Nóng nhất tuần qua: SEC kiện 2 sàn giao dịch Crypto hàng đầu
Binance
Tối ngày 05/06, cộng đồng Crypto náo loạn trước thông tin Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) khởi kiện sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance và CEO Changpeng Zhao với cáo buộc vi phạm luật chứng khoán.
Các cáo buộc của SEC bao gồm:
- BNB và BUSD là chứng khoán.
- Binance vi phạm quy định chứng khoán khi chào bán BNB và BUSD; cung cấp dịch vụ earn và staking BNB Vault.
- BAM Trading (công ty con của Binance tại Mỹ) vi phạm quy định chứng khoán khi cung cấp dịch vụ staking.
- Binance đã không đăng ký làm nhà giao dịch, đơn vị thanh toán bù trừ và nhà môi giới chứng khoán lên SEC.
- Binance.US đã không đăng ký làm nhà giao dịch, đơn vị thanh toán bù trừ và nhà môi giới chứng khoán lên SEC.
- CEO Changpeng Zhao vi phạm quy định chứng khoán với tư cách là người đứng đầu Binance, BAM Trading và Binance.US.
- Binance trộn lẫn tiền của người dùng để giao dịch thông qua các công ty Merit Peak và Sigma Chain được cho là thuộc sở hữu của ông Zhao mà không thông báo cho khách hàng.
Đơn kiện của SEC còn có đoạn cáo buộc hàng loạt token tiền mã hóa khác là chứng khoán, bao gồm SOL, ADA, MATIC, FIL, ATOM, SAND, MANA, ALGO, AXS, COTI.
Rất nhanh sau đó, Binance đã có bài đăng phản đối. Binance cho biết sẽ có nhiều động thái để bảo vệ nền tảng của mình. Sàn không quên nhấn mạnh việc SEC đã không chủ động hợp tác và gọi đây là sự “thiếu rõ ràng trong quy định và hướng dẫn quản lý đối với thị trường tiền mã hoá”. Cuối bài blog, Binance khẳng định vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị quản lý, các đơn vị làm luật tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.
Sau tin này, Binance chứng kiến lượng rút ròng lên đến 778 triệu USD trên Ethereum trong vòng 24 giờ, theo dữ liệu từ Nansen. Vì có đến 1,65 tỷ USD rút ra trong khi chỉ có 871 triệu USD nạp vào.
Coinbase
Tối ngày 06/06, SEC tiếp tục đâm đơn kiện một nền tảng giao dịch tiền mã hóa nổi tiếng, lần này là sàn Coinbase. Đơn kiện của SEC cáo buộc Coinbase vi phạm quy định chứng khoán Mỹ liên quan đến hoạt động giao dịch và staking các đồng tiền mã hóa sau, vốn đều bị SEC tuyên bố là chứng khoán: SOL, ADA, MATIC, FIL, SAND, AXS, CHZ, FLOW, ICP, NEAR, VGX, DASH và NEXO.
Ngoài ra, Coinbase còn bị tội danh bổ sung khi không đăng ký làm nhà môi giới, giao dịch và thanh toán bù trừ chứng khoán lên SEC kể từ khi bắt đầu giao dịch các token trên kể từ năm 2019. Tuyên bố trên lại mâu thuẫn với quyết định cấp phép cho Coinbase tiến hành IPO vào năm 2021 được đưa ra bởi chính Ủy ban Chứng khoán. Chưa kể, Coinbase còn là địa điểm thường xuyên được chính quyền liên bang Mỹ sử dụng để bán Bitcoin.
Sàn Coinbase bị chính quyền 10 bang của Mỹ yêu cầu giải trình lý do để được cho phép tiếp tục hoạt động. Nếu không thể đáp đứng điều này trong vòng 28 ngày, Coinbase sẽ bị yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ tại các bang ấy. Trong 1 giờ sau khi tin sàn Coinbase bị SEC kiện được công bố, người dùng đã rút 57,5 triệu USD tiền mã hóa (không tính Bitcoin) khỏi sàn, với tiền rút đi từ Coinbase Custody chiếm 43,1 triệu USD.
Thị trường Crypto tiếp tục đỏ lửa
BTC, ETH và BNB đã suy sụp nghiêm trọng vì thông tin SEC khởi kiện sàn Binance với cáo buộc vi phạm luật chứng khoán. Đồng tiền bị thiệt hại nghiêm trọng nhất chính là BNB, đồng coin sàn của Binance, có lúc giảm đến 10% về mốc 272 USD (tối ngày 05/06).
BTC thì bị bán tháo về tận 25.471 USD. Đây là mức giá thấp nhất của BTC từ tận giữa tháng 03/2023. ETH thì thậm chí còn giảm sâu từ 1.854 USD về 1.774 USD. Chịu chung số phận là những token khác bị SEC cáo buộc là chứng khoán trong đơn kiện Binance, gồm SOL, ADA, MATIC, FIL, ATOM, SAND, MANA, ALGO, AXS, COTI.
Ở chiều ngược lại, các đồng tiền đang tạm an toàn trước “bão” là những dự án DEX, dẫn đầu là dYdX (DYDX).
Token mảng VR tăng mạnh trước khi Apple trình làng sản phẩm mới
Tại sự kiện WWDC 2023, Apple đã trình làng Vision Pro giá 3.500 USD, chiếc kính thực tế ảo hỗn hợp đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ của nhà táo. Theo công bố, đây là sản phẩm đầu tiên của hãng mà bạn có thể nhìn xuyên qua chứ không phải nhìn thẳng vào, hòa trộn thế giới thực và thế giới kỹ thuật số một cách liền mạch, loại bỏ cảm giác cô lập với thực tại bên ngoài. Sản phẩm được trang bị hệ điều hành hoàn toàn mới với giao diện 3 chiều, người dùng có thể điều chỉnh ứng dụng theo bất kỳ tỷ lệ nào và đặt chúng ở bất cứ đâu.
Vision Pro được định vị là một thiết bị thực tế tăng cường (AR), nhưng nó có thể chuyển qua chế độ thực tế ảo (VR) bằng nút xoay trên thân kính. Ở chế độ VR, tính năng EyeSight sẽ hiển thị đôi mắt và biểu cảm của người dùng thông qua màn hình bên ngoài. Nếu có người đến gần, thiết bị sẽ tự nhận dạng, đổi giao diện và cảnh báo đến người dùng.
Sau tin tức trên, giá cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ đã tăng 7,4% so với 2 tuần trước. Trước thềm giới thiệu Vision Pro, token mảng VR đã có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, Decentraland (MANA) được biết đến là token lớn nhất trong mảng với vốn hóa thị trường 1 tỷ USD, đã tăng 5,4% trên cùng khung tham chiếu. Dự án metaverse 4 chiều Wilder World (WILD) cũng có tên trong “top gain” của ngày, khi dựng cột gần 20%.
Rất tiếc là tín hiệu tích cực này không tồn tại lâu do ảnh hưởng từ vụ việc của SEC với Binance và Coinbase. Lĩnh vực metaverse dường như đã “đứng im” trong thời gian qua. Giá NFT đất đai của các dự án metaverse đều đã giảm mạnh so với mức đỉnh cao nhất năm 2022. Do đó, sự phục hồi chóng vánh kể trên cũng là một tín hiệu đáng mừng cho phân khúc này.
Louis Vuitton phát hành NFT có giá 42.000 USD
Nhà mốt hơn 150 năm tuổi của Pháp ‒ Louis Vuitton sắp sửa phát hành bộ sưu tập NFT mới mang tên Via Treasure Trunk, mang đến trải nghiệm độc quyền cho chủ sở hữu. Theo thông báo, hãng sẽ mở đăng ký cho bộ sưu tập mới gồm “vài trăm” rương vào ngày 08/06 cho người dùng Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và Úc. Sau đó, khách hàng có thể mua NFT vào ngày 16/06 với giá 39.000 euro, tương đương khoảng 42.000 USD.
Chủ sở hữu NFT sẽ được nhận phiên bản vật lý của Treasure Trunk, đi kèm là đặc quyền mua sắm sản phẩm Louis Vuitton và tham gia sự kiện sắp tới của Louis Vuitton. Theo thông cáo báo chí, thương hiệu đã lên kế hoạch ra mắt sản phẩm và trải nghiệm giới hạn đều đặn trong suốt năm nay.
Bộ sưu tập là một phần của dự án “Via” của Louis Vuitton, tiếng Latin có nghĩa là con đường. Holder Treasure Trunk có thể mua chìa khóa kỹ thuật số cấp để được truy cập vào các bộ sưu tập NFT trong tương lai của hãng. Theo Vogue Business, bộ sưu tập sẽ được bán dưới dạng soulbound token, có nghĩa là không thể sang nhượng. Mặc dù không được bán Treasury Trunk, nhưng khách hàng vẫn có thể bán các vật phẩm riêng lẻ được mint sau đó.
Phí giao dịch trên Ethereum đạt mức thấp nhất trong 2 tháng sau làn sóng memecoin
Phí giao dịch hằng ngày của Blockchain Ethereum ‒ phí linh hoạt được tính khi thực hiện giao dịch hoặc xét duyệt hợp đồng thông minh ‒ đang có xu hướng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng sau khi đạt mức ATH trong cơn sốt memecoin điên cuồng xảy ra vào tháng 05/2023.
Vào những ngày đầu tháng 06/2023, dữ liệu on-chain của The Block cho thấy phí giao dịch Ethereum đã giảm khoảng 85% xuống còn 7,34 USD so với mức ATH đạt được là 22,49 USD vào đầu tháng 5 vừa qua. Lần cuối cùng chúng ta chứng kiến mức phí thấp như vậy là ngày 18/04 khi chỉ số này đạt 7,49 USD cho một giao dịch trên mạng lưới Ethereum.
Chi phí giao dịch thấp hơn không chỉ thu hút người dùng mới mà còn khuyến khích những người tham gia hiện tại tận dụng tối đa các khả năng của Ethereum. Khi phí được “bình thường hóa”, nó có khả năng mở đường cho nhiều sự tiếp cận nâng cao, biến Ethereum trở thành một nền tảng đáng kể cho các ứng dụng khác nhau, bao gồm DeFi, NFT, GameFi…
Lens Protocol gọi vốn 15 triệu USD
Lens Protocol, giao thức mạng xã hội phi tập trung do dự án DeFi hàng đầu của Ethereum là Aave phát triển, cho biết đã gọi vốn 15 triệu USD. Vòng gọi vốn đã có sự tham gia của các quỹ IDEO CoLab Ventures, General Catalyst, Blockchain Capital và Palm Tree; cùng một loạt nhà đầu tư thiên thần nổi danh gồm trong cộng đồng Ethereum gồm CEO Uniswap Hayden Adams, đồng sáng lập OpenSea Alex Atallah, nhà sáng lập Polygon Sandeep Nailwal, cùng nhiều KOL khác.
Lens Protocol là mạng xã hội phi tập trung được Aave giới thiệu vào tháng 02/2022, cho phép người dùng kiểm soát hoàn toàn nội dung do mình đăng tải và thậm chí là kiếm tiền từ đó. Mọi hoạt động và thao tác trên mạng xã hội sẽ được tiến hành qua NFT phát hành trên Polygon.
Lens Protocol cho biết tính đến nay, đã có hơn 100 ứng dụng được phát triển trên nền tảng của mình, dù dự án mới chỉ ở giai đoạn beta, với nhiều cái tên nổi bật như Lenster, Phaver và Orb. Mạng xã hội dự định sử dụng số tiền huy động được để tiếp tục mở rộng hệ sinh thái.
Vào tháng 5, Lens Protocol đã thông báo ra mắt layer-3 Momoka, một mạng con xây dựng trên nền tảng Optimism, vốn là layer-2 của Ethereum. Momoka được kỳ vọng sẽ giúp Lens xử lý khối lượng giao dịch lớn một khi mạng xã hội được tiếp nhận rộng rãi bởi cộng đồng Ethereum và Crypto.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 05 – 09/06/2023