Ponzi, mô hình Ponzi hay kế hoạch Ponzi thường được nhắc đến như một hình thức lừa đảo “khét tiếng” đã ra đời từ hàng trăm năm nay. Rất nhiều tổ chức và cá nhân trên thế giới cũng như Việt Nam sử dụng Ponzi nhằm trục lợi bất chính từ các nhà đầu tư. Tôi sẽ chia sẻ với bạn rõ hơn để tránh rơi vào chiêu thức lừa đảo này trong bài viết sau.
Lời mở đầu
Bạn thân mến,
Thế giới tiền mã hóa được ví như một vùng đất miễn viễn Tây hoang dã. Chính sự phi tập trung và phi tín nhiệm đã tạo nên bản sắc riêng cho nơi đây, và cái gì cũng có hai mặt của nó, những đặc tính này giúp Crypto trở nên phổ biến hơn nhưng cũng góp phần biến nó thành một vùng đất “màu mỡ” để kẻ xấu hoành hành.
Nếu bạn chưa rõ thị trường tiền mã hóa này cạm bẫy như thế nào thì chuỗi bài viết về cảnh giác lừa đảo Crypto này của CIC chính là nội dung bạn cần phải đọc. Loạt bài này tuy không quá khó khăn để thực hiện, nhưng để có được lượng thông tin như hiện tại, đội ngũ CIC chúng tôi đã dành ra nguồn lực rất lớn để tổng hợp, đánh giá, chắt lọc, và biên soạn nội dung để cung cấp đến cộng đồng.
Những hình thức lừa đảo được tổng hợp trong chuỗi bài viết này được góp nhặt từ khắp mọi nơi, từ trải nghiệm của bản thân tôi và đội ngũ CIC cho đến những chia sẻ từ chính những nạn nhân của các hình thức lừa đảo đó, với mục đích không chỉ là kêu gọi bạn tránh xa các dự án lừa đảo, mà hơn hết, CIC chúng tôi mong muốn mang lại cho bạn những kiến thức nền tảng, những dấu hiệu lừa đảo, để nó trở thành tấm khiên vững chắc nhất giúp bạn tiến xa, xa hơn nữa trong hành trình chinh phục thị trường Crypto đầy chông gai.
Một hình thức tiếp theo mà tôi muốn giới thiệu với bạn không quá mới và ít nhiều chúng ta cũng đã nghe qua trên các phương tiện truyền thông: mô hình Ponzi. Đáng buồn thay, rất nhiều người đã tiền mất tật mang vì chiêu bình cũ rượu mới này.
Mô hình Ponzi là gì?
Nói cho dễ hiểu thì mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ cho người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây. Bị hấp dẫn bởi lợi tức cao, người cho vay lại giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng cách này, kẻ đi vay sẽ vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới.
Người đứng đầu các mô hình tháp Ponzi thường dụ dỗ nhà đầu tư mới bằng cách hứa hẹn về lợi nhuận cao hơn so với các khoản đầu tư khác. Điểm đặc biệt là lợi nhuận ngắn hạn hoặc là cao bất thường hoặc kéo dài một cách bất thường. Những nhà đầu tư mới thường là người ít kinh nghiệm và do đó càng dễ bị lợi nhuận làm mờ mắt.
Nhìn sơ qua thì có vẻ mô hình Ponzi giống một doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp nhưng nó chỉ tồn tại nếu nguồn tiền được rót vào liên tục. Dù tình hình ban đầu như thế nào, việc phải trả lợi nhuận cao đòi hỏi một dòng tiền ngày càng tăng từ các nhà đầu tư mới để duy trì mô hình này. Đến lúc lượng tiền đổ vào không đủ để trả cho những người tham gia thì mô hình cũng sẽ sụp đổ.
Phương thức hoạt động
Trước khi đi vào tìm hiểu về phương thức hoạt động, tôi muốn nói qua với bạn về những thành phần trong mô hình Ponzi. Có 3 đối tượng gồm:
- Schemer: Chính là người đứng sau toàn bộ hệ thống lừa đảo này. Họ thường xây dựng vỏ bọc thành đạt, giàu có để dẫn dụ nhà đầu tư tham gia góp vốn.
- Investor: Đây chính là người bị các schemer “chăn dắt” đầu tư vào mô hình Ponzi. Họ không cần phải làm gì mà vẫn nhận hoa hồng của những người đến sau.
- Ponzi Introducing Investor: Công việc chính của họ là giới thiệu thêm càng nhiều investor càng tốt để nhận hoa hồng. Tiền này được schemer lấy từ túi investor để trả cho họ.
Bây giờ, hãy nói về phương thức hoạt động của Ponzi.
Một người đứng ra quảng bá về cơ hội đầu tư mà người tham gia phải góp vốn trước. Người này cam kết trả lại toàn bộ vốn cùng lợi nhuận cao trong thời gian cụ thể. Ví dụ kêu gọi được thêm hai nhà đầu tư thì schemer sẽ lấy tiền của hai người này để trả cho những người đã tham gia trước. Những người đến trước thấy lợi nhuận hấp dẫn nên quyết định tái đầu tư, đồng thời kêu gọi thêm người khác tham gia mô hình Ponzi. Hệ thống trở nên lớn mạnh hơn và schemer phải “lùa” thêm “gà” để có đủ tiền chi trả. Một khi không còn tìm được nhà đầu tư mới thì kẻ khởi xướng sẽ ôm tiền bỏ chạy, người tham gia chịu tổn thất lớn nhất.
Câu chuyện ra đời của mô hình lừa đảo Ponzi
Charles Ponzi hay Carlo Ponzi (phát âm theo tiếng Ý) đã áp dụng mô hình nói trên vào năm 1920. Dù ý tưởng về cách lừa đảo này đã xuất hiện trong các tiểu thuyết Martin Chuzzlewit năm 1844 và Little Dorrit năm 1857 của Charles Dickens nhưng Ponzi là người đầu tiên thực hiện trong đời thực. Ponzi lấy được nhiều tiền đến nỗi mô hình trở nên nổi tiếng trên toàn nước Mỹ và còn được đặt theo tên ông ta.
Kế hoạch ban đầu của Ponzi là dùng phiếu hồi đáp quốc tế IRC để trả tiền tem. Vào thời điểm này, các phiếu hồi đáp quốc tế cho phép người gửi bưu chính thanh toán trước phí tem cho người nhận khi gửi thư hồi đáp. Người nhận lấy phiếu đó đến bưu điện để đổi lấy tem bưu chính bằng đường hàng không ưu tiên và gửi thư hồi âm.
Lợi dụng sự mất giá tiền tệ của các nước so với Mỹ, Ponzi đã thuê mướn nhiều đại lý để mua các phiếu hồi đáp quốc tế ở các nước khác với giá rẻ và gửi tới Mỹ. Sau đó, ông ta đổi phiếu này lấy tem thư rồi đem bán kiếm lời. Kiểu mua bán này là một hành vi đầu cơ chênh lệch nhưng không phạm pháp. Mọi chuyện chỉ trở nên rắc rối hơn khi ông ta tham lam và mở rộng mô hình kinh doanh nói trên.
Công ty Giao dịch Chứng khoán (Securities Exchange Company) do Ponzi “điều hành” hứa hẹn lợi nhuận 50% trong 45 ngày và 100% trong 90 ngày. Nhà đầu tư lập tức bị thu hút bởi thành công ấn tượng của ông ta trong lĩnh vực tem thư. Tuy nhiên, thay vì đem tiền đi đầu tư thì Ponzi chỉ đem nó để trả lãi cho người cũ và lấy phần còn lại xem như lợi nhuận. Mô hình lừa đảo này tồn tại đến năm 1920 cho đến khi sụp đổ vì bị điều tra nhưng cũng đủ để hắn lừa hơn 20 triệu USD.
Có người đặt vấn đề liệu Bitcoin có phải là một dạng mô hình kim tự tháp Ponzi không?
Hãy đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời cho mình:
Ponzi Scheme | Binance Academy
7 dấu hiệu nhận biết mô hình Ponzi
Các hình thức lừa đảo sử dụng mô hình tháp Ponzi đều có các đặc điểm tương tự như sau:
- Hứa hẹn đầu tư làm giàu nhanh.
- Cam kết lợi nhuận cao đi kèm rủi ro ít (thậm chí không có).
- Hứa hẹn lợi nhuận ổn định bất kể thị trường biến động ra sao.
- Hình thức đầu tư không được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền có uy tín hoặc không có giấy phép.
- Các hình thức hoặc chiến lược đầu tư của tổ chức đều được cho là bí mật hoặc được mô tả rất rắc rối.
- Người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của mình.
- Rất khó rút tiền một khi đã đầu tư.
Bạn có thể dựa vào những dấu hiệu trên để áp dụng cho thị trường tiền mã hóa, đặc biệt là các mô hình đầu tư ủy thác, từ đó đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt nhất.
Cách phòng tránh mô hình Ponzi khi đầu tư Crypto
Chiêu trò lừa đảo thì có muôn hình vạn trạng và Ponzi cũng vậy. Tuy nhiên, nói vậy không phải là nhà đầu tư Crypto không có cách để phòng tránh mô hình Ponzi. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Bạn cần đặc biệt cẩn thận trước những lời chào mời về cơ hội đầu tư “ngon ăn”. Trong một thị trường biến động như tiền mã hóa thì những kẻ xấu luôn rình rập và chờ đợi con mồi sập bẫy. Hãy nhớ: lợi nhuận càng cao thì rủi ro đi kèm càng cao.
- Luôn tìm hiểu thông tin liên quan đến dự án: white paper, đội ngũ phát triển, tầm nhìn, công nghệ, lộ trình phát triển…
- Bên cạnh các thông tin cơ bản, nhà đầu tư Crypto cũng cần đọc và chú ý những số liệu thực tế liên quan đến báo cáo tài chính, sổ sách, số liệu thông tin đầu tư…
- Tìm thông tin về dự án trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Đã có nhiều mô hình Ponzi thành công lấy đi tài sản của hàng trăm người nhưng chỉ được nhắc đến trên một kênh duy nhất. Việc được nhiều nguồn đưa tin cũng phần nào cho thấy sự đáng tin cậy của dự án, đương nhiên còn phụ thuộc vào uy tín của nguồn tin.
- Chỉ đầu tư dựa trên dữ liệu phân tích, cơ sở rõ ràng thay vì nghe lời hay tin tưởng bất cứ ai. Tiền là của bạn, rủi ro thì cũng chính bạn phải chịu.
Nhìn chung, cách tốt nhất để bảo vệ chính mình trước những chiêu trò lừa đảo nói chung và mô hình Ponzi nói riêng là tự trang bị kiến thức và luôn cảnh giác trước mọi lời mời gọi trên trời rơi xuống. Vậy bạn có thể tích lũy kiến thức ở đâu? Xin giới thiệu với bạn bộ Cẩm nang Crypto do chính tôi cùng CIC biên soạn nhằm cung cấp cho nhà đầu tư Crypto tư duy và kiến thức chuẩn chỉnh. Các bài viết được sắp xếp theo cấp độ từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp cho nhiều đối tượng với mục tiêu khác nhau. Khám phá ngay bộ cẩm nang này:
Cẩm nang Đầu tư Crypto cho người mới bắt đầuNgoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn trải nghiệm dịch vụ CIC 10 ngày miễn phí. Trong 10 ngày, bạn sẽ được học khóa học Đầu tư Crypto 4.0 Cơ bản do tôi trực tiếp giảng dạy, đồng thời truy cập hơn 60 bài viết chất lượng độc quyền. Dù chỉ là trải nghiệm miễn phí nhưng bạn vẫn được hỗ trợ bất cứ khi nào gặp vấn đề. Để lại thông tin để đội ngũ tư vấn CIC liên hệ và tạo tài khoản trải nghiệm tại đây:
10 ngày dùng thử dịch vụ CIC miễn phí
Một số vụ lừa đảo nổi cộm bằng mô hình Ponzi
Mục đích của tôi khi liệt kê những vụ lừa đảo này là để bạn biết rằng dù ở Việt Nam hay thế giới, nhà đầu tư Crypto luôn có thể bị lừa với mô hình Ponzi. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy những “dự án trong mơ” này đều có các điểm chung như hứa hẹn lợi nhuận khủng, chính sách hoa hồng khi giới thiệu người mới, những lời quảng cáo có vẻ phi thực tế… Hy vọng sau khi đọc những ví dụ này, bạn sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm để tránh rơi vào bẫy của mô hình lừa đảo Ponzi.
Trên thế giới
- Một trong những vụ lừa đảo Ponzi lớn nhất không gian Crypto là BitConnect. Ra mắt năm 2016, BitConnect được giới thiệu như một giải pháp cho vay Bitcoin hứa hẹn lợi nhuận khá phi lý là 40%/tháng. Nhà đầu tư phải mua token BCC, khóa chúng trên nền tảng và để cho trading bot dùng số tiền này giao dịch. Giá token này giảm từ gần 500 USD xuống dưới 1 USD sau khi vụ việc bị phanh phui.
- OneCoin có lẽ là vụ lừa đảo dùng mô hình Ponzi dài hơi nhất trong ngành công nghiệp tiền mã hóa. Kẻ sáng lập Ruja Ignatova còn tuyên bố OneCoin là “thứ tiêu diệt Bitcoin”. Bà đã tìm cách thu hút các nhà đầu tư suốt từ năm 2014 đến 2019, thu về 5,8 tỷ USD. Đến đầu tháng 07/2022, Ignatova chính thức bị FBI đưa vào danh sách 10 đối tượng cần truy nã gắt gao nhất.
Tại Việt Nam
- Dự án iFan, Pincon (tháng 12/2017): Dự án này cho ra mắt hai đồng tiền iFan và Pincoin và kêu gọi người tham gia. Về bản chất thì chúng là cổ phiếu có giá trị nhưng lại được phát hành dưới dạng tiền mã hóa để thu tiền nhanh hơn và qua mặt Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Nhà đầu tư được hứa hẹn lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ai lôi kéo được người mới tham gia sẽ nhận thêm 8% nữa. Dự án núp bóng mô hình Ponzi này đã lừa đảo hơn 32.000 nhà đầu tư với số tiền 15.000 tỷ đồng.
- Dự án Bitkingdom (tháng 11/2015): Theo giới thiệu, Bitkingdom là hệ thống có sự khớp lệnh giữa người mua và người bán với nhiều gói sản phẩm, lợi nhuận lên đến 30%/tháng. Mời được càng nhiều người tham gia thì hoa hồng nhận được càng lớn. Nhưng sau đó Bitkingdom đã sập và số tiền hàng nghìn tỷ đồng cũng không đòi lại được vì không biết tìm ai để đòi.
- Mô hình tháp Ponzi trên sàn giao dịch vàng Tradenew.io (2018): 12.000 người đã mắc bẫy với số tiền 4,3 tỷ USD. Sàn này tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo nhằm tuyên truyền. Nếu người tham gia ký cam kết vào các bảng quản lý vốn thì giao dịch sẽ có lợi nhuận 1 ‒ 3%, thua sẽ được hoàn lại vốn tới 90%. Chính sách hoa hồng cũng được áp dụng nếu F1 tìm được các F2, F3, F4…
- Lừa đảo huy động vốn trên sàn Auto Ads (tháng 10/2021): Người tham gia đăng ký tài khoản trên website và nạp tiền theo 9 mức từ 180.000 đồng đến 99.000.000 đồng. Hoa hồng được áp dụng như sau: giới thiệu trực tiếp F1 được 16%, giới thiệu gián tiếp F2 được 8%, F3 là 4% (trên số tiền tương ứng đã nạp). Sau một thời gian, mô hình Ponzi này cũng lộ bản chất khi ban quản trị đánh sập hệ thống và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Qua bài viết này, tôi hy vọng nhà đầu tư Crypto luôn ý thức bảo vệ chính mình khỏi những chiêu trò lừa đảo ngày một nhiều và tinh vi hơn. Mô hình Ponzi tuy không mới nhưng mỗi vụ vẫn “bẫy” được hàng ngàn nạn nhân và không có dấu hiệu dừng lại. Nhận biết những đặc điểm của hình thức này cộng với việc phân tích kỹ càng, liên tục nâng cao kiến thức thông qua những nguồn đáng tin cậy như CIC, tôi tin bạn sẽ vững vàng trước mọi chiêu trò trên thị trường Crypto.
Thị trường Crypto ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc các dự án lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn, vậy nên bạn hãy bình tĩnh, sáng suốt và thận trọng khi tham gia vào một dự án hay chương trình tặng coin nào đó, dù rằng nó miễn phí. Khi thấy bất cứ một dấu hiệu khả nghi nào có khả năng làm ảnh hưởng đến tài sản của mình, hãy tránh xa. Bạn mới là người có quyền kiểm soát và định đoạt tài sản của chính mình chứ không phải ai khác.
Đội ngũ CIC và tôi luôn cố gắng cập nhật thông tin về thị trường sớm nhất để cảnh báo thành viên. Ngoài ra, cộng đồng đông đảo của CIC cũng kịp thời chia sẻ nhau những cơ hội cũng như những các mối nguy về lừa đảo. Để tìm hiểu kỹ hơn dịch vụ của CIC, bạn có thể truy cập những bài viết sau:
» Hành Trình Bậc Thầy Crypto Của CIC
Cuối cùng, tôi tin rằng bạn sẽ luôn cẩn trọng và giữ được sự an toàn cho bản thân cũng như tài sản của mình. Chúc bạn thành công và luôn vững tiến trên hành trình đầu tư của mình.
Trần Đăng Khoa