Khối lượng giao dịch thường bị các nhà đầu tư, đặc biệt là người mới tham gia vào thị trường bỏ qua nhưng đây lại là một thông số kỹ thuật đáng giá.
Ở mức độ phân tích kỹ thuật cơ bản, bạn nên tập trung vào những công cụ, chỉ báo đơn giản, dễ sử dụng và được nhiều người biết đến. Tôi sẽ đề cập đến khối lượng giao dịch, một công cụ giúp nhận định thị trường để lựa chọn những điểm mua bán hiệu quả.
Khối lượng giao dịch là gì?
Khối lượng giao dịch (volume) là chỉ số đơn vị cổ phiếu hoặc hàng hóa đã được giao dịch trên thị trường trong khoảng thời gian nhất định như một giờ/ngày/tuần. Nó còn có thể chỉ ra mức thanh khoản của cổ phiếu hoặc cả thị trường.
Nếu cổ phiếu được giao dịch 50 lần trong một ngày thì khối lượng trong ngày là 50. Theo ước tính, có đến hàng tỷ giao dịch được thực hiện mỗi ngày tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
Khối lượng là thước đo cung cầu nên sẽ có các trạng thái cân bằng, cung vượt cầu và ngược lại.
Trường hợp mất thanh khoản có thể xuất hiện khi lượng cung cầu không thỏa mãn lẫn nhau về giá hoặc không xuất hiện lực cung hay lực cầu. Tin tức từ một công ty dù tốt hay xấu cũng khiến khối lượng giao dịch có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân là do các nhà giao dịch đang phản hồi tin tức bằng cách mua hoặc bán cổ phiếu của công ty này.
Ý nghĩa và vai trò
Ý nghĩa của khối lượng giao dịch
Không nhiều nhà đầu tư và nhà giao dịch biết cách sử dụng khối lượng giao dịch để tăng lợi nhuận và giảm rủi ro. Nếu kết hợp phân tích khối lượng với các chỉ báo khác, bạn sẽ đánh giá được sức mạnh hoặc điểm yếu của thị trường, xác nhận sự di chuyển giá hoặc báo hiệu sự đảo chiều, hỗ trợ quá trình ra quyết định.
Nhờ khối lượng giao dịch, chúng ta biết chính xác thị trường đang hoạt động mạnh hay yếu. Các nhà giao dịch thường thích tham gia khi thị trường hoạt động mạnh và ngược lại (dù khi hoạt động yếu có thể là một tín hiệu tốt cho thấy giá sắp đổi chiều). Khối lượng cao hay thấp dự báo khả năng tăng/giảm giá tương ứng của cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch còn một ý nghĩa khác là thể hiện tính thanh khoản của thị trường. Hiểu đơn giản thì tính thanh khoản là khả năng dễ mua/bán của loại tài sản nào đó trên thị trường. Tài sản với khối lượng giao dịch lớn sẽ thuận tiện cho việc mua bán hơn, cho thấy tính thanh khoản càng cao. Điều này giúp việc mua bán trên sàn gần với giá trị thực, biểu đồ phân tích kỹ thuật cũng ít bị nhiễu.
Vai trò khối lượng giao dịch
Xác nhận sức mạnh của xu hướng
Khối lượng giao dịch hỗ trợ xác nhận xu hướng còn mạnh hay không và có thể tiếp tục duy trì không. Nếu khối lượng tăng khi giá tăng và giảm khi giá hồi thì xu hướng tăng đó là đáng tin cậy. Tương tự với xu hướng giảm, nếu khối lượng tăng khi giá giảm và giảm đi khi giá hồi thì xu hướng giảm đó đáng tin cậy.
Xác nhận sự suy yếu của xu hướng
Khi xu hướng chấm dứt hoặc có đợt điều chỉnh thì khối lượng thường có xu hướng giảm xuống. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang suy yếu hoặc có thể kết thúc.
Xác nhận sự đột phá (breakout)
Khi giá ở trong một giai đoạn tích lũy, khối lượng giao dịch thường thấp vì thị trường có xu hướng thận trọng hơn. Nếu khối lượng tăng thì nhiều khả năng giá chuẩn bị đột phá khỏi vùng tích lũy và tăng mạnh.
Xác nhận khu vực tích lũy và phân phối
Tích lũy (accumulation) là giai đoạn người mua kiểm soát thị trường. Khối lượng mua tăng lên trong một xu hướng giảm đồng nghĩa với việc nhiều người mua đang bước vào thị trường và xu hướng bị đảo ngược. Điều này thường được xác nhận khi:
- Khối lượng giao dịch tăng so với phiên trước và giá đóng cửa cao hơn.
- Giá gần như không thể xuống thấp hơn dù xu hướng chính đang là giảm.
Phân phối (distribution) là giai đoạn người bán đang kiểm soát thị trường. Nếu khối lượng tăng lên khi thị trường điều chỉnh giảm trong một xu hướng tăng thì sự đảo chiều có thể xảy ra. Điều này thường được xác nhận khi:
- Khối lượng giao dịch tăng so với ngày trước đó nhưng giá đóng cửa thấp hơn.
- Giá gần như không thể tiếp tục tăng dù khối lượng tăng lên.
Chỉ số đo lường sự cân bằng tích lũy/phân phối hay Accumulation/Distribution (AD) được tính bằng công thức:
AD = [(Giá Đóng – Giá Mở) / (Giá Cao – Giá Thấp)] * Khối lượng giao dịch
Chỉ báo AD giảm nghĩa là thị trường đang bước vào giai đoạn phân phối hay bán. Ngược lại, chỉ báo tăng thể hiện sự tích lũy hay mua vào.
Mối tương quan giữa khối lượng giao dịch và giá
Giá tăng, khối lượng tăng
Trong xu hướng tăng của thị trường, nhiều khả năng khối lượng cũng sẽ tăng theo. Lúc này, thị trường hoạt động sôi nổi, bên mua đông và sẽ tranh thủ mua vào nhiều hơn, từ đó đẩy giá lên cao. Nếu bạn bắt gặp trường hợp cả giá và khối lượng đều tăng thì cần nắm bắt ngay cơ hội để mua vào.
Giá giảm, khối lượng giảm
Thị trường không còn sôi động mà ảm đạm, người mua bán ít dần. Bên mua tạo ra lực cầu yếu và bên bán cũng không có lực cung đủ mạnh. Giá sẽ di chuyển chậm chờ đợi dòng tiền vào thị trường để chuyển mình.
Giá giảm, khối lượng tăng
Nếu giá đang giảm đều đặn nhưng khối lượng giao dịch tăng đều thì sức mạnh và nhu cầu của bên bán còn rất lớn. Khối lượng tăng trong xu hướng giảm báo hiệu thị trường đã đến lúc đổi chiều. Hãy tìm vị trí thích hợp để bán, nhà đầu tư có thể chấp nhận bán với giá thấp hơn một chút.
Giá tăng, khối lượng giảm
Trong xu hướng tăng, đây là một tín hiệu giảm giá. Khối lượng giảm cho thấy nhà đầu tư đang chần chừ vì giá tăng, có thể sẽ xuất hiện đảo chiều. Với xu hướng giảm thì nó cho thấy xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục.
Giá đi ngang, khối lượng tăng mạnh
Giá đang trong phiên tích lũy, các nhà đầu tư cũng bắt đầu gom hàng và đây là một tín hiệu tốt để mua hàng.
Chỉ báo OBV (On Balance Volume)
Chỉ báo OBV còn được gọi là chỉ báo khối lượng cân bằng, mô tả sự tương quan giữa giá và khối lượng. Các nhà đầu tư có thể dựa vào đây để tìm điểm đảo chiều.
- Trường hợp giá đóng cửa cao hơn mở cửa thì OBV được xác định bằng mức OBV trước cộng thêm khối lượng giao dịch mới.
- Trường hợp giá đóng cửa thấp hơn mở cửa, OBV được xác định bằng mức OBV trước trừ đi khối lượng giao dịch mới.
- OBV và giá tiếp tục tăng báo hiệu xu hướng tăng và ngược lại.
Tất cả các chỉ số đều không thể chính xác hoàn toàn và khối lượng giao dịch cũng vậy. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu về mối quan hệ giữa giá và khối lượng, đồng thời biết cách sử dụng thì nó sẽ rất hữu ích trong việc phân tích kỹ thuật. Để đạt độ chính xác cao hơn, tôi khuyên bạn nên kết hợp với những chỉ số khác như RSI (Relative Strength Index – chỉ số sức mạnh tương đối) hay các đường trung bình MA.
Trần Đăng Khoa
- What Is Volume? – Coinmarketcap
https://coinmarketcap.com/alexandria/glossary/volume
- Kênh giá là gì? Cách xác định xu hướng đầu tư dựa vào kênh giá
- Tất cả những điều cần biết trong đầu tư tài chính
- Đường xu hướng là gì? Hướng dẫn xác định và vẽ trendline chi tiết