Mới đổi tên, HTX bị hack 7,9 triệu USD
Tối ngày 25/09, đơn vị bảo mật Cyvers Alerts báo cáo một giao dịch đáng ngờ bị nghi là một vụ hack, liên quan tới sàn giao dịch Huobi Global (đã đổi tên thành HTX Global) đã gây ra thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 5.000 ETH (tương đương 7,9 triệu USD).
Theo báo cáo, vào lúc 17:00 ngày 24/09 (giờ Việt Nam), hệ thống của Cyvers Alerts phát hiện ra địa chỉ ví “0xdb1D74467c9042517A354304256E0d658D8AEC83” đã nhận 5.000 ETH từ ví nóng của sàn giao dịch HTX Global. Sau đó, ví này ngay lập tức chuyển 1.000 ETH sang ví “0x799982b75Ba538F211871cBa50Fa1A42ADa9ab5E” nhằm mục đích “tẩu tán” tài sản.
Đơn vị bảo mật cho biết địa chỉ ví của sàn HTX Global đã nhắn tin cho hacker trên Etherscan với mong muốn được hoàn lại tiền trước ngày 02/10/2023 kèm hứa hẹn trao thưởng 5% trên tổng số tiền đã “bị cuỗm mất”. Ngay sau báo cáo của đơn vị bảo mật, cố vấn của HTX Global Justin Sun cũng đã đăng đàn xác nhận thông tin cùng với cam kết sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền bị thiệt hại sau khi hoàn tất xử lý vấn đề.
Huobi sẽ cho hacker 7 ngày để trả lại tiền, đồng thời trao thưởng 400.000 USD và mời làm cố vấn bảo mật cho sàn. Nếu hacker không đồng ý, sàn sẽ chuyển hồ sơ vụ việc lên cảnh sát. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 10 năm hoạt động mà Huobi ghi nhận sự cố bảo mật.
Tháng 09/2023 ghi nhận liên tiếp nhiều vụ hack lớn trong lĩnh vực tiền mã hóa, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản. Một vài vụ nổi bật là:
- 12/09: Sàn CoinEx bị tấn công ví nóng, thiệt hại hơn 70 triệu USD.
- 14/09: Remitano bị tấn công, mất 2,7 triệu USD.
- 16/09: Tỷ phú Mark Cuban bị lấy cắp lượng lớn tiền mã hóa trị giá 870.000 USD.
- 20/09: Giao thức DeFi phổ biến trên Ethereum là Balancer bị tấn công frontend gây thiệt hại 238.000 USD.
- 22/09: Nền tảng phân tích dữ liệu on-chain Nansen bị xâm phạm bảo mật làm lộ thông tin của 6,8% người dùng.
- 25/09: Cùng ngàu HTX bị hack là vụ hack dự án Blockchain Mixin, làm thất thoát lượng tài sản trị giá 200 triệu USD.
» Nhà đầu tư luôn cần trang bị kiến thức để bảo mật tốt tài sản của mình. Đọc thêm trong bài viết sau: Các lưu ý để bảo mật ví Crypto tốt nhất.
MicroStrategy mua 147 triệu USD Bitcoin
Theo thông báo đăng tải tối ngày 25/09, công ty MicroStrategy của tỷ phú Michael Saylor đã thực hiện giao dịch mua Bitcoin mới nhất với giá trị lên đến “9 chữ số”. Cụ thể, MicroStrategy đã bỏ ra 147,3 triệu USD để mua 5.445 Bitcoin, với giá mua trung bình là 27.053 USD/BTC. Như vậy, công ty đã tăng số lượng Bitcoin nắm giữ lên con số 158.245 BTC, trị giá 4,68 tỷ USD với giá mua trung bình là 29.582 USD/BTC.
Đây là lần mua Bitcoin thứ 5 của MicroStrategy trong năm nay sau các dịp vào tháng 3 (150 triệu USD), tháng 4 (29,3 triệu USD), tháng 6 (347 triệu USD) và tháng 7 (14,4 triệu USD), với giá trị tổng cộng là 682 triệu USD.
Trong hồ sơ nộp lên SEC vào đầu tháng 8, MicroStrategy tiết lộ đã chào bán 750 triệu USD trái phiếu, sau đó sử dụng lượng tiền huy động được để tiếp tục chiến lược mua Bitcoin.
Bitcoin trong ngày 25/09 đang có dấu hiệu tiếp tục suy giảm khi áp sát ngưỡng kháng cự 26.000 USD. Tin tức MicroStrategy mua lượng lớn Bitcoin không khiến giá BTC có nhiều biến chuyển. Tính theo giá BTC ở thời điểm viết bài, toàn danh mục đầu tư Bitcoin của MicroStrategy đang lỗ khoảng 12%.
OpenSea làm lộ dữ liệu người dùng
NFT marketplace đứng đầu thị trường OpenSea đã đặt cảnh báo, yêu cầu người dùng đổi API key ngay lập tức, sau sự cố bảo mật từ một bên thứ ba. Công ty lưu ý, sự cố bảo mật sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ chương trình nào sử dụng API key của OpenSea.
Việc bị lộ key có thể khiến người dùng bị tấn công cũng như ảnh hưởng đến tốc độ xử lý lệnh của những ứng dụng sử dụng API key của OpenSea. Do đó, nền tảng dự định ngừng các key hiện có trước ngày 02/10, theo thông báo qua email.
Đến hiện tại, OpenSea vẫn chưa công bố có bao nhiêu người dùng bị ảnh hưởng bởi vụ việc hoặc có những thông tin nào khác ngoài API key đã bị rò rỉ. Đồng thời điểm, công ty phân tích Crypto nổi tiếng Nansen cũng bị xâm phạm, làm lộ dữ liệu email, mật khẩu và địa chỉ ví của 6,8% người dùng.
Tính đến tháng 05/2023, OpenSea đứng thứ hai trên thị trường NFT, với 36,5% khối lượng giao dịch. Nền tảng này từng chiếm thế độc tôn trước khi nhường lại ngôi vị cho Blur, đối thủ chỉ mới một năm tuổi và đã vươn lên mạnh mẽ với 56,8% thị phần.
Song, đây không phải là lần đầu tiên OpenSea phải gặp thách thức về mặt an ninh. Năm ngoái, nền tảng này đã làm rò rỉ địa chỉ email khách hàng quy mô lớn, do lỗi của nhân viên trong quá trình làm việc với đối tác gửi email Customer.io. Những thỏa thuận kiểu này thường là lỗ hổng mà hacker để mắt đến.
MoneyGram ra mắt ví non-custodial hỗ trợ chuyển đổi USDC sang tiền pháp định
Theo tin tức được đưa bởi Fortune vào chiều ngày 26/09, MoneyGram International, nền tảng cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới lớn thứ hai trên thế giới, đã công bố sẽ ra mắt ví non-custodial để giúp người dùng gửi và chuyển đổi giữa tiền pháp định (fiat) với USD Coin (USDC) thông qua Stellar Blockchain (XLM).
Dịch vụ mới sẽ cho phép người dùng ví Stellar gửi USDC cho người nhận, sau đó người nhận sẽ có thể rút tiền của họ bằng tiền pháp định thông qua MoneyGram.
Trong bài phỏng vấn của Fortune, ông Alex Holmes, Giám đốc Điều hành của MoneyGram cho biết, công ty đã và đang trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số xuyên suốt 5 năm qua với mục đích “xóa bỏ những quan niệm sai lầm” như: “MoneyGram sẽ dần bị thay thế bởi các sản phẩm không dựa trên tiền mặt”.
Sản phẩm mới của MoneyGram sẽ có đầy đủ các yêu cầu KYC và sẽ chỉ tương thích với các ví MoneyGram khác. Mặc dù điều này hạn chế chức năng của ví với hệ sinh thái tiền mã hóa rộng lớn nhưng sẽ giúp bảo vệ MoneyGram khỏi sự giám sát của cơ quan quản lý.
Vị Giám đốc Điều hành khẳng định “ví non-custodial mới của MoneyGram là một bước tiến xa hơn vào thế giới của tài sản mã hóa, đại diện cho bước tiếp theo trong thử nghiệm của công ty về cách tận dụng công nghệ Blockchain để cho phép người dùng chuyển tiền trên toàn cầu”.
Ông Holmes cho biết ví non-custodial của MoneyGram sẽ chỉ sử dụng được ở các quốc gia có hỗ trợ quy trình KYC kỹ thuật số, và hiện tại mới chỉ có khoảng 40 quốc gia tích hợp.
Binance chính thức rời khỏi thị trường Nga
Chiều ngày 27/09, Binance đã thông báo việc rời khỏi thị trường Nga thông qua một thoả thuận ký kết bán toàn bộ hoạt động cho sàn giao dịch địa phương CommEX. Nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật tài sản cho người dùng Nga, quá trình chuyển giao sẽ có thể kéo dài lên đến 1 năm.
Ông Noah Perlman, Giám đốc Tuân thủ của Binance phát biểu về sự “ra đi”: “Khi nhìn vào tương lai, chúng tôi nhận thấy rằng việc hoạt động tại Nga không phù hợp với chiến lược tuân thủ của Binance. Chúng tôi vẫn tự tin vào sự phát triển dài hạn của ngành công nghiệp Web3 trên toàn thế giới và sẽ tập trung năng lượng của mình vào hơn 100 quốc gia khác mà chúng tôi hoạt động”.
Sàn giao dịch tiền mã hoá hàng đầu cho biết sẽ có quy trình chuyển giao rõ ràng thời gian tới. Theo thông cáo, kế hoạch ban đầu họ đưa ra bao gồm:
- Binance và CommEX sẽ cùng đưa ra thông báo hướng dẫn người dùng cách chuyển tài sản sang CommEX.
- Những người dùng khi mới đăng ký sử dụng dịch vụ Binance tại Nga sẽ được nền tảng chuyển hướng ngay sang sàn CommEX, và điều này dần dần sẽ tăng lên theo thời gian.
- Sau đó vài tháng, Binance sẽ dừng toàn bộ giao dịch và hoạt động tại Nga.
Mặc dù chi tiết về thỏa thuận bán chi nhánh tại Nga của Binance cho CommEX không được tiết lộ, nhưng theo tuyên bố của Binance, đây là một hành động “bán mình” để rời khỏi thị trường Nga. Vì vậy, họ sẽ không nhận được sự chia sẻ doanh thu nào, đồng thời không sở hữu bất kỳ quyền mua lại cổ phần nào trong đó.
Động thái này là lời lý giải cho việc 2 quản lý cấp cao tại Nga của Binance từ chức vào đầu tháng 09/2023. Trước đó 1 tháng, họ đã cân nhắc rút khỏi thị trường Nga vì vi phạm luật cấm vận của Mỹ, khi họ bị cáo buộc “tiếp tay” giúp cho ít nhất 5 ngân hàng Nga đang nằm trong danh sách bị phương Tây trừng phạt.
Phân tích thị trường – Góc nhìn của CIC
Bitcoin vẫn đang tiếp tục bị mắc kẹt ở vùng 26.000 USD. Theo dữ liệu từ Coinshares, trong 10 tuần trở lại đây, thị trường Crypto đã chứng kiến tổng cộng 464 triệu USD dòng vốn chảy ra trong khi chỉ có 29 triệu USD chảy vào. Điều này đã tạo ra những áp lực nhất định làm kìm hãm sự tăng trưởng của Bitcoin. Trong hoàn cảnh này, nếu không có một vài tin tức quan trọng thì nhiều khả năng giá sẽ lại tiếp tục sideway khó chịu trong biên độ nhỏ quanh vùng 26.000 – 27.000 USD trước khi có xu hướng di chuyển rõ ràng hơn.
Có thể nói, những giai đoạn nhạy cảm như thế này là khoảng thời gian thị trường đang thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta. Bằng cách tuân thủ chiến lược một cách nhất quán và không để bị cảm xúc chi phối, chúng ta mới có thể chiến thắng trên thị trường với tư cách một nhà đầu tư dài hạn.
Nếu thị trường điều chỉnh xuống thấp hơn thì vùng giá 20.000 – 21.000 USD là một vùng giá tốt để cân nhắc vào vốn, tuy nhiên không loại trừ khả năng giá BTC kiểm tra lại vùng 22.000 – 23.000 USD trước.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 25 – 29/09/2023