“Fan cứng” MicroStrategy tiếp tục mua 150 triệu USD Bitcoin
Tối ngày 27/03, Chủ tịch Michael Saylor của công ty MicroStrategy tuyên bố đơn vị này đã thực hiện khoản đầu tư Bitcoin đầu tiên kể từ tháng 12/2022. Cụ thể, MicroStrategy đã bỏ ra 150 triệu USD để mua thêm 6.455 BTC, với mức giá trung bình chỉ là 23.238 USD/BTC. Tính đến hiện tại, công ty này đang nắm giữ 138.955 BTC, trị giá 4,14 tỷ USD.
Ngoài ra, MicroStrategy còn thông báo trả toàn bộ khoản vay 205 triệu USD cho Silvergate Bank, ngân hàng thân thiện với Crypto đã dừng hoạt động đầu tháng 3, song chỉ phải thanh toán 160 triệu USD (tức được giảm đến 22% giá trị vay). Với việc giá BTC phục hồi ấn tượng kể từ đầu năm 2023, danh mục đầu tư Bitcoin khổng lồ của MicroStrategy từ lúc lỗ 45% vào cuối năm 2022 hiện chỉ còn khoảng gần 9% nữa là sẽ “huề vốn”.
Sau tin tức này, giá BTC giảm nhẹ về dưới 27.000 USD nhưng đến thời điểm CIC viết bài thì đã quay lại mốc 28.000 USD.
CFTC kiện Binance và CEO Changpeng Zhao, sàn tiếp tục đối mặt với áp lực rút tiền từ khách hàng
Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn Mỹ (CFTC) đã đâm đơn kiện sàn Binance cùng CEO Changpeng Zhao (CZ) với cáo buộc vi phạm quy định giao dịch phái sinh. Đơn kiện của CFTC bao gồm nhiều đoạn tin nhắn nội bộ của Binance, cho thấy rõ việc sàn đã xử lý cho các giao dịch của tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố như phong trào Hồi giáo Hamas, cũng như xử lý giao dịch cho người dùng đến những nền tảng bị cấm như chợ đen online Hydra.
Binance còn được cho là không áp dụng nghiêm ngặt chính sách ngăn không cho người dùng Mỹ giao dịch trên sàn khi không thể chặn được hình thức sử dụng VPN để truy cập Binance.com. Sàn bị cáo buộc là chủ động thông báo trước cho những người dùng VIP về việc tiền của họ có thể bị giới chức nhắm đến để những người dùng này có thời gian rút tài sản đi. Binance còn bị cáo buộc điều hành đơn vị giao dịch riêng gồm 300 tài khoản, đều trực tiếp hoặc gián tiếp nằm dưới sự chỉ đạo của CZ
CFTC muốn tòa án xử phạt hành chính Binance, thu hồi lợi nhuận kiếm được trong quãng thời gian vi phạm, cấm giao dịch vĩnh viễn và đăng ký tài khoản trong mảng giao dịch hàng hóa, cũng như những hình phạt khác nếu bị phát hiện tái phạm. CFTC được cho là đã điều tra Binance từ cuối năm 2021 vì để người dùng Mỹ giao dịch phái sinh Crypto nhưng không đăng ký lên cơ quan này.
CZ cho rằng hành động pháp lý mà CFTC hạn nhắm vào tổ chức của mình là đáng thất vọng, trong khi sàn đã liên tục hợp tác với họ trong hơn 2 năm qua. Ông cũng lưu ý đơn kiện của CFTC đã bỏ qua nhiều chi tiết và sự kiện. CZ khẳng định Binance luôn tìm kiếm các giải pháp thân thiện cho mọi vấn đề, đặc biệt là với các cơ quan quản lý và chính phủ toàn thế giới.
Kể từ khi vụ việc được công bố vào ngày 27/03, người dùng đã rút ròng 900 triệu USD khỏi Binance. Trên thang đo 7 ngày, con số này là 2 tỷ đô, trong khi dòng vốn gửi lên sàn chỉ ở khoảng 353 triệu USD. Song đây không phải là lần đầu tiên Binance đối mặt với làn sóng thoái vốn. Trong quá khứ, từng có thời điểm sàn xử lý đến 3 tỷ đô rút ròng mỗi ngày.
Polygon zkEVM ra mắt, Vitalik Buterin thực hiện giao dịch đầu tiên
Sau thời gian dài chờ đợi, Polygon vừa chính thức ra mắt mainnet cho giải pháp Zk-Rollups của mình là Polygon zkEVM. Đáng chú ý, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin sẽ là người thực hiện giao dịch đầu tiên trên mạng lưới này.
Mạng lưới với tên gọi Polygon zkEVM đã được phát triển trong một năm vừa qua, với tham vọng cung cấp giải pháp mở rộng cho Ethereum. Với cơ chế Zk-Rollups, layer-2 này sẽ thực hiện các tính toán ngoài chuỗi (off-chain), nhằm tăng tốc độ xử lý và giảm chi phí cho mỗi giao dịch. Đồng thời, giải pháp của Polgyon vẫn sẽ thừa hưởng được tính bảo mật của Ethereum.
“Với zkEVM, bạn sẽ có thể deploy nhiều ứng dụng Ethereum mà không cần tinh chỉnh quá nhiều, song song đó là tái sử dụng toàn bộ công cụ phát triển trên Ethereum như Remix hay các thao tác như kết nối ví. Gần 6.000 smart contract đã được triển khai trên testnet, không cần tinh chỉnh nhưng vẫn không bắt gặp vấn đề lớn” ‒ đồng sáng lập Mihailo Bjelic chia sẻ.
Quá trình triển khai Polygon zkEVM đã thu hút hơn 50 dự án tiền mã hoá, trải dài từ các mảng Web3, gaming lẫn các Dapp phổ biến. Các dịch vụ hỗ trợ như ví và trình duyệt dữ liệu cũng đã thông báo hỗ trợ giải pháp mới này từ Polygon. Các ứng dụng phổ biến như Uniswap hay Aave cũng đã triển khai các đề xuất quản trị nhằm thúc đẩy quá trình triển khai sản phẩm trên Mainnet Beta của Polygon zkEVM.
Nội dung này đề cập đến một số khái niệm tương đối ít thân quen với nhiều người. Bạn có thể đọc thêm bài viết sau đây để hiểu tầm quan trọng của zkEVM:
Cộng đồng MakerDAO phê duyệt kế hoạch “Endgame”
Đề xuất tiến đến Endgame của Maker đã được chính thức thông qua vào ngày 27/03 với tổng 76% phiếu thuận và 24% phiếu chống, theo diễn đàn quản trị của dự án. Đề xuất bao gồm bộ nguyên tắc cải cách bộ máy hoạt động MakerDAO gọi là “Hiến pháp”, được đưa ra bởi nhà sáng lập Rune Christensen.
Endgame được đề xuất lần đầu tháng 06/2022. Về cơ bản, Endgame được hiểu như một chiếc la bàn để xác định hướng đi mới cho giao thức. Thay đổi lớn nhất mà kế hoạch đề ra chính là việc phân tách MakerDAO thành các đơn vị nhỏ hơn gọi là MetaDAO. Những MetaDAO này sẽ trở thành các thực thể riêng biệt, tự quản với token riêng của chúng, nhưng vẫn thuộc hệ sinh thái MakerDAO.
Bên cạnh đó, Endgame được phê duyệt đánh dấu khởi đầu hành trình “thả nổi” giá trị DAI, biến nó thành stablecoin phi tập trung hoàn toàn và không bắt buộc neo giá 1 USD nữa. Kế hoạch này cũng nhằm mục đích tăng trưởng doanh thu cho nền tảng bằng cách đầu tư một phần trong khoản dự trữ hơn 7 tỷ USD vào tài sản trong thế giới thực và quỹ thị trường. Đây có thể xem là một bước phát triển mới đầy triển vọng nhưng không kém phần thử thách cho MakerDAO.
USDC chuẩn bị ra mắt trên Blockchain Cosmos
Đồng stablecoin USDC của Circle sắp sửa có mặt trên Blockchain Cosmos, trở thành stablecoin được ra mắt thứ 2 sau đồng stablecoin thuật toán đã sụp đổ UST trên chuỗi này. USDC sẽ được tích hợp lên Noble ‒ một chuỗi phát hành thuộc Cosmos. Đây cũng là lần đầu tiên 50 Blockchain trong hệ sinh thái IBC (Inter-Blockchain Communication) của Noble được tiếp xúc với USDC.
Noble cho biết: “Sự tích hợp này sẽ là chất xúc tác cho hàng trăm triệu USD thanh khoản trong những tháng tới trên Cosmos. Nó là giải pháp khắc phục những thách thức mà người dùng và Blockchain gặp phải khi tương tác với các tài sản có nguồn gốc từ các hệ sinh thái khác”.
Ý định mở rộng USDC sang Cosmos được Circle công bố lần đầu vào tháng 09/2022. Lúc này Circle đã tiết lộ về kế hoạch sẽ tích hợp USDC lên 4 chuỗi khác nữa là Arbitrum, NEAR, Optimism và Polkadot.
USDC vừa sụt giảm 15% vốn hoá thị trường trong thời gian qua. Stablecoin này đã trải qua một đợt depeg nghiêm trọng về tận 0,87 USD bởi tin tức Silicon Valley Bank sụp đổ. Dù đồng coin đã nhanh chóng phục hồi về mốc 1 USD nhưng đã ít nhiều đánh mất niềm tin từ nhà đầu tư.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 27 – 31/03/2023