Mỹ giảm nhịp tăng lãi suất, Bitcoin bứt mốc 24.000 USD
Vào rạng sáng ngày 02/02, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố mức điều chỉnh lãi suất mới nhất, theo đó nâng lãi suất tiêu chuẩn thêm 0,25%. Lãi suất cho vay liên bang của Mỹ hiện tại đang là 4,75%, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Có thể thấy Fed đã giữ đúng cam kết giảm nhịp tăng lãi suất trong lần cập nhật mới nhất.
Giá Bitcoin (BTC) tại thời điểm Mỹ ra tin nâng lãi suất không có nhiều biến động mạnh, nguyên nhân là vì thị trường đã dự đoán được việc Fed sẽ giảm tốc nâng lãi suất. Nhưng trong những giờ sau đó, BTC lấy lại đà tăng và có bước nhảy vọt vào khoản 07:30 AM, để rồi tạm thời lập đỉnh mới ở 24.255 USD, mức giá cao nhất tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 08/2022 mà Bitcoin có thể tăng lên trên vùng giá 24.000 USD.
Ethereum (ETH) nhanh chóng bắt được sóng tăng của BTC và chạm đến mốc 1.696 USD, lấy lại hoàn toàn những gì đã mất trong cú sụp đổ của FTX hồi tháng 11 năm ngoái. Các altcoin top đầu trên thị trường lúc này cũng đang tăng với mức biến động 4 ‒ 12%.
Với việc tháng 2 thường là quãng thời gian “êm đẹp” trong lịch sử Bitcoin, cộng với ít có rủi ro biến động từ các tin tức vĩ mô hay nội bộ thị trường Crypto, nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa hy vọng BTC có thể nối dài chuỗi ngày tăng trưởng của mình thêm nữa.
MicroStrategy lỗ 197 triệu USD trong quý 4/2022 vì đầu tư Bitcoin
Một trong những “holder” Bitcoin lớn nhất thế giới MicroStrategy vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với khoản lỗ ròng lên đến 249,7 triệu USD, trong đó thâm hụt từ hoạt động đầu tư Bitcoin là 197,6 triệu USD.
Trước đó, giới phân tích kỳ vọng thu nhập ròng của MicroStrategy rơi vào khoảng 10,7 triệu USD. Nếu đúng như dự đoán, đây sẽ là lợi nhuận hằng quý đầu tiên của công ty này kể từ quý 4/2020. Trên thực tế, doanh thu của công ty phần mềm đã vượt quá mong đợi của các nhà phân tích, đạt 132,6 triệu USD so với 134,5 triệu USD của cùng quý năm ngoái.
Theo kết quả kinh doanh quý 4/2022, khoản lỗ ròng được báo cáo lên đến 249,7 triệu USD, gấp 3 lần cùng kỳ 2021. Trong đó, chỉ riêng việc đầu tư Bitcoin đã làm hao hụt 197,6 triệu USD của MicroStrategy. Cũng trong quý 4, công ty xác nhận đã bán 704 BTC với giá 11,8 triệu USD, cùng lợi nhuận 0,9 triệu USD.
CIC đã đưa tin về việc MicroStrategy quyết định mua thêm 2.500 Bitcoin (44,6 triệu USD). Tính đến hiện tại, công ty phần mềm đang nắm giữ 132.500 BTC – trị giá khoảng 3,13 tỷ USD. Song với giá mua trung bình là 30.481 USD/1 BTC, công ty vẫn đang lỗ hơn 22,57% giá trị đầu tư của mình.
Bên cạnh MicroStrategy thì Tesla của Elon Musk cũng vừa mới đăng tải báo cáo tài chính, trong đó nêu rõ lợi nhuận liên quan đến khoản đầu tư Bitcoin. Kết quả ra sao, bạn có thể đọc thông tin chi tiết tại:
» Elon Musk “quay xe”, khoản đầu tư Bitcoin của Tesla ra sao?
Đồng stablecoin Djed của Cardano chính thức lên mainnet
Djed được chung tay xây dựng bởi nền tảng layer-1 COTI và đội ngũ phát triển cốt lõi của Cardano là Input Output Global trong hơn một năm qua. Vẫn như ban đầu, Djed neo giá 1:1 với đồng USD, được thế chấp quá mức bằng ADA (tương tự đồng DAI) và dùng SHEN làm đồng tiền dự trữ. DJED được bảo chứng bằng ADA và yêu cầu tỷ lệ dự trữ 400 ‒ 800% nhằm giảm thiểu nguy cơ mất mốc giá trị.
Djed sẽ được sử dụng trên các giao thức DeFi trong hệ sinh thái Cardano như một giải pháp thay thế ổn định. COTI tiết lộ sẽ thêm nhiều đồng coin như wrapped BTC (WBTC) và wrapped ETH (WETH) làm sản phẩm thế chấp dùng để đúc Djed trên Cardano. Dự án dự kiến sẽ tích hợp đồng stablecoin thuật toán này vào 40 ứng dụng hệ Cardano. Nhiều sàn giao dịch phi tập trung như MinSwap, Wingriders và MuesliSwap đã bắt đầu hỗ trợ đồng stablecoin này.
Trước cột mốc quan trọng đó, ADA đang tăng nhẹ quanh vùng 0,36 – 0,38 USD, nhưng khối lượng giao dịch 24h lại giảm khoảng 6%. Sau gần 1 ngày ra mắt, tính đến chiều ngày 01/02, đã có hơn 1,7 triệu DJED được phát hành, trong khi SHEN là gần 20,8 triệu token. Tổng cộng đang có 27 triệu ADA, trị giá 10,2 triệu USD, đã được gửi vào hợp đồng của DJED/SHEN để làm tài sản bảo chứng, với tỷ lệ bảo chứng lên đến gần 600%.
MetaMask công bố thay đổi mới liên quan đến dữ liệu người dùng
MetaMask vừa giới thiệu một loạt tính năng mới cho phép người dùng quản lý dữ liệu cá nhân của mình. Các tính năng này gồm quản lý việc dữ liệu người dùng có bị chuyển sang cho bên dịch vụ thứ ba hay không. Ngoài ra, tính năng mới cho phép giảm nguy cơ bị tấn công phishing và giúp giải mã các giao dịch gửi đến.
Việc chuyển đổi giữa các cổng kết nối RPC (Remote Procedure Call) sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong đó, các nhà cung cấp RPC là đơn vị cung cấp node, cho phép ứng dụng như MetaMask kết nối với các Blockchain, giúp truyền tải giao dịch của người dùng lên mạng lưới được hỗ trợ. Người dùng giờ có thể sử dụng cổng RPC tuỳ ý, thay vì cổng mặc định Infura do MetaMask hỗ trợ trước đó. Để thực hiện điều này, người dùng cần vào mục “thiết lập bảo mật nâng cao” – Advanced Privacy Setting, sau đó chọn cổng RPC phù hợp.
Nâng cấp này đến sau khi ConsenSys bị chỉ trích thu thập dữ liệu người dùng thông qua hạ tầng của Infura. ConsenSys là công ty cung cấp phần mềm hỗ trợ Ethereum và là chủ sở hữu của MetaMask lẫn Infura. Theo đó, ConsenSys khẳng định rằng mình không thu thập dữ liệu của người dùng nếu họ sử dụng một cổng kết nối RPC khác.
ImmutableX sắp trình làng hệ thống passport “tất cả trong một” cho mảng game Web3
ImmutableX, nền tảng layer-2 tập trung phát triển game Web3, dự kiến ra mắt Immutable Passport cho các game thủ vào tháng 04/2023. Theo đó, Immutable Passport sẽ hoạt động như một giải pháp xác thực liền mạch, tổng hợp profile người chơi và là ví non-custodial (tức người chơi tự nắm giữ tài sản của mình, nền tảng không thể can thiệp). Tương tự như Xbox Gamertag hay ID Apple, passport sẽ không yêu cầu mật khẩu khi đăng nhập. Ngoài ra, bất kỳ studio nào tích hợp passport sẽ có quyền truy cập đến mạng lưới game thủ đang hoạt động trong hệ sinh thái ImmutableX.
Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Robbie Ferguson của Immutable cho biết: “Để game Web3 đạt được một tỷ người chơi, việc tích hợp phải vô hình, an toàn và hoạt động trên mọi trò chơi, mọi thiết bị. Người chơi có thể đăng nhập chỉ bằng email và mật khẩu dùng một lần – đó sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi và giảm triệt để chi phí thu hút người dùng”.
Mảng game Blockchain đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong những tháng gần đây, với các “ông lớn” như Ubisoft và Square Enix bắt đầu sử dụng Crypto và NFT như một nguồn doanh thu mới cho người sáng tạo. Theo một báo cáo từ DappRadar, việc phát triển và đầu tư vào game Web3 cũng đã tăng đáng kể với số vốn huy động thành công 748 triệu đô vào tháng 08/2022.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 30/01 – 03/02/2023