Sau khi thị trường tiền mã hóa sụt giảm gây tổn thất cho Microstrategy, CEO Michael Saylor có động thái trấn an nhà đầu tư
CEO của MicroStrategy (MSTR), Michael Saylor, tự tin rằng việc nắm giữ BTC của công ty có nhiều mục đích hơn là chỉ để trang trải cho một cuộc gọi ký quỹ (margin call) đối với các khoản vay được hỗ trợ bằng Bitcoin.
Gã khổng lồ phần mềm và trí tuệ kinh doanh của Mỹ đã gây chú ý vào năm 2021 với một số khoản đầu tư lớn vào tiền mã hóa Bitcoin. Saylor là động lực thúc đẩy MicroStrategy quyết định chuyển đổi kho dự trữ tiền pháp định của mình sang nắm giữ BTC.
Thị trường toàn cầu đã bị thiệt hại lớn vào đầu tháng 5 và cổ phiếu của MSTR cũng không tránh khỏi. Cổ phiếu MSTR đã giảm 24% giá trị và giá Bitcoin cũng giảm đáng kể cùng với toàn thị trường tiền mã hóa.
Đây là nguyên nhân gây lo ngại, vì công ty con của MSTR là MacroStrategy đã nhận khoản vay 205 triệu đô la từ Ngân hàng Silvergate vào tháng 03/2022, sử dụng một phần Bitcoin của MSTR làm tài sản thế chấp. Sau đó, MSTR đã sử dụng số tiền thu được để tiếp tục chiến lược mua lại BTC của công ty.
Nếu giá BTC giảm quá thấp sẽ kích hoạt một cuộc gọi ký quỹ đối với khoản vay Silvergate, do giá trị của tài sản thế chấp giảm xuống. Đó là tâm điểm của cuộc gọi thu nhập của công ty vào tháng 5. CFO Phone Le của công ty xác nhận rằng họ sẽ phải bán một số tiền mã hóa Bitcoin nếu giá của đồng tiền này giảm xuống dưới $21.000.
Saylor đã đăng bài trên Twitter vào ngày 10/05 để trấn an các nhà đầu tư về khả năng trang trải nợ của công ty. Khoản vay 205 triệu đô la của MacroStrategy cần tài sản thế chấp 410 triệu đô la. Với 115.109 BTC là tài sản thế chấp có sẵn để cam kết thực hiện khoản vay, Saylor lưu ý rằng giá trị của Bitcoin sẽ phải giảm xuống dưới $3.562 mới khiến công ty cạn kiệt BTC để hoàn trả khoản vay.
Vào tháng 08/2021, công ty đã gây sóng gió khi quyết định phân bổ một phần vốn khá lớn trực tiếp vào việc nắm giữ tiền mã hóa Bitcoin. Khoản đầu tư 250 triệu đô la ban đầu đã được thực hiện sau khi đáp ứng xong các nghĩa vụ với cổ đông, thu mua được 21.454 BTC vào quỹ công ty. Vào thời điểm đó, Saylor chỉ ra rằng khoản đầu tư được thúc đẩy bởi niềm tin của công ty rằng Bitcoin là “một kho lưu trữ giá trị đáng tin cậy và một tài sản đầu tư hấp dẫn với tiềm năng tăng giá lâu dài hơn so với việc giữ tiền mặt”.
Có lẽ đáng chú ý hơn là việc Saylor nhấn mạnh rằng Bitcoin là một khoản đầu tư vượt trội so với việc nắm giữ tiền tệ fiat và công ty đã biến Bitcoin thành tài sản chính trong chiến lược dự trữ tài sản của mình.
MSTR đã thực hiện một giao dịch mua Bitcoin đáng kể khác vào tháng 09/2020, thêm 16.796 BTC với tổng số tiền là 175 triệu đô la. Công ty tiếp tục mua thêm BTC từ đó – thậm chí CitiBank đã đưa ra quyết định hạ cấp cổ phiếu của MSTR từ nhận định “trung lập” xuống “bán” sau khi công ty quyết định đưa Bitcoin thành tài sản dự trữ chính.
The Big Four sẽ tiến vào lĩnh vực tiền mã hóa và Blockchain
The Big Four là một biệt danh chỉ 4 công ty kiểm toán lớn nhất hiện nay là Deloitte, Ernst & Young, KPMG and PwC. Bốn ông lớn này cùng các công ty trong Fortune 500 đang làm việc với một số công ty Blockchain và Crypto trong cuộc chiến về quy định, thách thức về khả năng tương tác, mô hình đồng thuận và phát triển công nghệ.
PwC đã thành lập một nhóm chuyên gia về tiền mã hóa ở 20 nước, gồm 200 người. Henri Arslanian, dẫn dầu nhóm chuyên gia đã tiết lộ PcW vừa dẫn đầu trong vòng gọi vốn 14 triệu USD cho một công ty Crypto ở Thụy Sĩ. Họ cũng là đơn vị kiểm toán cho BC Group, một công ty được niêm yết công khai ở Hồng Kông.
Năm ngoái, KPMG đã giúp Microsoft, Tomia và R3 tạo ra một giải pháp Blockchain ngành công nghiệp viễn thông cho mạng lưới 5G.
Công ty Ernst & Young (EY) đang thúc đẩy sự đổi mới trong không gian Blockchain. Họ đang làm việc với Microsoft và Consensys để phát triển một Blockchain mã nguồn mở được gọi là Baseline Protocol chạy trên mạng lưới Ethereum.
Công ty Deloitte và Diễn đàn Kinh tế Thế giới gần đây cũng đã phát hành một báo cáo về khả năng tương tác của Blockchain. Báo cáo này chỉ ra chìa khóa giúp cho sự phát triển của Blockchain trong tương lai là tất cả những công nghệ này được liên kết với nhau trong cùng một framework.
Công tác kiểm toán giống như việc làm rõ ràng các quy định, mang đến sự tự tin cho người nắm giữ cổ phần cũng như token của dự án, rằng những công ty mà họ đầu tư vào có sự minh bạch và đang tuân thủ những quy định trong ngành. Khi lĩnh vực kinh doanh tài sản số (như tiền mã hóa) ngày càng phát triển hoàn thiện, các quy định sẽ phải ngày càng được tuân thủ một cách nghiêm khắc hơn. Khi đó, nhà kiểm toán sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chơi này.
Instagram thử nghiệm NFT, Facebook cũng có kế hoạch tương tự
Trong cuộc trò chuyện với Tom Bilyeu, một doanh nhân trong mảng web3, CEO Mark Zuckerberg của Meta tiết lộ rằng Instagram đã bắt đầu thử nghiệm NFT. Một trong những nền tảng khác của Meta là Facebook sẽ sớm áp dụng các chức năng tương tự. Zuckerberg cho biết thêm, NFT thực tế tăng cường sẽ được đưa lên Instagram Stories thông qua công nghệ Spark AR của công ty, cho phép người dùng chiếu hình ảnh thuật kỹ thuật số vào không gian vật lý.
Trong một video được đăng vào thứ Hai, người đứng đầu Instagram, Adam Mosser, xác nhận rằng một nhóm người dùng chọn lọc ở Mỹ sẽ có thể sử dụng các tính năng NFT trên feed, story và tin nhắn của họ. Thông tin chi tiết về NFT (được đặt tên là “bộ sưu tập kỹ thuật số”) sẽ được hiển thị tương tự như các cấu hình và sản phẩm được tag. Người dùng có thể nhấp vào chúng và truy cập thông tin liên quan đến người tạo và chủ sở hữu các NFT này.
Khi quảng bá các chức năng mới, Adam cũng nhận xét về sự căng thẳng giữa các công ty lớn như Instagram và các công ty Web3 hoạt động theo nguyên tắc phân quyền.
“Tôi muốn thừa nhận thẳng thắn rằng NFT và công nghệ Blockchain và nói rộng hơn là Web3 đều nhằm phân phối niềm tin, phân phối quyền lực. Nhưng về cơ bản, Instagram là một nền tảng tập trung, vì vậy chúng tôi cũng khá áp lực”.
Instagram sẽ cho phép người dùng chia sẻ NFT bằng cách liên kết các ví kỹ thuật số của bên thứ ba bao gồm Rainbow, MetaMask và Trust Wallet, trong khi liên kết với Coinbase, Dapper và Phanton sẽ sớm ra mắt. Được biết, các NFT được xây dựng trên các Blockchain chính, chẳng hạn như Ethereum, Polygon, Solana và Flow, có thể được hiển thị trên Instagram vì chúng chiếm phần lớn thị trường.
Meta xác nhận rằng người dùng sẽ không bị tính phí khi đăng NFT. Dự kiến, việc triển khai tính năng mới này sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc áp dụng NFT và ví tiền mã hóa chính thống, vì Instagram có hơn một tỷ người dùng trên khắp thế giới.
Mặc dù thừa nhận Web3 vẫn còn lâu mới trưởng thành, Zuckerberg tuyên bố rằng các ứng dụng Web3 sẽ đạt được thành tựu trong 5 năm nữa. CEO Meta nhấn mạnh việc giới thiệu NFT trên Instagram là một bước mà các nền tảng khác của Meta sẽ sớm làm theo. Mục đích là giúp các nhà sáng tạo nội dung có một sân chơi mới.
Vào tháng 3, một báo cáo của Deutsche Bank gợi ý rằng việc triển khai công nghệ NFT trên Instagram có khả năng tiếp thêm sinh lực cho toàn bộ thị trường và biến nó trở thành xu hướng phổ biến vì đơn giản hóa quá trình giao dịch với các tài sản NFT và giảm bớt những rào cản trong việc tiếp cận chúng.
Trung Quốc dần chính thức đưa Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vào sử dụng
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (hay e-CNY) là tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBDC), đã bắt đầu thử nghiệm công khai vào tháng 10/2020 và hiện đang thử nghiệm tại 23 thành phố tại quốc gia này.
Hiện tại, đồng tiền này đang được chấp nhận trên xe điện của thành phố Quảng Châu và có thể được sử dụng để nạp tiền vào thẻ giao thông công cộng của thành phố Hạ Môn, khi các đô thị tham gia vào mạng lưới mở rộng các thành phố sử dụng tiền kỹ thuật số.
Theo truyền thông địa phương Quảng Châu, hành khách trên tuyến xe điện 1 của thành phố hiện có thể thanh toán tiền vé bằng mã QR của ứng dụng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Tại Hạ Môn, truyền thông cũng đưa tin rằng bắt đầu từ ngày 06/05, người dân có thể sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số nạp vào thẻ để thanh toán tiền vé đi các phương tiện giao thông công cộng của thành phố. Người dân cũng có thể thanh toán tiền vé bằng mã QR qua ứng dụng thanh toán của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố tổng số giao dịch sử dụng e-CNY đạt 87,565 tỷ nhân dân tệ (11,238 tỷ USD) tính đến cuối năm 2021.
Trung Quốc sau khi có một loạt lệnh cấm khai thác cũng như mua bán tiền mã hóa thì hiện tại đang là một trong số rất ít những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng đồng tiền kỹ thuật số của chính phủ vào nền kinh tế của đất nước.
Đại học Bentley chấp nhận thanh toán học phí bằng Bitcoin và Ethereum
Đại học Bentley có trụ sở tại Mỹ hiện đang chấp nhận thanh toán học phí bằng tiền mã hóa, giúp nơi đây trở thành một trong những trường đại học đầu tiên cung cấp tùy chọn thanh toán học phí theo hình thức này.
Theo một thông báo vào đầu tuần này, trường cho biết họ đang ra mắt tùy chọn kỹ thuật số mới cho sinh viên nhằm khẳng định “cam kết lâu dài của mình trong việc dẫn đầu áp dụng sớm các công nghệ thay đổi thế giới kinh doanh”.
Trường đại học này tuyên bố rằng họ đang hợp tác với sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase, công ty sẽ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và lưu ký.
“Chúng tôi đang hợp tác với sàn giao dịch Coinbase để chấp nhận 3 loại tiền mã hóa là Bitcoin, Ethereum và stablecoin USDC trong thanh toán học phí, giúp sinh viên và gia đình của họ có thêm cách thức thanh toán mới”.
Đại học Bentley cũng đã trở thành cơ sở đào tạo đầu tiên có hiệp hội Blockchain do sinh viên lập nên mang tên Hiệp hội Bentley Blockchain.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 09 – 13/05/2022