Quỹ tư nhân tiếp tục bắt đáy giữ cho thị trường tiền mã hóa phát triển
Trong khi thị trường đang gặp khó khăn, ngành công nghiệp tiền mã hóa vẫn đang nhận được những cú hích lớn từ nguồn vốn tư nhân được huy động vào năm 2022. Theo ghi nhận, từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 100 triệu đô la được huy động bằng tài sản mã hóa trong 36 lần. Báo cáo hằng tuần mới nhất của Arcane Research cho thấy có 10 đợt tăng vốn tiền mã hóa lớn nhất vào năm 2022. Câu hỏi được đặt ra là: “Tiền sẽ tiếp tục chảy vào thị trường này trong bao lâu?”.
Luna Foundation Guard (LFG) hiện nắm giữ 42.530 BTC, trị giá 1,62 tỷ đô la. Mục tiêu của họ là giữ 10 tỷ đô la BTC để neo giá stable coin UST. Điều này giúp LFG trở thành tổ chức nắm giữ khoản huy động vốn lớn nhất ngành tiền mã hóa trong năm 2022. LFG cũng đang mua 100 triệu đô la AVAX như một phần của việc dự trữ và hỗ trợ UST.
Công ty nền tảng tiền mã hóa Fireblocks cũng gây chú ý với việc huy động được 550 triệu đô la ở vòng gọi vốn Series E. Nền tảng này chuyên cung cấp cơ sở hạ tầng để di chuyển, lưu trữ và phát hành tài sản kỹ thuật số. Mạng và ví dựa trên MPC đã và đang phục vụ hơn 800 tổ chức tài chính bao gồm sàn giao dịch, bàn cho vay, người giám sát, ngân hàng, bàn giao dịch và quỹ đầu cơ.
Trong thông báo chính thức, Fireblocks dẫn lời người sáng lập của một công ty đầu tư, Dan Sundheim, tuyên bố rằng “Fireblocks đang là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường tiền mã hóa trên toàn thế giới, với ước tính khoảng 15% khối lượng giao dịch tiền mã hóa hằng ngày được bảo đảm thông qua cơ sở hạ tầng của họ. Đợt huy động vốn mới này sẽ giúp Fireblocks tiếp tục thúc đẩy làn sóng kinh doanh tiếp theo vào hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số”.
Tương tự, sàn giao dịch tiền mã hóa FTX có trụ sở tại Bahamas đã được định giá 32 tỷ đô la vào tháng 1 vừa qua với việc huy động được 400 triệu đô la trong vòng gọi vốn Series C. Đây là lần gây quỹ thứ ba của họ trong vòng 6 tháng, nâng tổng số tiền huy động được lên gần 2 tỷ đô la.
Twitter chấp nhận 44 tỷ đô la của Musk, đưa tiền mã hóa Dogecoin quay trở lại top 10 vốn hóa
Dogecoin đã trở lại trong top 10 tiền mã hóa sau khi Twitter chấp nhận lời đề nghị mua lại trị giá 44 tỷ đô la Mỹ của CEO Tesla, Elon Musk. Trong đó, 21 tỷ đô la trích từ tiền riêng của Musk, kèm theo các khoản vay từ gã khổng lồ ngân hàng Morgan Stanley và những bên khác.
Memecoin hàng đầu thế giới này đã đạt mức 0,1677 đô la trước khi giảm lại một chút. Đây là mức giá cao nhất kể từ khi Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter. Vị tỷ phú này đã quảng cáo Dogecoin trên Twitter cho hơn 84 triệu người theo dõi và đề xuất tính năng thanh toán bằng Dogecoin.
Hội đồng quản trị Twitter đã thông qua thương vụ này vào ngày 14/04 sau lời đề nghị trị giá 43 tỷ đô la Mỹ ban đầu của Musk, cho phép các cổ đông khác mua thêm cổ phiếu với giá rẻ hơn.
Musk nói bóng gió rằng anh có ý định làm cho nền tảng Twitter trở nên minh bạch hơn, đồng thời ngăn chặn các robot tự động can thiệp không tốt vào trải nghiệm người dùng. Thỏa thuận này đang thu hút sự chỉ trích vì quan điểm của Musk về quyền tự do ngôn luận.
Ngân hàng OCBC thiết lập giao dịch tín dụng carbon sử dụng NFT
Ngân hàng OCBC của Singapore đã hợp tác với MetaVerse Green Exchange (MVGX), một sàn giao dịch được cấp phép và quản lý bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore, để phát triển các khoản tín dụng carbon được mã hóa nhằm giúp các tập đoàn lớn bù đắp lượng khí thải carbon của họ.
Thẻ tín dụng carbon được mã hóa, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, sẽ sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (Distributed ledger technology – DLT) và NFT được hỗ trợ bởi MVGX để cung cấp một bản ghi “có thể xác minh, bất biến và được cập nhật liên tục về hiệu suất carbon của các dự án liên quan đến khí hậu”.
Quan hệ đối tác của OCBC với MVGX thể hiện sự gia nhập không gian tài sản kỹ thuật số sau khi đại diện ngân hàng này cho biết họ đang nghiên cứu xem có nên thiết lập sàn giao dịch tiền mã hóa của riêng mình hay không.
Mã token carbon trung tính (CNT) sử dụng công nghệ sổ cái phân tán Non-Fungible Digital Twin (NFDT) độc quyền của MVGX, được gắn với các dự án bền vững trên toàn cầu giúp tạo ra tín chỉ carbon, chẳng hạn như trồng rừng và các cam kết về năng lượng tái tạo.
Elaine Lam, người đứng đầu Global Corporate, cho biết: “Báo cáo mới được công bố gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cho thấy yêu cầu cấp bách trong việc chuyển đổi của các doanh nghiệp sang một tương lai ít lượng carbon hơn bằng cách cắt giảm phát thải khí nhà kính”.
Trung Quốc mở rộng thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số
Trung Quốc đã mở rộng phạm vi dịch vụ công và số lượng thành phố nằm trong dự án thí điểm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đang được thực hiện ở các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến. Đồng tiền mã hóa của ngân hàng trung ương Trung Quốc, được gọi là Nhân dân tệ kỹ thuật số hoặc e-CNY, bắt đầu được thử nghiệm ở Thâm Quyến vào tháng 10/2020 và ghi nhận các giao dịch trị giá tương đương 11,24 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2021.
Theo một báo cáo truyền thông địa phương, 6 thành phố ở tỉnh Chiết Giang đã bắt đầu thử nghiệm thanh toán bằng Nhân dân tệ kỹ thuật số cho thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản và phí bảo hiểm xã hội trước khi có thông báo chính thức về các chương trình thí điểm. Ngoài ra, 72 điểm thu phí đường bộ ở Phúc Châu và Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng Nhân dân tệ kỹ thuật số kể từ hôm thứ Ba và trải nghiệm thanh toán “không khác gì Alipay hoặc WeChat Pay”. Tổng cộng có 8 thành phố ở các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến đã được đưa vào một đợt thí điểm Nhân dân tệ kỹ thuật số mới vào tháng 4.
Trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, Xu Yuan, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Kỹ thuật số của Đại học Bắc Kinh, cho biết về lý thuyết, các giao dịch của tiền mã hóa dựa trên blockchain có thể truy nguyên đầy đủ.
Thành phố đầu tiên của Mỹ vận hành các giàn khoan khai thác Bitcoin bên ngoài tòa thị chính
Một dấu hiệu đáng mừng cho ngành tiền mã hóa nói chung khi mới đây, thành phố Fort Worth thuộc bang Texas, Mỹ đã khởi động dự án khai thác Bitcoin thí điểm tại Tòa thị chính. Dự án thử nghiệm có thể chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ với ba chiếc S9 mang lại tổng lợi nhuận trị giá 3,39 đô la/ngày, trong điều kiện giá điện là 0,05 đô la/kWh và hệ điều hành được sử dụng là Braiins OS. Đây là một tín hiệu rất quan trọng mà thành phố Fort Worth đang gửi đến các thành phố và thị trấn khác trên khắp Mỹ: tiền mã hóa là thứ bạn nên nghiêm túc để ý và việc khai thác Bitcoin là thứ bạn nên xem xét.
Điều này giống như bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới các quỹ vĩnh viễn bằng tiền mã hóa Bitcoin xuất hiện trên khắp nước Mỹ. Bitcoin cung cấp cho các thị trấn nhỏ, thành phố, quận và toàn bang một cơ chế để tận dụng các nguồn năng lượng bị lãng phí hoặc kém hiệu quả của họ để khai thác đồng tiền mã hóa này trong một khoảng thời gian dài. Sau đó, các địa phương khác trong nước Mỹ có thể bắt đầu sử dụng tiền mã hóa Bitcoin đã khai thác để tài trợ cho nhu cầu thiết yếu và giảm bớt (hoặc có khả năng loại bỏ) thuế.
Ở Fort Worth có một giếng khí đốt tự nhiên vô chủ nằm trên đất do chính quyền địa phương kiểm soát. Một quỹ vĩnh viễn có thể được tạo ra bằng cách cho phép một thợ đào tiền mã hóa Bitcoin tư nhân tiếp quản giếng miễn phí, cho phép họ sử dụng khí tự nhiên để sản xuất điện tại chỗ, sau đó khai thác Bitcoin bằng lượng điện đó. Một phần Bitcoin khai thác được sẽ chảy vào quỹ như một khoản đóng góp để có thể tiếp quản giếng. Chính quyền địa phương thậm chí sẽ không cần phải trải qua những vấn đề kỹ thuật phức tạp khi tự mình đào Bitcoin.
Có thể tham khảo là cách El Salvador đang cố gắng khai thác năng lượng từ núi lửa của họ. Chính quyền địa phương có thể phát hành trái phiếu với mục đích gây quỹ để đầu tư vào thiết bị đào, sau đó tận dụng bất kỳ nguồn năng lượng bị mắc kẹt hoặc lãng phí nào để khai thác tiền mã hóa Bitcoin, đóng góp trực tiếp vào quỹ vĩnh viễn.
Fort Worth đã đặt bước đi tiên phong, tương lai có thể sẽ ngày càng có nhiều chính quyền tận dụng năng lượng dư thừa để khai tiền mã hóa Bitcoin cho các quỹ vĩnh viễn với mục đích vì cộng đồng.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 25 – 29/04/2022