Polygon đề xuất đổi tên MATIC thành POL, trở thành token của đa Blockchain
Polygon, Blockchain giúp mở rộng quy mô cho mạng Ethereum, cuối cùng cũng công bố thay đổi rất được mong chờ liên quan đến tokenomics của đồng MATIC, nằm trong khuôn khổ chuỗi nâng cấp Polygon 2.0.
Cụ thể, Polygon muốn đổi tên token MATIC thành POL, được định hình để trở thành token dùng chung trong toàn hệ sinh thái Polygon. Theo đó, POL sẽ là đồng tiền chính và là token staking xác thực giao dịch sử dụng cho Polygon POS, Polygon zkEVM và các Supernets ‒ layer-2 xây dựng trên mạng Polygon, đồng thời làm token trả thưởng trên những mạng lưới ấy.
Polygon đã tuyên bố phiên bản 2.0 sẽ trở thành “lớp giá trị cho internet”, cho người dùng tạo và trao đổi thông tin. Cập nhật này mang đến thay đổi gần như mọi khía cạnh dự án, bao gồm nâng cấp sidechain PoS thành layer-2 zkEVM validium, công dụng mới cho token MATIC và chuyển đổi lên mô hình quản trị cộng đồng cấp cao hơn cho giao thức và quỹ dự án.
Mục tiêu chung của nâng cấp này sẽ là mở rộng công dụng cho MATIC/POL, gia tăng khả năng quy mô nhưng không đe dọa đến an ninh chung của toàn hệ sinh thái. Polygon tự hào khẳng định POL sẽ trở thành đồng token tiền mã hóa “thế hệ thứ ba”, hỗ trợ được nhiều Blockchain khác nhau với nhiều vai trò khác nhau. Hai thế hệ token trước đó có gồm hai đại diện tiêu biểu là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH).
SEC kiện Celsius Network và CEO Alex Mashinsky
Tối ngày 13/07, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đâm đơn kiện Celsius Network, công ty cho vay tiền mã hóa đã phá sản vào tháng 07/2022 trong cuộc khủng hoảng thanh khoản khi ấy, cũng như cựu CEO Alex Mashinsky. Bản thân ông Mashinsky đã bị giới chức Mỹ bắt giữ và bị chính quyền bang New York khởi kiện, theo Bloomberg. Sau SEC, đến lượt Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đều ra đơn kiện hoặc cáo trạng chống lại Celsius.
Cụ thể, SEC cáo buộc Celsius mở bán trái phép chứng khoán là token CEL và huy động hàng tỷ USD thông qua hoạt động này, cũng như lừa dối nhà đầu tư. Không có token nào khác bị SEC tuyên là chứng khoán trong đơn kiện SEC, khác với những hành động pháp lý trước đó. Bản thân ông Mashinsky thì bị cáo buộc tội lừa đảo và thao túng giá Crypto.
Celsius là một trong ba công ty Crypto lớn đã sụp đổ trong giai đoạn giữa năm 2022, bên cạnh quỹ Three Arrows Capital và ứng dụng đầu tư Crypto Voyager. Công ty khi ấy tiết lộ có đến hơn 100.000 chủ nợ, tài sản còn lại là 4,3 tỷ USD trong khi nợ phải trả là 5,5 tỷ USD. Celsius vào tháng 6 đã bị Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC) tuyên bố là vi phạm luật pháp khi lừa dối nhà đầu tư và không đăng ký giấy phép lên chính quyền.
SEC, CFTC và giới chức Mỹ từ cuối năm 2022 đã liên tục có nhiều hành động pháp lý chống lại các tổ chức Crypto, nổi bật là:
- Ngày 13/02/2023: Paxos và stablecoin BUSD của Binance.
- Ngày 17/02/2023: Do Kwon và Terraform Labs cùng sự sụp đổ của LUNA-UST.
- Ngày 23/02/2023: Nền tảng đầu tư Voyager và sàn Binance.US.
- Ngày 10/03/2023: Sàn KuCoin và cáo buộc Ethereum là chứng khoán.
- Ngày 22/03/2023: Sàn DEX SushiSwap.
- Ngày 05/06/2023: Sàn Binance và CEO Changpeng Zhao.
- Ngày 06/06/2023: Sàn Coinbase.
Google Play “bật đèn xanh” cho các ứng dụng có NFT
Trong nỗ lực thu hút các đội ngũ phát triển và đa dạng hóa kho ứng dụng, Google Play sẽ cho phép những ứng dụng và trò chơi có tính năng mua, bán hoặc tưởng thưởng tài sản kỹ thuật số cho người dùng dưới dạng NFT. Google Play còn tiết lộ rằng Reddit, mạng xã hội đã rất thành công với NFT thông qua loạt bộ sưu tập Collectible Avatars, là một trong những đối tác hỗ trợ Google thay đổi chính sách nói trên.
Quản lý sản phẩm của Google Play là ông Joseph Mills viết trong thông báo mới nhất: “Từ việc tái định hình những trò chơi truyền thống có nội dung do người sử dụng tạo ra cho đến thúc đẩy trải nghiệm người dùng thông qua NFT, chúng tôi rất háo hức được mang đến hội để gia tăng trải nghiệm ứng dụng và giúp doanh nghiệp mở rộng dịch vụ”.
Tuy vậy, những ứng dụng có NFT và tài sản Crypto sẽ bị Google Play buộc phải thông tin kỹ càng đến người dùng. Sự tín nhiệm của người sử dụng sẽ được đặt lên cao nhất. Đơn vị phát triển không nên quảng bá hoặc che đậy bản chất kiếm tiền từ hoạt động chơi hay tương tác với ứng dụng.
Từ trước đến nay, Google vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng với các ứng dụng có tính chất Blockchain, cho phép hay gỡ bỏ ứng dụng một cách tùy ý. Song, lập trường của gã khổng lồ internet này đã dần thay đổi qua số lượng ứng dụng Blockchain được cho phép đưa lên cửa hàng Play ngày một tăng, cũng như chiến lược lấn sâu hơn vào ngành tài sản số của những đơn vị khác như Google Cloud.
Trong khi đó, đối thủ của Google Play là App Store của Apple thì lại tỏ ra “bảo thủ” hơn với các ứng dụng có yếu tố Blockchain, cần thời gian phê duyệt lâu trước khi chính thức hỗ trợ lên App Store, hoặc thậm chí là bị đe dọa gỡ bỏ vì cho phép thanh toán Crypto.
Cổ phiếu GBTC của Grayscale thu hẹp chênh lệch với Bitcoin về mức thấp nhất kể từ tháng 05/2022
Theo dữ liệu từ Ycharts, mức chênh lệch của Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) so với tài sản gốc Bitcoin đang là -27%, mức thấp nhất kể từ tháng 05/2022, hưởng lợi sau tin tức gã khổng lồ tài chính BlackRock nộp đơn đăng ký ETF Bitcoin.
GBTC là một sản phẩm quỹ được Grayscale phát hành. Theo đó, công ty sẽ nắm giữ một lượng Bitcoin (BTC) nhất định trong quỹ Grayscale Bitcoin Trust (GBTC). Cổ phiếu GBTC của quỹ có thể được nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức mua thông qua tài khoản môi giới chứng khoán của Mỹ, biến đây trở thành một phương thức được nhiều đơn vị của Mỹ sử dụng để tiếp xúc gián tiếp với Bitcoin.
Trong giai đoạn 2017 ‒ 2020, giá GBTC luôn duy trì ở mức cao hơn so với giá thị trường của BTC, có lúc cao hơn đến 100%. Tuy nhiên vào cuối năm ngoái, khi thị trường lung lay cực đại bởi màn sụp đổ của FTX, mức chênh lệch của GBTC và BTC đã thiết lập kỷ lục lên đến 50% và duy trì quanh ngưỡng -40% cho đến thời gian gần đây.
Vào cuối năm 2021, Grayscale đã đệ đơn xin chuyển đổi GBTC thành một quỹ ETF Bitcoin spot, tuy nhiên bị SEC từ chối với lý do thị trường này vẫn chưa đảm bảo được tính ổn định. Song mới đây, cơ quan này lại cấp phép cho ETF Bitcoin futures sử dụng đòn bẩy 2x. Grayscale đã đâm đơn kháng cáo và chỉ trích “hành động mâu thuẫn” của SEC vì mức độ rủi ro của loại sản phẩm futures thậm chí còn lớn hơn.
Trong khi đó, BlackRock và Fidelity sau khi bị SEC từ chối đã có động thái tái nộp hồ sơ với cơ quan này. Được biết SEC vẫn chưa phê duyệt bất kỳ quỹ ETF Bitcoin spot nào.
Axie Infinity gặp khó sau khi ra mắt trên App Store
Axie Infinity đã mất hơn 6.000 người dùng trong 30 ngày qua, theo trang dữ liệu gaming Activeplayer. Còn theo DappRadar, số ví kỹ thuật số tham gia trò chơi đã giảm khoảng 19% trên cùng khung tham chiếu. Ngoài ra, số lượng và khối lượng giao dịch cũng lần lượt đánh mất 30% trong tháng trước.
Một nguồn dữ liệu khác được tìm thấy trên Dune Analytics gợi lên một viễn cảnh tăng trưởng đầy bất lợi. Trong đó, tổng số người dùng mới của tựa game đã tăng từ tháng 5, nhưng cũng chỉ dưới mức 7.000 game thủ. Và đây là con số được thống kê sau khi Axie Infinity bắt đầu phục vụ người dùng iPhone ở Argentina, Colombia, Peru, Mexico, Venezuela, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
2 tháng trước, Sky Mavis ‒ công ty đứng sau tựa game NFT Axie Infinity đình đám đã thông báo ra mắt trò chơi trên App Store tại một số quốc gia châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á (gồm cả Việt Nam). Lúc bấy giờ, Sky Mavis kỳ vọng đây sẽ là một bước tiến lớn để không chỉ mở rộng tệp người dùng và trở thành xu hướng chủ đạo mà còn giúp công ty thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường chính là Philippines (chiếm 40%).
Theo CryptoSlam trong tháng 6, giao dịch NFT Axie Infinity đã giảm từ mức 2,1 triệu USD xuống chỉ còn 1,4 triệu USD. Ở thời kỳ đỉnh cao, ngay trong đại dịch, giao dịch hằng tháng của Axie Infinity từng vượt mốc 700 triệu USD.
Dù vậy, tính đến hiện hành, tựa game này đang có tổng cộng khoảng 75.000 người chơi trên tất cả các nền tảng và 97.728 giờ xem trên Twitch. Như vậy, có thể tạm kết luận rằng Axie Infinity vẫn là một tựa game phổ biến trong năm 2023.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 10 – 14/07/2023