạn nên làm quen với các thuật ngữ Crypto nguyên bản tiếng Anh để cập nhật kiến thức và tin tức nhanh hơn từ nhiều nguồn khác nhau.
1
- 51% attack – Cuộc tấn công 51%
Một cuộc tấn công có thể xảy ra trong mạng lưới tiền mã hóa bởi một thực thể hay một tổ chức kiểm soát nhiều hơn 50% sức mạnh tính toán của mạng lưới.
A
- Address – Địa chỉ
Một địa chỉ, hay còn gọi là chìa khóa công khai (public key), là nơi Bitcoin hoặc các loại tài sản mã hóa khác được gửi đến trong quá trình giao dịch. Địa chỉ bao gồm một chuỗi các kí tự chữ và số tương ứng với ví Bitcoin hay các loại tiền mã hóa khác.
- Airdrop
Airdrop là quá trình phân phối miễn phí các đồng coin hoặc token cho người dùng như một cách để quảng bá, thu hút người dùng mới và tạo sự quan tâm đối với dự án. Cách thức và tiêu chí phân phối airdrop có thể khác nhau tùy thuộc vào từng dự án và mục tiêu của họ.
- ASIC miner – Phần cứng đào ASIC
Vi mạch tích hợp chuyên dụng (An application-specific integrated circuit – ASIC) là một loại vi mạch tùy chỉnh dùng để vận hành một loạt các công việc giới hạn nào đó như đào coin mới trong mạng lưới Bitcoin hay giải quyết các node trên các Blockchain khác. Vì vi mạch này là tùy biến dành cho các mục đích cụ thể nên nó nhanh hơn những bộ đào khác.
- Altcoin
Là thuật ngữ Crypto chung dùng để chỉ các loại tiền mã hóa khác không phải Bitcoin.
» Tìm hiểu thêm: Top 10 altcoin nổi bật và tiềm năng.
B
- Bearish
Một tài sản đang ở trạng thái “bearish” khi mức giá có xu hướng giảm, hoặc một người là “bearish” khi người đó nghĩ rằng tài sản sẽ có xu hướng giảm.
- Bitcoin maximalist – Người theo chủ nghĩa tôn sùng Bitcoin
Những người coi trọng và thậm chí là tôn sùng Bitcoin.
- Block
Các tệp dữ liệu chứa thông tin giao dịch được ghép chung với nhau để đính vào Blockchain.
- Blockchain
Một cuốn sổ cái phân tán ghi nhận thông tin một cách công khai và theo trình tự thời gian được dùng cho Bitcoin và các loại tài sản mã hóa khác.
- Block explorer
Công cụ giúp bạn theo dõi tất cả các giao dịch từ quá khứ đến hiện tại trên một Blockchain cụ thể. Ví dụ: Blockchain.info, etherscan.io.
- Block halving
Block halving là một sự kiện quan trọng trong mạng lưới Blockchain của Bitcoin và một số altcoin khác, trong đó phần thưởng đào Bitcoin (và altcoin) bị cắt giảm xuống còn một nửa sau mỗi 210.000 block. Quy tắc halving này giúp giới hạn nguồn cung và tạo ra sự khan hiếm, đồng thời có tác động đáng kể đến quá trình đào coin và giá trị của đồng tiền trong thị trường.
- Block height – Độ cao block
Vị trí của block trong Blockchain. Block càng cao là block gần với hiện tại nhất.
- Block reward – Phần thưởng block
Số lượng Bitcoin (hoặc các loại altcoin có thể đào được khác) mà thợ đào nhận được mỗi khi giải xong một block.
- Bounty
Chương trình nhận thưởng coin miễn phí bằng cách giúp cho đội ngũ phát triển quảng bá dự án của họ.
- BTD
Viết tắt của cụm “buy the dip”, là hành động mua khi mức giá của tiền mã hóa giảm sâu.
- Bullish
Một tài sản đang ở trạng thái “bullish” khi mức giá có xu hướng tăng, hoặc một người là “bullish” nếu người đó nghĩ rằng mức giá của tài sản sẽ tăng.
C
- CEX
CEX là viết tắt của centralized exchange, tức sàn giao dịch tập trung, nơi tất cả các giao dịch được thực hiện thông qua một bên trung gian tập trung. Các sàn này cho phép người dùng mua, bán và giao dịch các loại tiền mã hóa khác nhau với nhau hoặc với tiền pháp định. Tuy nhiên, các CEX yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân và phụ thuộc vào sự kiểm soát của bên quản lý sàn.
Tôi đã thực hiện bài viết giới thiệu các sàn CEX nổi bật, khám phá ngay:
- Chart – Biểu đồ
Là cách thức đơn giản nhất để mô tả lịch sử giá của một tài sản tài chính. Có rất nhiều loại biểu đồ như biểu đồ nến Nhật, đường, thanh, điểm và con số… Tất cả đều có ưu và khuyết điểm riêng và có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau trong nghiên cứu.
- Claim coin
Một hành động thông báo cho hệ thống biết số coin mình đang trữ để được nhận số coin tương ứng trên Blockchain mới khi diễn ra hard fork hoặc chuyển đổi sang hợp đồng thông minh mới hoặc chuyển đổi sang mainnet.
- Client
Phần mềm hỗ trợ cho việc khởi tạo các chìa khóa cá nhân (private key), bảo mật và việc thanh toán trên Blockchain.
- Cold storage – Trữ lạnh
Là cách giữ chìa khóa cá nhân và các loại tiền mã hóa ngoại tuyến, như việc thông qua ví phần cứng. Ví dụ: Trezor, Ledger Nano S.
- Confirmation – Sự xác nhận
Là khi các giao dịch mới được ghi nhận vào Blockchain.
- Consensus – Đồng thuận
Là lúc có đủ số lượng người tham gia mạng lưới Blockchain đồng ý xác minh một giao dịch.
- Cryptocurrency – Tiền mã hóa
Đây là ứng dụng chính đầu tiên được thực hiện trên nền tảng Blockchain. Tiền mã hóa là một loại tiền tệ được thiết kế để không ai có quyền sở hữu tập trung, với mỗi token và giao dịch được mã hóa theo cách thức độc nhất. Công nghệ Blockchain là cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho việc lưu trữ các loại tiền mã hóa và giao dịch các token trong mạng lưới.
- Currency Pair – Cặp tiền tệ
Là đơn vị của giao dịch tiền tệ, bao gồm tỷ số của hai loại tiền, thường được diễn tả bằng ba ký tự viết tắt của loại tiền đó như BTC/USD (Bitcoin/Đô la Mỹ – giá của Bitcoin tính theo đô la Mỹ).
D
- DAO
Đây là từ viết tắt của Decentralized Autonomous Organization (tổ chức tự trị phi tập trung). Thuật ngữ này mô tả một tổ chức sử dụng các tính năng của Blockchain, như hợp đồng thông minh (smart contract), để quản lý tự động mà không cần một bộ máy điều hành trung tâm.
- Dapp
Viết tắt của Decentralized application (ứng dụng phi tập trung). Về bản chất, đây là những chương trình sử dụng Blockchain để tạo ra bất cứ loại hình ứng dụng nào có thể chạy trên mạng lưới phi tập trung.
- DDoS attack – Tấn công từ chối dịch vụ DdoS
Là cụm từ viết tắt của “Distributed denial of service”, nghĩa là từ chối cung cấp dịch vụ – một cuộc tấn công vào máy chủ mạng lưới làm treo hoặc làm gián đoạn dịch vụ bằng cách làm quá tải thông lượng mạng lưới bằng nhiều nguồn.
- DeFi
DeFi là viết tắt của decentralized finance, tức tài chính phi tập trung. Đây là một hệ sinh thái tài chính mới trên Blockchain, cho phép người dùng tham gia vào các dịch vụ tài chính truyền thống như vay mượn, gửi tiền và đầu tư mà không cần sự can thiệp của các bên trung gian như ngân hàng. Các giao dịch và hoạt động trong DeFi được thực hiện thông qua các smart contract, đảm bảo tính an toàn và minh bạch.
- Deterministic wallet – Ví tất định
Loại ví chuẩn hóa các chìa khóa từ một xuất phát điểm đơn lẻ gọi là hạt giống (seed). Hạt giống cho phép người dùng sao lưu và khôi phục ví dễ dàng.
- Desktop Wallet (hay PC Wallet)
Là một loại ví phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân.
- DEX
DEX là viết tắt của decentralized exchange, tức sàn giao dịch phi tập trung, nơi các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người dùng thông qua các smart contract trên Blockchain mà không cần một bên trung gian tập trung. DEX cho phép người dùng nắm toàn quyền kiểm soát tài sản của mình và tăng cường tính riêng tư.
- Difficulty – Độ khó
Năng lượng tính toán bắt buộc để giải bài toán Proof of Work nhằm tạo ra một block mới.
- Digital signature – Chữ ký kỹ thuật số
Đây là một thuật ngữ Crypto dùng để xác định danh tính một cá nhân đơn lẻ hay một hoạt động trên internet. Đối với Blockchain, chữ ký kỹ thuật số thường liên quan đến một danh tính độc nhất được trao cho một người dùng, token hay giao dịch cụ thể.
- Distributed ledger – Sổ cái phân tán
Sổ cái giao dịch được lưu trữ xuyên suốt trong mạng lưới các node phi tập trung (hay các thợ đào).
- Distributed network – Mạng lưới phân tán
Là nơi năng lượng đang vận hành và dữ liệu được lan truyền trên nhiều máy tính thay vì trong trung tâm dữ liệu tập trung.
- Distributed Validator Technology (DVT) – Công nghệ trình xác thực phân tán
Một phương pháp trong lĩnh vực Blockchain và Crypto, trong đó các validator được phân tán trên nhiều nút mạng khác nhau. DVT cho phép việc xác minh và đảm bảo tính toàn vẹn của giao dịch và các hoạt động trên Blockchain thông qua sự tham gia đa phương và công bằng của các validator.
- Double spend
Khi một người nắm giữ tiền mã hóa tạo ra một bản sao token và gửi đến một bên khác mà vẫn giữ lại bản gốc. Tóm lại, double spend xảy ra khi một token bị sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần để mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Bitcoin đã giải quyết được vấn đề từng là một hạn chế làm cản trở việc hình thành tiền mã hóa này.
- DOW Industrial Average – Chỉ số trung bình công nghiệp DOW
Chỉ số chứng khoán của 30 công ty niêm yết lớn nhất của Mỹ theo giá trị thị trường. Hay còn gọi là chỉ số đo lường giá, là một thước đo kém hiệu quả hơn so với các chỉ số đo lường vốn hóa khác.
E
- Exchange Traded Fund (ETFs) – Quỹ hoán đổi danh mục
Một loại quỹ đầu tư mà chứng chỉ quỹ của nó được giao dịch giống như một loại chứng khoán trên sàn giao dịch. Giá trị của ETFs được xác định dựa trên một danh mục tài sản cụ thể, chẳng hạn như chỉ số chứng khoán, tập hợp các công cụ tài chính như trái phiếu, tiền tệ, hàng hóa, hoặc bất kỳ loại tài sản nào có giá trị được thể hiện bằng giá cả hoặc chỉ số.
F
- Financial Leverage or Leverage – Đòn bẩy tài chính hoặc đòn bẩy
Mức độ mà nhà đầu tư có thể sử dụng số vốn lớn hơn số vốn thực có của mình để thực hiện giao dịch trên các sàn. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ lợi nhuận cũng như tăng tỷ lệ rủi ro trên số vốn thực có của mình. Ví dụ: một nhà đầu tư có thể dùng 100.000 USD để giao dịch trong khi số vốn thực có của anh ta chỉ là 10.000 USD là đòn bẩy tỉ lệ 10:1.
- FOMO
Là viết tắt của cụm từ “fear of missing out”, tức nỗi sợ bị bỏ lỡ việc gì đó. FOMO là một tâm lý đầu tư rất thường gặp trên các thị trường tài chính.
- Forex – Thị trường ngoại hối
Thị trường tiền tệ phi tập trung, bao gồm rất nhiều trung tâm thị trường khác nhau, và có khối lượng giao dịch cao nhất trong mọi thị trường tài chính.
- Fork
Có nhiều loại fork khác nhau. Hard fork xảy ra khi có thay đổi thuộc về căn bản trong giao thức Bitcoin, bắt buộc các node phải cập nhật phần mềm mới. Mộ số hard fork có thể tạo ra một loại tiền mã hóa mới được tách ra từ Blockchain ban đầu.
- FUD
Viết tắt của “fear, uncertainly and doubt”, tức sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ. Thông thường, tâm lý FUD lan tỏa có chủ định thông qua các kênh trò chuyện, blog và phương tiện truyền thông nhằm cố làm giảm giá tài sản mã hóa.
- Fundamental Analysis – Phân tích cơ bản
Phương pháp phân tích để xác định giá trị của tài sản bằng cách đánh giá thị trường, các điều kiện cung cầu, xu hướng ảnh hưởng đến tài sản, tình hình tài chính, quản trị và các trường hợp cạnh tranh của công ty, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của một đất nước, khả năng quản trị quốc gia của các chính phủ, khả năng phát triển sản phẩm của đội ngũ…
- Future – Hợp đồng tương lai
Các hợp đồng phái sinh ban đầu được sử dụng để mua và bán hàng hóa tại một thời điểm nhất định trong tương lai. Ngày nay, nó cũng được sử dụng với mục đích đầu cơ có đòn bẩy trong các loại tài sản khác nhau, trong đó có cả Bitcoin.
G
- Gas fee ‒ Phí gas
Đây là khoản phí mà người dùng phải trả để thực hiện một giao dịch trên Blockchain. Nó được tính bằng một đơn vị đặc biệt gọi là gas, và phụ thuộc vào mức độ phức tạp của giao dịch và mức độ cạnh tranh trong mạng Blockchain. Khi người dùng gửi một giao dịch trên Blockchain, họ cần trả một khoản phí gas cho các thợ đào trong mạng để xử lý giao dịch đó. Phí gas chủ yếu được sử dụng trên các Blockchain dựa trên cơ chế Proof of Work như Bitcoin và Ethereum.
- Genesis block
Block đầu tiên của một Blockchain.
H
- Hardware wallet – Ví cứng hay ví trữ lạnh
Chiếc ví có thể trữ tiền mã hóa trong một thiết bị phần cứng đảm bảo an toàn.
- Hash – Hàm băm
Việc sử dụng thuật toán để gán cho tất cả các mảnh của dữ liệu một “vân tay số” (digital fingerprint). Khi lưu trữ thông tin trên Blockchain, hash được dùng để tạo ra một khuôn mẫu thống nhất để xác định các khối mã lệnh bằng cách chuyển đổi chúng thành những chuỗi số và ký tự với độ dài cố định.
- Hashrate
Tốc độ giải “bài toán” để tạo ra một block mới trong mạng lưới Bitcoin.
- Hedge Fund – Quỹ phòng hộ
Các quỹ đầu tư được tự do đầu tư vào tài sản tài chính, không có hạn chế trong việc shorting (kiếm lợi nhuận khi thị trường đi xuống), sử dụng đòn bẩy, hoặc các giới hạn rủi ro khác.
- Hodling
Là tiếng lóng của “holding”, nghĩa là trữ tiền mã hóa thay vì bán ra. Đây cũng là một trong những chiến lược đầu tư Crypto dài hạn tương đối an toàn.
- Hot wallet – Ví nóng hay ví online
Chiếc ví được kết nối với internet.
I
- ICO (Initial Coin Offering)
Đây là hình thức phát hành coin/token để huy động vốn đầu tư. Thuật ngữ này mô tả tình huống một công ty kêu gọi vốn bằng cách phát hành tiền mã hóa và được bán với mức giá nào đó cho các nhà đầu tư ban đầu.
Bạn có thể đọc thêm về ICO trong bài viết sau.
L
- Launchpad
Thuật ngữ Crypto này chỉ một nền tảng hoặc giao diện được cung cấp bởi các dự án Blockchain để giới thiệu và bán các token mới cho cộng đồng. Launchpad cung cấp cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia mua token mới từ dự án sớm nhất và thường đi kèm với các chương trình ưu đãi và lợi nhuận hấp dẫn. Điều này giúp các dự án mở rộng cộng đồng và huy động vốn ban đầu cho việc phát triển dự án của họ.
- Ledger – Sổ cái
Đây là một quyển sổ kỹ thuật số ghi lại tất cả các giao dịch diễn ra trên một mạng lưới Blockchain nhất định. Các bản sao của sổ cái được lưu trữ trên toàn bộ mạng lưới (trên các node của mạng lưới), được cập nhật liên tục để khớp thông tin với nhau, do đó các giao dịch có thể được xác thực bởi bất kỳ node nào trong cùng hệ thống.
- Lightning Network
Đây là một giải pháp “lớp thứ hai”, được thiết kế để tăng tốc đáng kể thời gian xử lý giao dịch trên hệ thống Blockchain. Lightning Network tạo ra một mạng lưới ngang hàng peer-to-peer (P2P) để xử lý giao dịch, trước khi phát tín hiệu để dữ liệu được nhập vào sổ cái công khai của Blockchain.
- Liquidity – Tính thanh khoản
Đây là khả năng chuyển đổi dễ dàng thành tiền pháp định của một loại tiền mã hóa (hoặc có thể chuyển đổi thành Bitcoin, Ethereum… trước, sau đó chuyển đổi thành tiền pháp định). Tính thanh khoản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cung và cầu cũng như thời gian xử lý giao dịch.
- Long Position
Nắm giữ tài sản hoặc có position (vị thế) có lợi khi tài sản tăng giá. Lựa chọn call (loại hợp đồng tùy chọn cho phép người mua mua tài sản cơ sở với giá cố định trong một khoảng thời gian nhất định) là một ví dụ.
M
- MACD indicator – Chỉ báo trung bình động hội tụ
Một trong những chỉ số xung lượng (momentum) được sử dụng nhiều nhất, có hiệu quả trong việc đánh giá tài sản đang nằm trong vùng xu hướng nào.
- Mainnet – Mạng chính
Mainnet là phiên bản chính thức và hoạt động thực tế của một mạng Blockchain. Nó được sử dụng để thực hiện các giao dịch thực tế, lưu trữ dữ liệu và xác nhận các giao dịch trên Blockchain. Đây là phiên bản ổn định và thường được sử dụng cho các mục đích chính của hệ thống Blockchain.
- Miner – Thợ đào
Còn được gọi là node. Đây là một nhóm các máy tính hỗ trợ mạng lưới Blockchain. Các thợ đào hoạt động theo cá nhân hoặc nhóm, họ dùng tiền để trang bị các hệ thống máy tính mạnh mẽ phục vụ cho việc xác minh giao dịch trên Blockchain, từ đó nhận được phần thưởng khi giải xong một block Bitcoin.
- Mining – Đào coin
Một hoạt động sử dụng tài nguyên máy tính để xác nhận các giao dịch trên mạng lưới và được thưởng token. Từng giao dịch được mã hóa bằng một phép toán, mà máy tính phải có sức mạnh tính toán nhất định mới có thể giải được. Đầu tiên, các thợ đào phải giải được phép toán này, từ đó cho phép giao dịch được diễn ra, và họ sẽ được thưởng bằng một khoản phí nhỏ.
- Mining pool
Một nhóm các thợ đào góp chung sức mạnh máy tính để giành được quyền xác minh giao dịch trên Blockchain, sau khi nhận được phần thưởng họ sẽ chia cho từng thành viên.
- Momentum – Xung lượng
Chỉ hướng di chuyển giá của tài sản cùng với sức mạnh di chuyển theo hướng đó.
- Moving Average – Trung bình động
Chỉ báo xu hướng được tính bằng các phương pháp khác nhau từ lịch sử giá của một tài sản. Hướng của MA mô tả xu hướng trong một khung thời gian nhất định, trong khi vị trí của những MA khác nhau có thể được sử dụng để xác định các thay đổi của xu hướng.
- Mutual Fund – Quỹ tương hỗ
Là một danh mục đầu tư cổ phiếu được quản lý theo cách truyền thống, trong đó chứng chỉ của quỹ có thể được mua và bán trên các sàn giao dịch hoặc bên ngoài. Quỹ tương hỗ thường đầu tư vào một nhóm các cổ phiếu, chứng khoán và tài sản khác nhằm đa dạng hóa rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
- Mobile wallet – Ví điện thoại
Chiếc ví được dùng trên điện thoại đi động hoặc máy tính bảng.
- Moon
Đây là thuật ngữ Crypto mô tả khi một loại tiền mã hóa tăng giá nhanh như tên lửa.
- Multi signature transaction – Giao dịch đa chữ ký
Khi có nhiều hơn một key được yêu cầu để cấp quyền cho giao dịch Bitcoin (hoặc các loại tài sản mã hóa khác).
N
- NFT
NFT (Non-Fungible Tokent) là một loại token không thể thay thế được, độc nhất và không thể chia nhỏ. Nó được sử dụng để đại diện cho các tài sản kỹ thuật số như ảnh, video, âm nhạc, trò chơi… Với NFT, người dùng có thể sở hữu và giao dịch các tài sản kỹ thuật số này một cách độc quyền và đảm bảo tính xác thực cũng như độc nhất của chúng.
- Node
Node là một máy tính trong mạng lưới, vận hành một bản sao của sổ cái Blockchain. Các node nằm rải rác khắp nơi, tạo ra tính phi tập trung.
O
- Off Blockchain transactions – Giao dịch ngoài Blockchain
Là những giao dịch diễn ra bên ngoài Blockchain. Các giao dịch này thường không mất phí giao dịch, diễn ra nhanh hơn và không xuất hiện trên Blockchain công khai. Nhưng vì không có sự bảo đảm an toàn từ mạng lưới nên các giao dịch này chỉ nên diễn ra giữa những bên tin tưởng nhau.
- Oracles
Trong mỗi smart contract, oracle tồn tại với vai trò là cầu nối giữa những dữ liệu về sự kiện trong thế giới thực và Blockchain.
- Orphaned block – Block mồ côi
Đôi khi sẽ có hai thợ mỏ trong cùng một thời điểm giải được mỗi người một block mới, một block sẽ được ghi nhận vào chuỗi, block còn lại tuy hợp lệ nhưng sẽ bị mạng lưới bỏ qua. Đó gọi là block mồ côi.
- Oversold/Overbought Readings – Vùng quá bán/quá mua
Một chỉ số nằm trong vùng có đáy/đỉnh đã xảy ra trước đó, luôn là các thuật ngữ tương đối và bản thân không phải là tín hiệu giao dịch.
P
- Paper wallet – Ví giấy
Ví không ở dạng kỹ thuật số. Với chiếc ví này, chìa khóa cá nhân (private key) sẽ được in trên giấy và lưu trữ ngoại tuyến.
- Peer-to-peer (P2P) Network – Mạng ngang hàng
Mạng ngang hàng là một hệ thống mạng lưới trong đó các thiết bị (máy tính, điện thoại, máy chủ…) kết nối trực tiếp với nhau để chia sẻ thông tin, tài nguyên và dịch vụ mà không cần thông qua máy chủ trung gian.
- Private key – Chìa khóa cá nhân hay chìa khóa riêng tư
Là mật khẩu bạn dùng để truy cập vào ví. Nó có thể là một chuỗi các ký tự chữ và số, hoặc một dãy dài các ký tự bất kỳ được tạo ra từ ví.
- Proof of Stake – Bằng chứng cổ phần
Là một thuật toán lựa chọn người tạo ra một block mới trên Blockchain bằng lượng cổ phần tính bằng tiền mà họ đặt cọc (stake) chứ không phải bằng việc người nào giải được block đầu tiên (như Proof of Work). Người tạo ra khối sẽ nhận được phần thưởng là phí giao dịch.
- Proof of Work – Bằng chứng công việc
Là hệ thống đồng thuận mà rất khó khăn để giải được một block nhưng rất dễ để xác minh. Thợ đào sẽ nhận được phần thưởng vì đã hoàn thành công việc. Đối với Bitcoin, việc này giúp hạn chế tỷ lệ các block mới được tạo ra bởi mạng lưới. Với hệ thống này, ta không thể đoán trước được thợ đào nào sẽ giải quyết khối tiếp theo.
Tìm hiểu cụ thể sự khác nhau giữa 2 thuật toán nói trên:
- Public key – Khóa công khai
Nếu như khóa cá nhân có thể được xem như mật khẩu thì khóa công khai giống như tên đăng nhập (username) vì nó hiển thị trên sổ cái công khai, ai cũng có thể nhìn thấy khóa này.
R
- Rekt
Tiếng lóng, nghĩa là mất rất nhiều tiền hoặc coin.
- Relative Strength Index (RSI) – Chỉ số sức mạnh tương đối
Chỉ số xung lượng phổ biến nhất, có thể được sử dụng với các thông số khác nhau để đánh giá giai đoạn đà phát triển ngắn hoặc dài hạn của một xu hướng. Giá trị của nó dao động từ 0 đến 100. Trên 70 thường liên quan đến vị trí quá mua, dưới 30 là ở mức quá bán và giữa 30 – 70 là trung lập.
- Resistance – Mức kháng cự
Là mức giá mà ở đó nguồn cung của một loại tài sản đã tăng cao, dẫn đến giá sẽ có xu hướng đi xuống. Mức kháng cựu sẽ bị phá vỡ khi nguồn cung bị cạn kiệt hoặc xu hướng đảo chiều. Thời điểm mức kháng cự bị phá vỡ là mợt điểm vào hợp lý cho long position (mua để bán sau khi giá tăng) và thời điểm thoát hợp lý cho short position (mua lại sau khi giá giảm).
Đây là một kiến thức phân tích kỹ thuật tương đối cơ bản mà bạn cần biết để đầu tư Crypto hiệu quả hơn. Đọc ngay:
» Kiến thức cơ bản về phân tích kỹ thuật: Kháng cự và hỗ trợ
S
- Satoshi
Là đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin được ghi nhận trên Blockchain. 100 triệu satoshi bằng một Bitcoin.
- Seed – Hạt giống
Là key khởi tạo trong ví tất định.
- SegWit
Viết tắt từ “Segregated Witness”, thuật ngữ Crypto này dùng để chỉ một giải pháp giúp mạng lưới Blockchain hoạt động nhanh hơn. SegWit có thể được triển khai dưới dạng soft fork trên một hệ thống Blockchain, cải thiện các tính năng của hệ thống mà không cần tạo ra một loại tiền mới hay gây ra sự không tương thích ngược cho hệ thống (tức là tạo ra một hard fork).
- Shill
Là người có những bài viết lạc quan về một loại tài sản mã hóa nào đó.
- Short Position
Short position là một vị thế đầu tư trong đó nhà đầu tư bán một tài sản với hy vọng giá của nó sẽ giảm trong tương lai. Mua quyền bán là một ví dụ về việc bán tài sản hoặc có vị thế có lợi khi tài sản đó có xu hướng giảm giá để kiếm lợi nhuận.
- Smart contract – Hợp đồng thông minh
Là các hợp đồng số hóa hay là hợp đồng tự vận hành sử dụng công nghệ Blockchain.
- Snapshot
Đây là thuật ngữ chỉ việc chụp ảnh tài khoản ví tại một thời điểm nào đó. Người ta thường làm thao tác này để ghi lại tình trạng (số dư) của các tài khoản trên mạng lưới, lấy đó làm cơ sở cho việc trả coin hay chuyển đổi coin giữa các hệ thống.
- Stochastic Oscillator
Chỉ số xung lượng thường được sử dụng để xác định các đỉnh và đáy trong thời gian ngắn bằng cách sử dụng các ngưỡng quá mua và quá bán.
- Stock Index
Là một chỉ số trung bình của giá chứng khoán cho thấy đường hướng chung của thị trường hoặc một phân đoạn của thị trường. Chỉ số này có thể được tính bằng nhiều cách, nhưng các chỉ số cung cấp nhiều thông tin nhất là những chỉ số vốn hóa. Những chỉ báo này đưa quy mô vốn hóa của các cổ phiếu vào khi tính trung bình của giá các cổ phiếu.
- Stocks, Shares, Equities – Chứng khoán
Các tài sản tài chính đại diện cho quyền sở hữu của một công ty hoặc tập hợp các công ty (ETFs). Đây là loại tài sản tài chính phổ biến nhất.
- Support – Mức hỗ trợ
Là mức giá mà ở đó lực cầu của một loại tài sản đã tăng cao, dẫn đến giá sẽ có xu hướng đi lên. Mức hỗ trợ sẽ bị phá vỡ khi lực cầu bị cạn kiệt hoặc xu hướng đảo chiều. Thời điểm mức hỗ trợ bị phá vỡ là mợt điểm vào hợp lý cho short position và thời điểm thoát hợp lý cho long position.
T
- Technical Analysis – Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật là quá trình nghiên cứu và đánh giá lịch sử giá của tài sản tài chính. Nó nhằm dự đoán hướng đi tiềm năng của giá trong tương lai bằng cách xác định xu hướng, giai đoạn của xu hướng, phân tích các mô hình giá và sử dụng các chỉ số khác. Phân tích kỹ thuật dựa trên xác suất để đưa ra những quyết định đầu tư. Bạn có thể đọc thêm bài viết: Tổng hợp 5 kiến thức cơ bản về phân tích kỹ thuật.
- Testnet – Mạng thử nghiệm
Mạng lưới dùng để thử nghiệm khả năng vận hành của một Blockchain. Trước khi vận hành mạng lưới chính (mainnet), các dự án sẽ tiến hành những thử nghiệm trên mạng testnet để đảm bảo mọi thứ vận hành đúng như mong muốn. Nếu đến khi vận hành mainnet mới phát hiện lỗi thì việc sửa lỗi sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng không tốt đến giá trị của mạng lưới.
- Trading Range – Phạm vi giao dịch
Vùng giữa ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự, tại đó giá bị “kẹt” trong một khoảng thời gian dài.
- Transaction Fee – Phí giao dịch
Vì các giao dịch trên mạng lưới Blockchain cần nguồn tài nguyên máy tính đáng kể để xử lý, các thợ đào trong hệ thống cạnh tranh với nhau để dành quyền xử lý giao dịch bằng cách phân phối tài nguyên máy tính của mình. Thợ đào nào cuối cùng giành được quyền xử lý giao dịch sẽ được thưởng phần phí đến từ giao dịch đó.
- Trend Channel – Kênh xu hướng
Công cụ trong phân tích kỹ thuật giúp xác định phạm vi giá của một tài sản trong xu hướng tăng hoặc giảm. Nó bao gồm đường hỗ trợ (đáy) và đường kháng cự (đỉnh), mô tả vùng cao hơn hoặc thấp hơn của xu hướng chính.
- Trend – Xu hướng
Hướng chung của sự biến động giá của một tài sản, có thể là hiện tượng ngắn hoặc dài hạn. Giao dịch theo xu hướng chính là một trong những quy tắc quan trọng nhất trong đầu tư Crypto.
- Trendline – Đường xu hướng
Đường xu hướng là một đường có góc nghiêng so với đường ngang, được vẽ để kết nối các đỉnh hoặc đáy của biểu đồ. Nó thể hiện mức kháng cự hoặc hỗ trợ trong xu hướng và có thể là đường xu hướng tăng hoặc đường xu hướng giảm. Đường xu hướng giúp đánh giá sức mạnh của xu hướng và cung cấp thông tin về các điểm quan trọng trên biểu đồ.
- Troll
Là người có ý kiến trái chiều trên mạng trực tuyến, thường là rất tiêu cực.
- Trollbox
Cộng đồng trực tuyến, là nơi người dùng thảo luận về các loại tiền mã hóa.
U
- Unspent Transaction Output (UTXO) – Đầu ra giao dịch chưa được sử dụng
Là đầu ra của một giao dịch chưa được tiêu thụ hoặc sử dụng. Mỗi UTXO đại diện cho một số tiền đã được gửi đến địa chỉ ví và có thể được sử dụng trong các giao dịch tiếp theo. UTXO đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh tính hợp lệ của giao dịch và duy trì tính toàn vẹn của mạng lưới Blockchain.
V
- Validator
Validator là một thành viên trong Blockchain có nhiệm vụ xác minh và xác nhận tính hợp lệ của các giao dịch trên mạng. Validator sử dụng các thuật toán và quy tắc đồng thuận để đảm bảo rằng các giao dịch được thêm vào Blockchain là chính xác và không thể sửa đổi.
- Volatility Index (VIX) – Chỉ số Biến động
Là chỉ số đo lường sự biến động hằng ngày (được bao hàm trong các chứng khoán hoặc tài sản được lựa chọn để đo lường) mà các nhà đầu tư kỳ vọng đối với cổ phiếu của S&P 500. Còn được gọi là Fear Index – chỉ số sợ hãi.
- Volatility – Biến động
Thước đo mô tả sự thay đổi trung bình của giá một tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Nó có thể được tính tại tất cả các khung thời gian, nhưng độ biến động hằng ngày được sử dụng nhiều nhất.
W
- Wallet – Ví
Là nơi lưu trữ chìa khóa công khai (public key), chìa khóa riêng tư (private key) và các loại tiền mã hóa.
» Đây là tài sản quan trọng, cần được bảo mật hết sức kỹ lưỡng, tránh rơi vào tay người khác hay kẻ xấu. Đọc thêm cách bảo mật ví Crypto tốt nhất để bảo quản tài sản mã hóa.
- Whale – Cá voi
Những nhà đầu tư sở hữu số tài sản lớn và đủ sức gây ảnh hưởng đến thị trường.
- Whitepaper – Sách trắng
Tài liệu kỹ thuật chi tiết giới thiệu về dự án, sản phẩm hoặc công nghệ. Nó cung cấp thông tin về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động và các chi tiết kỹ thuật liên quan đến dự án hoặc sản phẩm. Sách trắng thường được viết bởi những chuyên gia và nhà phát triển để truyền tải thông tin cần thiết cho cộng đồng và các nhà đầu tư tiềm năng.
Z
- Zero confirmation transaction – Giao dịch có số xác nhận bằng 0
Là giao dịch không được xác nhận. Giao dịch xác nhận bằng 0 xảy ra khi giao dịch Bitcoin đã được gửi đến các node (hoặc thợ đào) nhưng chưa được ghi vào một block nào cả.
Trên đây là tổng hợp các thuật ngữ Crypto và Blockchain mà bạn cần biết. Đương nhiên tôi không thể nào liệt kê hết tất cả vì số lượng là rất nhiều, do vậy tôi đã chọn lọc những thuật ngữ thường gặp nhất. Với bảng tổng hợp này, nhà đầu tư sẽ dễ dàng đọc hiểu các tài liệu và tin tức để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.
Trường hợp gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu, bạn có thể liên hệ với CIC để được đội ngũ chuyên viên giải đáp kịp thời. Nếu quan tâm đến dịch vụ tư vấn đầu tư Crypto của CIC thì bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại đây.
Trần Đăng Khoa
- Tổng hợp những kinh nghiệm đầu tư Crypto hiệu quả nhất của CIC
- Gợi ý 7 khóa học đầu tư Crypto tốt nhất hiện nay
- 7 điều cơ bản cần biết khi đầu tư Crypto bằng bot