Ngân hàng Silvergate Bank “tự nguyện thanh lý tài sản”, thị trường Crypto lần nữa suy sụp
Theo thông báo đăng tải rạng sáng ngày 09/03, công ty mẹ của ngân hàng Silvergate Bank là Silvergate Capital Corp. (SI) cho biết sẽ “tự nguyện thanh lý tài sản” để hoàn trả tiền cho người gửi và dừng quy mô hoạt động.
Silvergate Bank là ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch USD cho nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu tại Mỹ từ năm 2013 và được cho là cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều cú sụp đổ dây chuyền của ngành Crypto trong năm 2022. Đến đầu tháng 03/2023, Silvergate thông báo với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) là không thể nộp báo cáo tài chính đúng hạn vì cần thêm thời gian thống kê lại tài sản, cũng như đang bị giới chức Mỹ điều tra.
Thông tin trên đã khiến nhiều công ty Crypto còn là khách hàng của Silvergate đơn phương cắt đứt quan hệ với ngân hàng. Mở đầu là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ Coinbase. Tiếp đến, đồng loạt Circle, Paxos, Bitstamp, Crypto.com, Gemini và Galaxy Digital lên tiếng làm rõ mối quan hệ với Silvergate và đều nói là sẽ tìm cách giảm độ tiếp xúc với ngân hàng, cũng như ngừng giao dịch nạp ‒ rút với tài khoản Silvergate.
Những hệ lụy từ vụ ngân hàng Silvergate ngừng hoạt động tiếp tục ám ảnh thị trường Crypto, khiến giá Bitcoin dump mạnh. Đêm khuya 09/03 và sáng 10/03, thị trường tiền mã hóa đã trải qua một cú điều chỉnh nghiêm trọng mới, khiến vốn hóa toàn ngành giảm từ 1.000 tỷ USD về chỉ còn 933 tỷ USD trong vòng 12 giờ.
Bitcoin có thời điểm sập về tận 19.776 USD. Đây là mốc giá thấp nhất của BTC trong 7 tuần qua và cũng là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 1 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới rơi khỏi ngưỡng tâm lý quan trọng 20.000 USD. Ethereum thì đã có lúc “rơi tự do” từ 1.500 USD về 1.408 USD chỉ trong 1 giờ đồng hồ, cũng quay về mức giá thấp nhất kể từ giữa tháng 1.
Nhiều động thái đáng chú ý của chính quyền Mỹ liên quan đến Crypto trong tuần qua
Ngày 09/03, Nhà Trắng đã công bố đề xuất ngân sách năm 2024 của Tổng thống Biden, phác thảo các ưu tiên chính sách của ông cho năm tới.
- Bộ Tài chính Hoa Kỳ mong muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt 30% đối với chi phí năng lượng dành cho hoạt động khai thác tiền mã hóa. Điều khoản mới sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt theo từng giai đoạn lên chi phí sử dụng điện của các công ty “sử dụng tài nguyên máy tính” để đào coin. Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 31/12, tăng 10% mỗi năm trong vòng 3 năm tới.
- Một đề xuất đáng chú ý khác là việc bãi bỏ quy định khấu trừ thuế cho các khoản đầu tư tiền mã hóa thua lỗ. Hiện tại, nhà đầu tư Crypto đang có thể bán tài sản ở mức giá thấp hơn giá mua, khai báo lỗ và được khấu trừ thuế từ đó với số tiền tối đa là 3.000 USD, rồi mua lại Crypto. Giới chức cho rằng điều này là chưa hợp lý và nên được loại trừ giống như quy định chống wash trading bên chứng khoán. Chính quyền Mỹ ước tính có thể gia tăng thu ngân sách thêm 24 tỷ USD khi bỏ khấu trừ thuế vì thua lỗ.
Diễn biến khác, tham gia phiên điều trần định kỳ trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 07/03 (giờ Mỹ), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các nhà lập pháp về năm 2022 khủng hoảng của ngành tiền mã hóa. Quan điểm chung của ông Powell là tuy không muốn “bóp ngạt” những tiến bộ có thể thu về từ lĩnh vực Crypto, song ở tình trạng hiện tại, nó là một nơi đầy rủi ro và thiếu sự quản lý.
Một chủ đề rất được quan tâm khác là tương lai của các stablecoin. Powell nói stablecoin có thể trở thành một phần của ngành tài chính nếu được quản lý đầy đủ, nhưng tỏ thái độ quan ngại về những rủi ro của Blockchain công khai như dễ bị lừa đảo, rửa tiền và các hành động phi pháp.
Cũng vào tối ngày 07/03, ông đã đưa ra nhận định mới nhất về tình hình lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu đưa lạm phát về 2% của cơ quan này, do đó có thể tiếp tục nâng lãi suất lên mức cao hơn các dự phóng trước đây. Cả Bitcoin, thị trường tiền mã hóa và thị trường chứng khoán Mỹ đều có biến động suy giảm mạnh vì phát ngôn của ông Powell.
Binance có tháng thứ 4 liên tiếp gia tăng thị phần trong mảng spot
Theo thống kê từ CryptoCompare, thị phần giao dịch spot của Binance đã tăng 4 tháng liên tục. Cụ thể, thị phần spot của Binance đã tăng từ 59,4% của tháng 1 lên 61,8% vào tháng 02/2023, với tổng volume của tháng là 540 tỷ USD. Tính từ tháng 11/2022, thị phần spot của Binance đã tăng đến 13,7% theo sau sự sụp đổ của nền tảng đối thủ FTX. Xếp sau Binance về khối lượng giao dịch tháng 02/2023 là Coinbase với chỉ 39,9 tỷ USD, giảm 29% so với tháng trước, trong khi sàn Kraken đứng thứ ba với 19,3 tỷ USD, giảm 11%.
Những tin tức tiêu cực liên tục ập đến sàn giao dịch Crypto số 1 thị trường trong hai tháng đầu năm 2023. Từ việc stablecoin BUSD bị SEC Mỹ cáo buộc là chứng khoán, Binance thừa nhận mất đối tác ngân hàng xử lý giao dịch USD hay những sai sót về bảo chứng token trong quá khứ. Nhưng chúng dường như vẫn chưa thể lay chuyển niềm tin của nhà đầu tư vào Binance.
Về mảng giao dịch phái sinh, Binance cũng ôm trọn thị phần futures khi chiếm lĩnh 62,9% tổng volume giao dịch. Xếp sau là các sàn OKX và Bybit với lần lượt 14% và 13,3% thị phần.
Coinbase giới thiệu “Wallet-as-a-Service” và cách tiếp cận ví đa chữ ký
Trên Twitter chính thức, Coinbase giới thiệu khái niệm “Wallet-as-a-Service”, đồng thời công khai tham vọng mang trải nghiệm tiện lợi đến với những người dùng lần đầu biết đến Web3. Wallet-as-a-Service (WaaS) là bộ hạ tầng giao diện ứng dụng, cho phép xây dựng các ví on-chain phù hợp với nhu cầu của người dùng. Điều đặc biệt với giải pháp ví này là người dùng có thể sử dụng tên đăng nhập và mật khẩu, thay vì cần phải lưu trữ seed phrase (cụm từ khôi phục hay cụm từ hạt giống) như thường lệ.
Coinbase cũng chia sẻ một vài thông tin liên quan đến giải pháp đa chữ ký nhằm tăng tính bảo mật cho sản phẩm. “Các ví được deploy bằng nền tảng của WaaS sẽ sử dụng cơ chế tính toán nhiều bên (MPC) nhằm gia tăng tính bảo mật, giúp người dùng có thể lưu trữ tài sản an toàn bằng cách phân bổ mã khoá của mình ra nhiều nơi lưu trữ khác nhau”.
Trong thời gian gần đây, việc quản lý ví bằng nhiều chữ ký khác nhau đang được cộng đồng dần chú ý. Có thể nói, việc Ethereum chính thức triển khai ERC-4337 trong tuần qua đã đóng góp thêm một công cụ nữa cho nhiều giải pháp liên quan trong mảng đa chữ ký có thể tận dụng.
ERC-4337, hay còn được biết đến với tên gọi Account Abstraction là một khái niệm tương đối “trừu tượng” của hệ sinh thái Ethereum. Bạn có thể đọc thêm về nó trong bài viết sau đây:
Giải pháp layer-2 Shibarium của Shiba Inu (SHIB) sẽ ra mắt trong tuần này
Theo thông báo đăng tải vào sáng ngày 08/03, dự án memecoin Shiba Inu (SHIB) cho biết sẽ triển khai phiên bản thử nghiệm beta cho layer-2 Shibarium trong tuần này. Có thể thấy Shiba Inu là cái tên mới nhất tận dụng “cơn sốt layer-2”.
Shibarium đã được Shiba Inu “nhá hàng” từ giữa năm 2022 và hé lộ thêm thông tin vào tháng 01/2023, để rồi công bố bản beta ở thời điểm mà thị trường tiền mã hóa đang chứng kiến sự nổi lên của hàng loạt blockchain layer-2 mới cho Ethereum như Mantle, Base, Scroll, zkSync, StarkNet, Polygon zkEVM, ConsenSys zkEVM…
Shibarium là một giải pháp layer-2 xây dựng bên trên Ethereum, được định hướng phát triển các ứng dụng về game và metaverse. Shibarium sẽ giúp gia tăng thêm công dụng cho các token trong hệ sinh thái Shiba Inu, gồm SHIB, BONE và LEASH. Cụ thể, BONE sẽ trở thành token thanh toán phí giao dịch trên layer-2, đồng thời trả thưởng cho các validator.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 06 – 10/03/2023