Tiền mã hóa Bitcoin & lạm phát theo nhận định của Elon Musk và Michael Saylor
Cả Tesla và MicroStrategy đều giữ khối lượng tiền mã hóa Bitcoin khổng lồ trên bảng cân đối kế toán của họ. Tại thời điểm ngày 16/03, cổ phiếu Tesla đã giảm 7,12% trong 5 ngày, trong khi cổ phiếu của MicroStrategy giảm 5,85% so với cùng kỳ.
Ngày 14/03/2022, Elon Musk đã đặt một câu hỏi trên twitter của mình như sau: “Suy nghĩ của bạn về tỷ lệ lạm phát có thể xảy ra trong vài năm tới?”.
CEO của MicroStrategy – Michael Saylor sau đó đã reply dòng tweet trên bằng nhận định:
“Lạm phát tiêu dùng USD sẽ tiếp tục tiến về mức cao nhất mọi thời đại, và lạm phát tài sản sẽ tăng gấp đôi. Các loại tiền tệ “yếu hơn” sẽ sụp đổ, dòng vốn từ tiền mặt, nợ và cổ phiếu có giá trị sang tài sản khan hiếm như Bitcoin sẽ ngày càng gia tăng”.
Hơn nữa, Musk khẳng định rằng tốt hơn nên nắm giữ cổ phiếu nhà hoặc công ty hơn là đô la trong thời kỳ lạm phát. “Đối với những người đang tìm kiếm lời khuyên, nhìn chung bạn nên sở hữu những thứ vật chất như bất động sản hoặc cổ phiếu của những công ty tạo ra sản phẩm tốt, hơn là đô la khi lạm phát cao”. Musk nói thêm rằng anh ấy vẫn “sở hữu và sẽ không bán” Bitcoin, Ethereum hay Dogecoin.
Tỷ lệ lạm phát cao là một yếu tố quyết định chính trong xu hướng thị trường tiền mã hóa trong năm qua. Tháng trước, lạm phát của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong 40 năm là 7,9%.
Trên thực tế, có thể có các yếu tố lớn hơn đang diễn ra khi các nhà giao dịch chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (FED) về việc tăng lãi suất. Đây là chìa khóa để giải quyết những lo ngại về mối tương quan của tiền mã hóa Bitcoin và Ethereum với các chuyển động của S&P500 trong năm nay.
Mark Zuckerberg xác nhận sẽ sớm thêm NFT vào nền tảng Instagram
Trong hội nghị South by Southwest ở Texas, Zuckerberg cho biết: “Chúng tôi đang làm việc để tích hợp NFT vào Instagram trong thời gian tới và tính năng mint NFT sẽ sớm có mặt trên nền tảng này”.
Vào tháng 10 năm ngoái, Facebook đã đổi tên công ty thành Meta, bắt đầu hành trình xây dựng vũ trụ ảo metaverse. Meta có thể đang âm thầm xây dựng một thị trường NFT cho hệ sinh thái metaverse trong tương lai.
Báo cáo của công ty trong quý IV năm 2021 đã lần đầu tiết lộ chi tiết tài chính của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ thực tế ảo. Reality Labs đã báo cáo khoản lỗ hơn 10 tỷ USD.
Đây không phải lần đầu tiên Meta tham gia vào một dự án liên quan đến tiền mã hóa. Vào năm 2019, công ty đã hé lộ kế hoạch ra đời “Libra” (sau đó được đổi tên thành “Diem”), một stablecoin được gán với giá trị đồng USD. Cuối cùng kế hoạch này đã thất bại do thiếu sự chấp thuận theo quy định và nhận nhiều sự phản đối từ cộng đồng. Dự án stablecoin từng “gây bão” một thời của Facebook được cho là đã “bán tháo” tài sản để hoàn tiền lại cho nhà đầu tư. Sau đó, dự án đã được Silvergate Capital mua lại. Hiện nay, đội ngũ cốt lõi của Diem đang khởi chạy lại dự án trên nền tảng mới nhằm hồi sinh nó từ “đống tro tàn”.
Sau phát súng đầu tiên đến từ Twitter, nhiều tập đoàn truyền thông mạng xã hội đã và đang nối gót tích hợp tiền mã hóa và NFT vào nền tảng của họ. Reddit đã triển khai ảnh đại diện NFT từ bộ sưu tập của riêng mình. YouTube và OnlyFans cũng đồng loạt công bố các ý tưởng tích hợp NFT.
Bất động sản đặc biệt của ngân hàng HSBC
Vào ngay 16/03, The Sandbox đã công bố đối tác mới là HSBC – hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp này đang quản lý gần 3.000 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2021. Gần đây, HSBC quyết định mua một lô bất động sản ảo (với giá trị không được tiết lộ) để tăng tính tương tác với vũ trụ metaverse. Tiền đề hợp tác này sẽ giúp HSBC kết nối với cộng đồng đam mê thể thao, game và tiền mã hóa.
Báo cáo của The Sandbox cho rằng thị trường metaverse ước tính sẽ tăng từ 45,4 tỷ USD vào năm 2019 lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Sau công bố, Suresh Balaji , Giám đốc Tiếp thị Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của HSBC chia sẻ thêm:
“Mô hình metaverse là cách mọi người sẽ trải nghiệm Web3, thế hệ tiếp theo của Internet – sử dụng các công nghệ nhập vai như thực tế tăng cường, thực tế ảo và thực tế mở rộng. Tại HSBC, chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc tạo ra những trải nghiệm mới thông qua các nền tảng mới, mở ra cơ hội cho khách hàng hiện tại và tương lai cũng như cho cộng đồng mà chúng tôi phục vụ”.
*HSBC (The Hongkong and Shanghai Banking Corporation Limited) là một tập đoàn tài chính đa quốc gia của Anh. Tập đoàn đặt trụ sở chính ở London. HSBC phục vụ khách hàng toàn thế giới từ các văn phòng tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, chuỗi ngân hàng này cũng hoạt động khá mạnh tại Việt Nam.
Vào năm ngoái, HSBC Bangladesh thực hiện giao dịch tín dụng thư đầu tiên dựa trên blockchain. Giao dịch đã được hoàn thiện nhờ vào nền tảng Contour được xây dựng bằng công nghệ blockchain R3’s Corda. Bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, thời gian cần để xử lý một giao dịch đã giảm, trước đây là từ 5 đến 10 ngày, hiện nay chỉ còn dưới 24 giờ.
Niềm tin của nhà đầu tư vào các quỹ tiền mã hóa như thế nào giữa xung đột Ukraine – Nga?
Các khoản đầu tư chảy vào tiền mã hóa đạt khoảng 4 tỷ USD trong vòng 3 tuần cuối tháng 2. Công ty nghiên cứu Fundstrat đã báo cáo trong ghi chú mới nhất của mình cho khách hàng. Theo dữ liệu, 400 triệu USD đã chảy vào các lĩnh vực này từ các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm chỉ trong tuần qua.
Các quỹ tiền mã hóa mới cũng đã huy động được gần 3 tỷ USD trong vòng 2 tuần trước đó (tính đến cuối tuần trước). Fundstrat nói rằng khoản đầu tư mạo hiểm phù hợp với dòng vốn đầu tư rộng rãi hằng tuần. Nguồn vốn trung bình chuyển vào quỹ từ 800 triệu đến khoảng 2 tỷ USD.
Paul Hsu, CEO của quỹ hỗn hợp Decasonic, cho biết:
“Cuộc xung đột ở Ukraine đã vũ khí hóa nền kinh tế tài chính và kỹ thuật số. Điều này thật sự thúc đẩy việc áp dụng blockchain. Điển hình là sự phân bổ lại tiền mã hóa và blockchain khỏi các quỹ bất động sản và trái phiếu vì lãi suất cao hơn ngày càng xuất hiện nhiều”.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, tài sản tiền mã hóa đã hoạt động tốt hơn nhiều tài sản truyền thống. Từ lúc chạm đáy khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02, Bitcoin và Ethereum đã tăng lần lượt 14,5% và 13,5%, trong khi S&P 500 chỉ tăng 3,2%. Trong 24 giờ ngày 15/03, tổng khối lượng giao dịch tiền mã hóa là 73,34 tỷ USD, tăng 9,62%. Theo dữ liệu của CoinShares, trong hai tuần gần ngày 04/03, 163 triệu USD từ nguồn vốn tổ chức mới đã chảy vào các quỹ và sản phẩm đầu tư tiền mã hóa. Báo cáo chỉ ra sự quan tâm liên quan đến quy định, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh, thông qua hành pháp nhằm bảo vệ các nhà đầu tư.
Binz ra mắt NFT âm nhạc: Cái “chết” của nhạc sống và sự trỗi dậy của NFT?
Tuniver NFT là một loại NFT âm nhạc được phát hành trên nền tảng blockchain Tuniver, cho phép nghệ sĩ chia sẻ quyền sở hữu âm nhạc và tác phẩm nghệ thuật của mình với người hâm mộ. Mới đây, rapper Việt Nam Binz đã kết hợp với Tuniver để cho ra mắt bộ sưu tập NFT âm nhạc đầu tiên của mình. Theo đó, NFT âm nhạc của Binz sẽ được ra mắt dựa trên nền tảng Binance NFT với 4 cấp độ khác nhau. Tương ứng với 4 cấp độ đó là tỷ lệ chia sẻ phí bản quyền nhạc số của album “Don’t Break My Heart”.
Nhiều ý kiến cho rằng NFT có thể cứu cả ngành công nghiệp âm nhạc. Nghe có vẻ hơi phi lý nhưng trên thực tế, chúng ta có thể phần nào tin tưởng nhận định này nếu nhìn vào lịch sử phát triển của ngành âm nhạc.
Nhiều năm về trước, thị trường âm nhạc tiếp cận người dùng thông qua các thể loại băng, đĩa. Tuy nhiên phần lớn trong số đó giờ chỉ còn trong các bộ sưu tập của những người thích sưu tầm mà thôi. Sự phát triển của hình thức phát nhạc trực tuyến đã đánh mạnh và làm sụt giảm doanh thu của phân khúc này.
Không chỉ dừng lại ở đó, thị trường cũng cho thấy những đổi thay đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là khi thu nhập từ các chuyến lưu diễn (trung bình chiếm khoảng 75% thu nhập của một nghệ sĩ) có dấu hiệu sụt giảm. Điều này càng hiện hữu rõ nét hơn khi đại dịch Covid-19 nổ ra khiến các buổi lưu diễn khó thực hiện hơn bao giờ hết. Bị thu hẹp bởi các nguồn doanh thu dưới tác động ngoại cảnh, việc tạo ra NFT âm nhạc và bán chúng trên các nền tảng số được xem như giải pháp thay thế hiệu quả nhất thời điểm hiện tại.
Trên thế giới, không khó để có thể tìm kiếm các NFT âm nhạc được ra mắt bởi những nghệ sĩ lớn. DJ người Mỹ 3LAU đã huy động được 11,7 triệu USD trong cuộc đấu giá album Ultraviolet NFT. Delphi Digital mua “The Disclosure Face” với mức giá 125 nghìn USD… Như vậy, có thể thấy cách tiếp cận của Binz không mới, nhưng hiện tại nó là một hình thức độc lạ tại thị trường Việt Nam.
Cho dù ở khía cạnh nào đi chăng nữa thì Việt Nam cũng đang đón nhận xu hướng để dần bắt kịp với làn sóng mới toàn cầu. Theo một vài thống kê của Triple A, nước ta xếp hạng 9 toàn cầu về số lượng người sở hữu Crypto. Hy vọng rằng điều này sẽ là một tín hiệu mừng cho các dự án về tiền mã hóa nói chung và NFT nói riêng tại Việt Nam.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 14 – 18/03/2022