Khóa học đầu tư 4.0 với Crypto

NFT là gì? Tổng hợp 8 điều thú vị về đầu tư NFT mà bạn nên biết

NFT là gì? Cẩm nang những điều cần biết về NFT

Thị trường Crypto luôn chuyển động và các xu hướng mới thì xuất hiện liên tục. Sau DeFi, nhiều sự chú ý đổ dồn về đầu tư NFT, trong khi số khác vẫn tự hỏi NFT là gì?

Thú vui sưu tập đã có nhiều thay đổi trong thời đại số. Thời gian gần đây, rất nhiều nhà sưu tầm, người hâm mộ một lĩnh vực cụ thể sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD chỉ để mua các vật phẩm được đại diện bằng mã NFT. Cùng với sự bùng nổ của các tựa game Blockchain, đầu tư NFT bỗng trở thành đề tài hot. Vậy nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ NFT là gì. Tôi sẽ giải đáp ngay trong bài viết sau.

NFT là gì?

NFT (Non-fungible token) là một loại tiền mã hóa độc nhất sử dụng công nghệ Blockchain. NFT không thể bị thay thế, thường đại diện cho loại tài sản nào đó. Để hiểu rõ hơn, hãy bóc tách khái niệm này và phân tích từng từ ngữ.

  • Fungible: từ này thường được dùng trong kinh tế, chỉ các đơn vị riêng lẻ của một tài sản có thể thay thế cho nhau. Ví dụ: 2 tờ 50.000 đồng có thể đổi với 1 tờ 100.000 đồng.
  • Non-fungible: không thể thay thế, độc nhất.
  • Token: có thể hiểu như một tiện ích mã hóa, tồn tại dưới dạng các tệp tin (hình ảnh, dữ liệu…) được mã hóa trên nền tảng công nghệ Blockchain.

Ý tưởng NFT không phải mới và thật ra nó đã xuất hiện từ trước đó. Năm 2012, Yoni Assia công bố Colored Coin trên Blockchain Bitcoin, được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với NFT. Đến năm 2017, tiêu chuẩn ERC-721 xuất hiện, cho phép phát hành và giao dịch các tài sản trên Blockchain Ethereum. Game nuôi mèo ảo mang tên CryptoKitties giúp nhiều người biết đến NFT hơn.

nft là gì
Không phải là ý tưởng mới nhưng NFT lại đang gây “bão” thời gian gần đây

Bạn có thể dùng NFT để mua bán những tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số dưới dạng GIF, thẻ giao dịch ảo, hình ảnh của các đối tượng vật lý, giao diện trò chơi điện tử… Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm mà là quyền sở hữu độc quyền chúng. Mỗi chuỗi mã NFT tạo ra bởi Blockchain đều là duy nhất. Nói nôm na, sở hữu một NFT giống như việc có bức họa Mona Lisa bản gốc.

Đặc điểm của NFT là gì?

  • Độc nhất: mỗi NFT đều khác biệt so với những NFT khác.
  • Không thể phân chia: nếu như 1 BTC hay ETH có thể được chia nhỏ thì NFT lại không như vậy. Không thể chia nhỏ dưới bất kỳ dạng nào là một điểm đặc biệt của NFT.
  • Khan hiếm: mỗi NFT là duy nhất nên việc sở hữu một tác phẩm nghệ thuật số được mua bán dưới dạng NFT sẽ luôn là bản gốc, không thể sao chép hay làm nhái.
  • Có thể xác minh: bất kỳ ai cũng có thể truy xuất nguồn gốc của tác phẩm mà không cần nhờ đến bên thứ ba.

Phân biệt NFT và coin

Vì cùng được phát triển trên Blockchain nên cả coin và NFT đều mang những đặc điểm của công nghệ này: phi tập trung và ẩn danh. Bạn cũng có thể lưu trữ NFT trên ví Blockchain và lấy ra mua bán tương tự như coin. Đó là điểm giống nhau giữa 2 loại tài sản này.

Trái ngược với NFT, coin dù có tính thanh khoản tốt nhưng lại không mang đặc điểm độc nhất. Một chú mèo ảo trong game CryptoKitties có nhận dạng riêng biệt, không bị trùng lặp. Vì NFT được sưu tầm bởi độ quý hiếm nên qua thời gian, người ta hy vọng nhận được giá trị giao dịch cao hơn lần trước. Nói cách khác, nếu đầu tư coin có nét giống với cổ phiếu hay Forex thì NFT lại tương tự như thú vui sưu tầm đồ quý hiếm trong thời đại 4.0.

sưu tầm thời 4.0 với nft
NFT có thể thỏa mãn sở thích sưu tầm trong thời đại 4.0

NFT hoạt động thế nào?

Có nhiều tiêu chuẩn khác nhau để tạo và phát hành NFT nhưng nổi bật nhất vẫn là ERC-721. Nó được xem là tiêu chuẩn để tạo và phát hành NFT trên Blockchain Ethereum. Một tiêu chuẩn mới và cải tiến hơn là ERC-1155, cho phép chứa cả fungible token và non-fungible token trong một hợp đồng duy nhất.

NFT tồn tại trên một địa chỉ và nếu không có sự cho phép của chủ sở hữu thì không thể được sao chép hoặc chuyển khoản. NFT được giao dịch ở các thị trường mở và giá trị mỗi token là độc nhất. Giá của NFT cũng chịu ảnh hưởng bởi cung và cầu trên thị trường.

Các ứng dụng của NFT

Game

Với những game trên Blockchain ứng dụng NFT, các vật phẩm mà người chơi sưu tầm sẽ được gán với một token. Họ dễ dàng trao đổi với bất cứ ai sở hữu đồng tiền Blockchain nền tảng (như ETH chẳng hạn). Tất cả mọi hoạt động đã được ghi lại và lưu trữ trên Blockchain, đảm bảo không ai có thể tác động hoặc thay đổi vật phẩm.

Trong khi đó, với các game truyền thống, bạn cần nạp tiền để mua vật phẩm do nhà phát hành tạo ra. Nhưng các vật phẩm này không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của bạn. Chúng có thể bị mất nếu máy chủ gặp vấn đề hay tài khoản của bạn bị hack.

Tựa game nft CryptoKitties
Tựa game CryptoKitties với hàng ngàn chú mèo không hề giống nhau

Nghệ thuật

Vấn đề bản quyền được nhiều nghệ sĩ quan tâm. Với NFT, bạn có thể mua một bức tranh hoặc bản nhạc, chuyển chúng thành tệp số, tải lên và gán với một token trên Blockchain để chứng minh quyền sở hữu. Ví dụ bức tranh “Everyday: The First 5000 Days” của nghệ sĩ Beeple đã được bán với giá 69,3 triệu USD.

Token hóa tài sản thật

Đây là một ứng dụng thú vị khác của NFT. NFT có thể biểu thị cho phần nhỏ của tài sản trong thế giới thực, được lưu trữ và giao dịch dưới dạng các token trên Blockchain. Nếu được ứng dụng rộng rãi, nó sẽ giải quyết nhiều vấn đề từ quyền sở hữu trí tuệ đến tăng tính thanh khoản cho các thị trường như mỹ thuật, bất động sản…

Nhận dạng kỹ thuật số

Lĩnh vực này cũng hưởng nhiều lợi ích từ các thuộc tính của NFT. Dữ liệu nhận dạng và quyền sở hữu được lưu trữ trên Blockchain giúp tăng tính riêng tư cho người dùng.

Tiềm năng của NFT trong tương lai

Sự khan hiếm độc lạ của NFT đã mang lại tiềm năng tăng giá không tưởng. NFT bức tranh “Trump” của Hashmasks đã tạo lợi nhuận kỷ lục 100.000% trong 3 ngày. Tỷ phú Mark Cuban, giám khảo chương trình Shark Tank Mỹ cũng đã thu về số tiền khổng lồ từ NFT nhờ bán nội dung số của đội bóng rổ Dallas Mavericks mà mình sở hữu.

Việc sưu tầm thời 4.0 giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn nhờ vào công nghệ Blockchain. Không còn nỗi lo hàng giả hàng nhái, thậm chí việc truy xuất nguồn gốc cũng chỉ cần vài cái nhấp chuột. Ngoài ra, yếu tố độc nhất chắc chắn sẽ thỏa mãn nhu cầu của những nhà sưu tầm thứ thiệt.

Token hóa tài sản trên chuỗi được đánh giá là an toàn và hiệu quả hơn. Thanh toán bằng tiền mã hóa cũng giảm đáng kể các chi phí.

Các dự án NFT nổi bật

Axie Infinity

Hiện đang thu hút nhiều sự chú ý trong những ngày gần đây, game Blockchain này do người Việt phát triển. Theo thống kê của Coinmarketcap, giá trị vốn hóa của game đã vượt mốc 4,97 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc, có những thời điểm, Axie Infinity đã lọt top 30 dự án tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

Token của Axie Infinity mang tên AXS, với 21% nguồn cung hiện nằm trong tay đội ngũ phát triển. Lý do khiến Axie Infinity được quan tâm là vì người chơi có thể kiếm tiền từ việc tham gia game và nhận thưởng. Bạn có thể bán các token thưởng hoặc đổi lấy loại tiền mã hóa khác.

Giao diện trò chơi Axie Infinity do người Việt sáng lập
Giao diện trò chơi Axie Infinity do người Việt sáng lập
Một mảnh đất trong game nft
Một mảnh đất trong game

Decentraland

Đây là nền tảng thực tế ảo do Ethereum hỗ trợ. Người chơi sẽ trao đổi các mảnh đất và vật phẩm NFT trong game. Các mảnh đất khi được mua sẽ có giá trị sở hữu vĩnh viễn, bạn toàn quyền quyết định việc sẽ lao động, học tập thế nào trên đây.

My Crypto Heroes

Trong bảng xếp hạng của các ứng dụng phi tập trung, tựa game này hiện chỉ đứng sau CryptoKitties. Đây là một game nhập vai nhiều người chơi, bạn có thể nâng cấp các anh hùng lịch sử khi tham gia cuộc chiến và thực hiện nhiệm vụ. Được phát hành vào năm 2018, My Crypto Heroes có lượng giao dịch và người dùng hằng ngày đông hơn bất kỳ game trên Blockchain nào khác.

My Crypto Heroes nft game
Nhân vật trong My Crypto Heroes được xây dựng dựa trên những người có thật trong lịch sử
sưu tầm tem với nft
Người chơi có thể sưu tầm những con tem bắt mắt như thế này

Crypto Stamps

Crypto Stamps ra đời với mong muốn kết nối thế giới kỹ thuật số và thế giới thực. Các con tem này có thể được sử dụng như những loại tem vận chuyển thư khác. Điểm khác biệt là chúng được lưu dưới dạng hình ảnh kỹ thuật số trên Blockchain của Ethereum và được giao dịch như vật phẩm sưu tầm.

Rủi ro của NFT là gì?

Đặc điểm bất kỳ ai cũng có thể tạo ra NFT dẫn đến sự xuất hiện của nhiều token vô giá trị. Ngoài ra, sự khan hiếm của một vật phẩm không thể đảm bảo giá trị sẽ tăng trong tương lai. Khi cơn sốt đầu tư NFT hạ nhiệt, người chơi có thể gánh chịu khoản lỗ nặng. Biến động lớn trên thị trường NFT là do chưa có bất kỳ cơ chế định giá tài sản nào. Phí giao dịch của NFT cũng rất cao. 50 USD là mức phí để chuyển quyền sở hữu NFT từ người tạo cho người mua.

rủi ro của nft là gì
Thừa hưởng những ưu điểm của công nghệ Blockchain song NFT không phải không có rủi ro

Nhìn chung, đầu tư NFT là một xu hướng mới và còn tồn tại nhiều rủi ro. Không thể phủ nhận những ứng dụng đa dạng của NFT trong game, nghệ thuật, số hóa tài sản… nhưng nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn thận. Dù đây có lẽ là một lời khuyên đầu tư đã quá quen thuộc nhưng “cẩn tắc vô áy náy”. Thông qua bài viết, tôi mong bạn đọc đã hiểu được NFT là gì cũng như thông tin quan trọng khác.

Trần Đăng Khoa

Tài liệu tham khảo:
Bài viết liên quan:

Tôi là Trần Đăng Khoa, người sáng lập nên cộng đồng Crypto Inner Circle (CIC).
Tôi hy vọng sẽ có dịp đồng hành cùng bạn trên con đường gặt hái thành công
từ thị trường Crypto

MASTER INVESTOR

Trần Đăng Khoa

Bắt đầu hành trình trở thành bậc thầy Crypto ngay hôm nay

Chúng tôi đã giúp hơn 3.000 thành viên đầu tư thành công với hơn 500 thành viên đạt cấp độ Crypto Master