Thêm hai ngân hàng lớn của Mỹ bị buộc đóng cửa, một trong số đó rất thân thiện với Crypto
Silicon Valley Bank
Theo thông báo của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC), đơn vị này và chính quyền bang California đã quyết định đóng cửa Silicon Valley Bank, đồng thời tịch thu tài sản. FDIC sẽ mở cổng rút tiền cho các khoản tiền gửi đã được bảo hiểm và có giá trị dưới 250.000 USD vào thứ hai tuần sau. Khách hàng có tiền gửi thuộc dạng không được bảo hiểm tiền gửi sẽ nhận giấy chứng nhận nợ và chờ cho đến khi FDIC thanh lý tài sản của ngân hàng để được bồi thường.
Thông tin trên chính thức đánh dấu sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, ngân hàng thương mại lớn thứ 16 nước Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD. Một số tờ báo lớn của Mỹ thậm chí đã gọi đây là lần phá sản ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chỉ đứng sau ngân hàng Washington Mutual khi phá sản với số tài sản là 307 tỷ USD.
Silicon Valley Bank vào đầu tuần này thông báo bán lỗ 21 tỷ USD chứng khoán, đồng thời công bố kế hoạch phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu nhằm huy động thêm tiền. Giới đầu tư đã ngay lập tức bày tỏ sự quan ngại trước các diễn biến bất ngờ từ ngân hàng, suy đoán rằng nó có thể đang thiếu tiền và quyết định rút tiền ồ ạt.
Hiện vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, song có thể thấy thời gian từ lúc lộ ra vấn đề đến khi bị FDIC can thiệp là chưa đến 5 ngày, ngắn hơn rất nhiều các cuộc khủng hoảng trong năm 2022 của ngành Crypto như LUNA-UST hay FTX. CEO Binance Changpeng Zhao và đại diện của đơn vị phát hành stablecoin Paxos đã lên tiếng phủ nhận việc có tiếp xúc với Silicon Valley Bank.
Signature Bank
Theo thông báo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 12/03, giới chức nước này đã ra lệnh đóng cửa ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ cho các công ty Crypto là Signature Bank nhằm mục đích bảo vệ tài sản người gửi tiền. Đây là ngân hàng Mỹ thứ ba sụp đổ trong 1 tuần trở lại đây.
Trong tuyên bố, các cơ quan quản lý bao gồm Cục Dự trữ Liên bang, Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ thống nhất rằng tất cả tiền gửi vào Signature Bank sẽ được “hoàn trả toàn bộ”. Lý do là bởi ngân hàng này được cấp phép và bảo hiểm bởi FDIC, trong đó đảm bảo tiền gửi trong trường hợp phá sản.
Thông tin này chính thức đánh dấu sự sụp đổ của Signature Bank sau khoảng thời gian lao đao vì “khủng hoảng thanh khoản” dây chuyền từ FTX hồi tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó ngân hàng đã bắt đầu “giảm tải” mức tiếp xúc với Crypto xuống 10 tỷ USD. Với khối tài sản 118 tỷ USD, Signature Bank là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ, và cái tên xếp bên trên chính là Silicon Valley Bank trước đó chỉ 2 ngày.
Tuần trước, ngân hàng đối thủ là Silvergate Bank cũng lộ khó khăn khi “tự nguyện thanh lý tài sản” để hoàn trả tiền cho người gửi và dừng quy mô hoạt động. Động thái này diễn ra sau loạt tin xấu như chậm nộp báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và bị đồng loạt các công ty Crypto lớn cắt đứt quan hệ.
Stablecoin USDC depeg nặng vì ảnh hưởng từ vụ Silicon Valley Bank
Sáng ngày 11/03 (giờ Việt Nam), sau khoảng thời gian dài giữ im lặng, công ty phát hành stablecoin Circle – đơn vị chủ quản của stablecoin lớn thứ hai thị trường tiền mã hóa là đồng USDC với vốn hóa thị trường 43,4 tỷ USD – xác nhận có lưu trữ một phần tiền mặt bảo chứng trên Silicon Valley Bank.
Theo thông tin cập nhật từ website của Circle, công ty đang nắm giữ 43,5 tỷ USD tài sản bảo chứng cho USDC, trong đó có 11,1 tỷ USD là tiền mặt. Circle tiết lộ công ty bị ảnh hưởng nặng khi đang lưu giữ 3,3 tỷ USD tiền mặt trên Silicon Valley Bank, chiếm hơn 8% tổng tài sản bảo chứng cho USDC. Những tin xấu dồn dập trên đã khiến giá USDC bị depeg về tận 0,87 USD – ngưỡng giá trị thấp nhất của đồng stablecoin này kể từ khi ra mắt vào năm 2018.
Circle sau đó đã phải ra thông báo trấn an, khẳng định sẽ làm mọi cách để bù đắp khoản thâm hụt. Đến ngày 13/03, chính quyền Mỹ tuyên bố tất cả người gửi tiền ở Silicon Valley Bank sẽ được bồi thường đầy đủ vào ngày 14/03, khi ngành tài chính Mỹ bắt đầu tuần làm việc mới. Nhờ sự bảo lãnh ấy, giá USDC mới phục hồi dần về mốc 1 USD khi Circle cam kết khôi phục toàn bộ 3,3 tỷ USD bị giam tại nhà băng.
Tính từ lúc Silicon Valley Bank bị chính quyền Mỹ tịch thu tài sản và đóng cửa vào thứ Sáu (ngày 10/03) đến rạng sáng thứ ba (ngày 15/03), đã có hơn 6,2 tỷ USDC bị người nắm giữ gửi lại cho Circle và yêu cầu quy đổi về tiền mặt. Cùng quãng thời gian ấy, lượng USDC phát hành mới là 1,66 tỷ USD, đưa tổng lượng rút ròng là hơn 4,5 tỷ USD. Việc người dùng ồ ạt rút tiền bất chấp tình hình đã ổn định cho thấy niềm tin vào Circle và USDC đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giữa loạt tin xấu, Bitcoin lập đỉnh mới của năm 2023
Tối ngày 14/03, Mỹ đã công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho tháng 02/2023, thước đo lạm phát của nền kinh tế số một thế giới. Đúng với dự đoán của giới quan sát kinh tế, lạm phát Mỹ tháng 2 đạt 6%, tiếp tục có tháng thứ 8 liên tiếp giảm. Chính nhờ thông tin này, Bitcoin (BTC) đã nhảy vọt lên 26.386 USD, mức đỉnh mới của năm 2023 và cũng là cao nhất kể từ tháng 06/2022.
Đáng chú ý là chỉ 4 ngày trước đó, BTC còn đang ngụp lặn ở mốc 19.500 USD vì loạt tin xấu ập vào thị trường, bao gồm:
- Chủ tịch Fed nói lãi suất mục tiêu có thể cao hơn dự kiến.
- Ngân hàng Silvergate thông báo ngừng hoạt động.
- Chính quyền New York cáo buộc ETH là chứng khoán, kiện sàn KuCoin.
- Chính quyền Biden đề xuất áp thuế 30% đối với điện sử dụng đào coin.
- Voyager bị phát hiện bán tài sản, bị Bộ Tư pháp Mỹ phản đối thương vụ bán mình cho Binance.US.
- Nghi vấn chính quyền Mỹ chuyển 9.861 BTC lên sàn Coinbase.
- Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank vào hôm 10/03 còn làm stablecoin lớn thứ hai thị trường Crypto là USDC depeg nặng, tạo thêm áp lực lên giá BTC.
Ethereum (ETH) cũng dựng cột gần 11% lên 1.765 USD, cũng là đỉnh mới của năm 2023 và ngưỡng giá trị cao nhất tính từ tháng 09/2022.
Với những thông tin tích cực gần đây như sự kiện airdrop của hệ sinh thái Arbitrum hay Binance cho ra mắt Launchpad mới, các nhà đầu tư đang kỳ vọng đây sẽ là một tháng “xanh” tài khoản, từ đó dẫn đến những động lực tăng trưởng tích cực cho cả thị trường.
Meta ngừng hỗ trợ NFT trên Facebook và Instagram
Meta, công ty chủ quản của hai mạng xã hội hàng đầu thế giới là Facebook và Instagram, cho biết sẽ ngừng tích hợp NFT vào những nền tảng của mình. Cụ thể, theo tiết lộ từ ông Stephane Kasriel, Giám đốc mảng Thương mại và Dịch vụ Tài chính của Meta, công ty đã quyết định ngừng theo đuổi NTF nhằm “tập trung vào những cách thức hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung, người dùng và doanh nghiệp tốt hơn”.
Sau khi từ bỏ NFT, Meta sẽ chuyển sự chú ý về lại những sản phẩm như Reels hay Meta Pay để tăng tương tác và tạo thêm nguồn thu. Meta đã bắt đầu thử nghiệm tích hợp NFT vào các mạng xã hội của mình từ đầu năm 2022, bắt chước nước đi của Twitter. Đến cuối quý 3 và đầu quý 4, công ty của tỷ phú Mark Zuckerberg dần tung ra khả năng chia sẻ NFT và đặt nó làm ảnh đại diện trên Facebook và Instagram, thông qua mối quan hệ hợp tác với Polygon.
Meta trong giai đoạn cuối năm 2022 đã liên tiếp gặp phải nhiều khó khăn vì định hướng phát triển metaverse được đánh giá là sai lầm. Theo báo cáo tài chính năm 2022, công ty đã lỗ đến 14 tỷ USD chỉ riêng cho metaverse, đồng thời phải cắt giảm đến 11.000 việc làm trên toàn cầu. Giá trị cổ phiếu của Meta cũng lao dốc thê thảm trong giai đoạn đầu năm 2022.
Kể từ đó, công ty đã công bố thêm những kế hoạch để vực dậy chính mình trong thời gian tới, bao gồm bán dấu xác minh và phát triển mạng xã hội phi tập trung – những thứ mà đối thủ Twitter đã và đang làm.
Arbitrum gây bão truyền thông sau công bố airdrop
Theo thông báo đăng tải tối ngày 16/03, giải pháp layer-2 hàng đầu trên Ethereum là Arbitrum cho biết sẽ tổ chức airdrop token ARB vào ngày 23/03 tới. Từ đó, lượt tìm kiếm về token mới này đã liên tục tăng vọt trong 24 giờ qua. Trên Twitter, ARB cũng là chủ đề lọt top thịnh hành ở Hoa Kỳ với hơn 10.000 tweet liên quan. Kênh Discord của layer-2 cũng trở nên sôi động hẳn lên với hàng nghìn tin nhắn.
ARB mới ra mắt là một token ERC-20 phát hành trên Ethereum, với lượng cung ban đầu 10 tỷ ARB và không giới hạn tổng cung. Tỷ lệ lạm phát token thường niên ước tính là 2%/năm. Theo thông báo, ARB sẽ được airdrop cho người dùng đủ điều kiện vào ngày 23/03 tới. Lượng token airdrop chiếm 11,62% tổng cung ban đầu.
Token là công cụ giúp Arbitrum One phi tập trung hóa dự án và trở thành một DAO tự quản thực thụ. Người nắm giữ ARB sẽ có thể tham gia hoạt động quản trị và bỏ phiếu cho những cập nhật quan trọng do chính cộng đồng khởi xướng. Ngoài ra, ARB còn là token chính của Arbitrum Nova và các sản phẩm layer-2 trong tương lai của dự án.
Điểm đặc biệt của hoạt động quản trị của Arbitrum là việc trở thành một self-executing DAO, tức là sau khi thông qua đề xuất, những thay đổi sẽ tự động được áp dụng lên Blockchain mà không chờ phê duyệt từ bất kỳ trung gian nào khác nữa. Arbitrum hy vọng cách làm mới sẽ gia tăng hơn nữa tính phu tập trung cho dự án, cũng như trở thành layer-2 đầu tiên đi theo mô hình self-executing DAO.
Hẳn sau khi đọc tin này, bạn sẽ thắc mắc Arbitrum là gì hay có điểm gì đặc biệt về Arbitrum. Bạn có thể khám phá trong bài viết sau của CoinMarketCap:
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 13 – 17/03/2023