Quy tắc 6 chiếc lọ là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân đơn giản nhưng hiệu quả giúp bạn kiểm soát chi tiêu và hưởng thụ cuộc sống.
Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà không phải ai cũng nắm được. Nếu đang gặp khó khăn trong việc quản lý chi tiêu và tiết kiệm, bạn nên thử áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ. Quy tắc 6 chiếc lọ là gì và làm sao để áp dụng nó? Hãy theo dõi bài viết sau của tôi để tìm câu trả lời.
Quy tắc 6 chiếc lọ là gì?
Được T. Harv Eker ‒ tác giả của những tựa sách bán chạy như “Bí mật tư duy triệu phú” và “Làm giàu nhanh” ‒ tạo ra, quy tắc này nhắc đến việc phân chia thu nhập thành 6 phần để phục vụ cho những mục tiêu khác nhau trong cuộc sống. T. Harv Eker là một tác giả, doanh nhân và diễn giả truyền động lực nổi tiếng về các lý thuyết về giàu có và động lực. Ông cũng là người khai sinh công ty Peak Potential Trainning, chuyên nghiên cứu và đào tạo về tư duy làm giàu và phát triển bản thân.
Nếu cho mức thu nhập hằng tháng của bạn là 100% thì mỗi chiếc lọ sẽ chiếm % khác nhau. Vậy chính xác thì 6 chiếc lọ này là gì, được phân chia ra sao?
Lọ nhu cầu thiết yếu ‒ 55% thu nhập
Đây là phần thu nhập mà bạn dành để đảm bảo các nhu cầu cơ bản như chi tiêu hằng ngày, chi phí sinh hoạt, và các khoản chi tiêu vốn không thể thiếu như thức ăn, nước uống, nhà cửa, tiện nghi cá nhân, dịch vụ y tế cơ bản… Trong quy tắc 6 chiếc lọ thì lọ đầu tiên chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Lọ số 1 rất quan trọng vì nếu không đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu, bạn sẽ khó tiếp tục phát triển và thực hiện những mục tiêu khác trong cuộc sống. Vì vậy, bạn cần cân nhắc và đảm bảo luôn duy trì đủ số tiền cần thiết cho lọ số 1 để đảm bảo sự ổn định và bền vững trong cuộc sống. Bạn có thể phân bổ khoảng 50% đến 55% thu nhập nhưng không nên bỏ quá nhiều vào đây.
Lọ tiết kiệm dài hạn ‒ 10% thu nhập
Dù bạn là ai đi chăng nữa thì việc tiết kiệm cũng không bao giờ thừa. Bạn có thể cho rằng đây là việc làm khá lỗi thời song thực tế khoản tiết kiệm, hay chiếc lọ thứ 2, chắc chắn sẽ có ích vào lúc nào đó. Sẽ ra sao nếu một sự kiện khủng khiếp như Covid diễn ra lần nữa, bạn mất việc và thậm chí tài khoản tiết kiệm cũng rỗng không?
Lọ số 2 đại diện cho việc tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Đây là phần thu nhập bạn dành để tích lũy và tiết kiệm cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua ô tô, hưởng tuổi già, hoặc chuẩn bị cho các sự kiện đặc biệt như cưới hỏi hay du lịch xa. Bằng cách đầu tư thông minh và tiết kiệm một phần thu nhập của mình vào lọ số 2, bạn có thể tự tin thực hiện những ước mơ và kế hoạch dài hạn.
Lọ giáo dục ‒ 10% thu nhập
Lọ tiếp theo trong quy tắc 6 chiếc lọ nói đến việc đầu tư nâng cao kiến thức và kỹ năng của bạn. Bạn sẽ dành ra một phần thu nhập để đầu tư vào việc học hỏi, đào tạo, phát triển bản thân, mở rộng kiến thức và kỹ năng của mình. Lọ số 3 có thể bao gồm việc tham gia các khóa học, hội thảo, chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực bạn quan tâm hoặc đơn giản là mua sách.
Việc đầu tư cho kiến thức giúp bạn phát triển bản thân, nâng cao năng lực và khả năng làm việc, mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo ra cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Hãy nhớ, đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất.
Lọ tự do tài chính ‒ 10% thu nhập
Tôi tin rằng đây không chỉ là chủ đề được nói đến thường xuyên mà còn là mục tiêu của rất nhiều người. Và trong quy tắc 6 chiếc lọ cũng có một lọ dành riêng cho việc này. Để đạt được tự do tài chính, bạn cần phải tạo ra thu nhập thụ động thông qua nhiều hình thức như mua bất động sản, chứng khoán, kinh doanh, quỹ đầu tư tiền mã hóa.
Lọ đầu tư mang lại lợi ích dài hạn, có thể tạo ra lợi nhuận theo thời gian. Bạn phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư để đảm bảo lựa chọn tài sản phù hợp với mục tiêu và khả năng tài chính.
Vậy bạn sẽ bắt đầu đầu tư tài chính thế nào? Theo tôi, trước hết là quan tâm đến việc trau dồi kiến thức tài chính. Đọc thêm bài viết liên quan:
Lọ hưởng thụ ‒ 10% thu nhập
Kiếm tiền cũng chỉ để tiêu, sẽ thật vô nghĩa nếu bạn chỉ chăm chăm kiếm nhiều tiền nhất có thể mà lại không dám tiêu xài. Đương nhiên, tiêu xài ở đây cần có giới hạn cụ thể để tránh vung tay quá trán.
Trái với những chiếc lọ khác, chiếc lọ này giúp bạn tận hưởng thành quả từ công sức lao động của mình. Hưởng thụ bao gồm việc sử dụng thu nhập của bạn để thưởng thức những niềm vui và trải nghiệm trong cuộc sống, không chỉ liên quan đến việc mua sắm và tiêu dùng, mà còn những sở thích cá nhân hơn như đu idol chẳng hạn.
Lọ từ thiện/giúp đỡ người khác ‒ 5% thu nhập
Cho đi là nhận lại. Theo tôi, chiếc lọ cuối cùng trong quy tắc 6 chiếc lọ cực kỳ ý nghĩa khi bạn sẽ dùng một phần thu nhập giúp đỡ cộng đồng. Bạn có thể hỗ trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động từ thiện, công tác xã hội và những dự án nhân đạo. Dù chọn giúp đỡ cho ai hay cái gì thì mọi đóng góp của bạn đều rất đáng quý.
Việc từ thiện mang lại cho chính bạn cảm giác tự hào, đồng thời tạo ra một môi trường tích cực và xây dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng. Một lợi ích khác khi giúp đỡ mọi người là nó tạo động lực để bạn tiếp tục lao động chăm chỉ để hỗ trợ thêm nhiều người khác.
Lưu ý: Quy tắc 6 chiếc lọ không phân chia cụ thể tỷ lệ phần trăm cho mỗi chiếc lọ mà phụ thuộc vào mục tiêu và ưu tiên của mỗi người. Ví dụ, bạn có thể nâng phần thu nhập dành cho nhu cầu thiết yếu lên 60% hay tăng mức đầu tư cho giáo dục lên 15%. Bạn cần xác định rõ mục tiêu và phân bổ thu nhập một cách hợp lý để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và đáp ứng những nhu cầu khác nhau trong cuộc sống.
Một số biến thể của quy tắc 6 chiếc lọ
Ngoài quy tắc gốc mà tôi vừa trình bày thì còn có nhiều biến thể khác được sử dụng trong quản lý tài chính cá nhân. Tham khảo thêm một số phiên bản khác:
- 5 chiếc lọ: Đây là phiên bản rút gọn của quy tắc gốc, trong đó loại bỏ lọ từ thiện và tập trung vào việc quản lý tiền cho các mục đích khác nhau.
- 7 chiếc lọ: Biến thể này thêm lọ kinh doanh hoặc lọ độc thân, phù hợp với những người hoạt động kinh doanh hay sống độc thân.
- 8 chiếc lọ: Một phiên bản mở rộng khác với phần được thêm vào là lọ mua sắm và lọ nuôi thú cưng.
- 10 chiếc lọ: Bao gồm các lọ tiền thuế, tiền đi lại và tiền bảo hiểm, nhằm đảm bảo rằng bạn đang phân bổ tiền cho các khoản chi tiêu quan trọng khác.
Dù là biến thể nào, mục đích của các quy tắc vẫn nhằm giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hợp lý, tránh những sai lầm phổ biến và đảm bảo sự ổn định tài chính.
» Tìm hiểu một quy tắc quản lý tài chính nổi tiếng khác: Quy tắc 50/30/20.
Một số lưu ý khi áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ
Dù có vẻ là một cách quản lý tài chính dễ áp dụng nhưng thực tế chúng ta vẫn có thể phạm sai lầm. Hãy chắc chắn rằng bạn không rơi vào những trường hợp bên dưới:
- Phân bổ không hợp lý: Một trong những sai lầm thường gặp là phân bổ tiền không cân đối giữa các lọ. Ví dụ là đặt quá nhiều tiền vào lọ tiêu dùng hoặc hưởng thụ và ít tiền vào lọ tiết kiệm.
- Không điều chỉnh theo tình hình: Mỗi giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta sẽ có các ưu tiên và mục tiêu khác nhau. Sai lầm phổ biến là không điều chỉnh tỷ lệ phân bổ trong lọ theo tình hình thực tế, dẫn đến sự mất cân đối trong quản lý tài chính. Đơn cử, một người đã có gia đình và 2 con không thể phân bổ thu nhập giống hệt một sinh viên mới ra trường được.
Ngoài ra, tôi cũng muốn chia sẻ một vài nhược điểm của bí quyết quản lý tài chính cá nhân này như sau:
- Thiếu sự linh hoạt: Quy tắc 6 chiếc lọ không linh hoạt đáp ứng được những tình huống bất ngờ hoặc thay đổi trong cuộc sống. Điều này có thể khiến việc quản lý tài chính trở nên cứng nhắc.
- Không đồng nhất với giá trị cá nhân: Mỗi người có giá trị và ưu tiên riêng. Áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ mà không tương hợp với giá trị và mục tiêu cá nhân có thể dẫn đến sự không hài lòng và khó khăn để duy trì lâu dài.
- Thiếu sự tự do: Quy tắc này có thể khiến bạn cảm thấy bị ràng buộc và thiếu sự tự do trong việc sử dụng tiền của mình. Đồng thời, việc tuân thủ chặt chẽ quy tắc có thể khiến bạn bỏ qua những cơ hội tài chính tiềm năng.
Thông qua những nội dung trên, chắc hẳn bạn hiểu rằng đây không phải là quy tắc hoàn hảo 100%. Và tôi tin thực tế cũng không tồn tại một phương pháp quản lý tài chính phù hợp với tất cả nhu cầu của chúng ta. Điều quan trọng là người sử dụng phải đưa ra sự đánh giá, tinh chỉnh phù hợp để phát huy tối đa tác dụng.
Quy tắc 6 chiếc lọ là một trong những phương pháp quản lý tài chính cá nhân được nhiều người tin dùng và áp dụng. Bằng cách chia thu nhập thành 6 phần với các tỷ lệ và mục đích khác nhau, bạn có thể kiểm soát chi tiêu và sử dụng tiền bạc một cách hợp lý. Quy tắc này không chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản mà còn giúp bạn phát triển bản thân, tạo dựng tài sản, tận hưởng cuộc sống và chia sẻ với cộng đồng.
Trần Đăng Khoa
- JARS System of Money Management
http://6jars.com/
- Thu nhập thụ động là gì? Cách tạo ra thu nhập thụ động
- Người đi làm cần quản lý tài chính cá nhân thế nào?
- Chi tiết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhất 2023