Các hình thức lừa đảo trong Crypto có muôn hình vạn trạng mà nếu không tìm hiểu kỹ, bạn sẽ dễ dàng mất tiền vào tay những kẻ xấu.
Thế giới Crypto đang phát triển nhanh chóng khi ngày càng có nhiều dự án hay công nghệ mới được giới thiệu. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những chiêu trò lừa đảo tinh vi hơn để lấy tiền của nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Ponzi, pump and dump, tặng token lạ, fake ICOs… là những hình thức lừa đảo Crypto tương đối phổ biến nhắm vào các nhà đầu tư tiền mã hóa.
Tổng quan về lừa đảo trong thị trường Crypto
Theo báo cáo của Chainalysis, hành vi trộm cắp và lừa đảo tiền mã hóa đã tăng 79% trong năm 2021 so với năm 2020. Ước tính, số tiền mà những kẻ lừa đảo kiếm được lên đến 14 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, hình thức lừa đảo Crypto phổ biến nhất là tấn công vào các doanh nghiệp tiền mã hóa.
DeFi hay tài chính phi tập trung là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh trong thời gian gần đây. Cũng theo Chainalysis, khối lượng giao dịch DeFi tăng 912% vào năm 2021. Nhưng chính sự phát triển này lại vô tình mở ra một cơ hội mới cho những kẻ lừa đảo. 21% vụ tấn trong năm 2021 đã lợi dụng lỗ hổng mật mã trên các giao dịch DeFi.
Riêng trong năm nay, nhiều vụ tấn công vào các Blockchain đã liên tục xảy ra. Cuối tháng 03/2022, kỳ lân công nghệ Việt Nam Sky Mavis bị hacker tấn công vào cầu nối Ronin và lấy đi khoản tiền trị giá 625 triệu USD khi đó. Dù tuyên bố sẽ bồi thường cho nạn nhân nhưng số người chơi Axie Infinity đã giảm đi đáng kể.
Ngay cả những mạng Blockchain lớn như Solana cũng không tránh khỏi bị tấn công vào tháng 8. Cầu nối BSC Token Hub của Binance là cái tên tiếp theo lọt vào tầm ngắm của hacker với tổn thất lên đến 586 triệu USD.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, tội phạm liên quan đến tiền mã hóa đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng một dấu hiệu đáng mừng là sự phát triển của tiền mã hóa hợp pháp đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của tội phạm. Trong tổng số 15.800 tỷ USD giao dịch Crypto trong năm 2021, các giao dịch bất hợp pháp chỉ chiếm 0,15%.
8 hình thức lừa đảo Crypto mà nhà đầu tư cần biết
Trang web giả mạo
Đây là một hình thức lừa đảo trong Crypto khá phổ biến nhưng vẫn dễ dàng đánh lừa được nhiều người nếu không cẩn thận. Cách làm hết sức đơn giản: chỉ cần tạo một trang web có đường dẫn tương tự như một sàn giao dịch hay dự án uy tín, thay đổi hoặc thêm vài ký tự. Ví dụ: sử dụng “0” thay vì “o”, dùng ký tự đặc biệt…
Đã có trường hợp truy cập sàn bằng cách nhập tên trên thanh tìm kiếm và nhấp vào vị trí đầu tiên trong trang kết quả. Vì thói quen này nên người dùng không kiểm tra kỹ trang mình đang truy cập, dẫn đến việc toàn bộ số tiền trong ví bị đánh cắp khi nhấn nhầm vào một trang giả mạo. Các hacker thường tạo những trang web mạo danh và chạy quảng cáo trên Google để “săn mồi”. Nếu may mắn không mất tiền thì thông tin cá nhân của người dùng vẫn có thể bị đánh cắp.
Ponzi
Nếu quan tâm và có kiến thức về đầu tư tài chính, hẳn bạn sẽ không còn lạ gì với một trong những chiêu trò lừa đảo kinh điển nhất mang tên Ponzi. Cơ chế hoạt động của hình thức này là dùng tiền của nhà đầu tư mới để trả cho người cũ. Nhưng hệ thống sẽ ngưng ngay lập tức nếu không thể lôi kéo thêm người mới. Một trong những dấu hiệu nhận biết của hình thức lừa đảo Crypto này là lãi suất rất cao khi mới đầu tư và hoàn vốn trong thời gian ngắn.
Bitconnect là dự án lừa đảo Ponzi nổi cộm trong thế giới tiền mã hóa. Đáng nói, Bitconnect đã tồn tại đến tận 1 năm trước khi vụ exit scam lớn nhất xảy ra. Chỉ cho đến khi bị vạch trần, nhà đầu tư mới biết lời hứa hẹn về lợi nhuận cao chỉ là một hình thức lừa đảo Crypto khác. Dự án này còn thu hút được lượng lớn người theo dõi và thực hiện nhiều hoạt động marketing rầm rộ. Giá của đồng token đã giảm từ 320 USD xuống 6 USD chỉ trong vòng 24 giờ sau khi sụp đổ.
Rất nhiều trang đã đưa tin về vụ Ponzi được xem là lớn nhất giới Crypto này. Bạn cũng có thể tìm hiểu thông tin cụ thể trong bài viết sau:
» How BitConnect pulled the biggest exit scheme in Cryptocurrency
Mô hình kim tự tháp
Pyramid scheme hay mô hình kim tự tháp cũng khá quen thuộc. Hình thức này sẽ trả tiền cho thành viên nếu họ giới thiệu được người mới tham gia. Cái tên kim tự tháp cũng mô tả cách hoạt động của nó: thành viên ở tầng cao hơn của kim tự tháp sẽ nhận tiền của những thành viên ở tầng dưới nếu chiêu mộ họ thành công. Hình thức lừa đảo Crypto này cứ tiếp tục như vậy cho đến khi không còn thành viên mới nào tham gia nữa.
Trên thực tế, đây là một mô hình sơ sài, thiếu bền vững dựa trên lợi nhuận từ các khoản đầu tư tưởng tượng. Ở một số quốc gia, pyramid scheme thậm chí còn không hợp pháp.
Tặng/giao dịch token lạ
Hẳn là không ít người từng nghe qua hoặc trải nghiệm hình thức lừa đảo này khi đầu tư Crypto. Tôi khuyên bạn hãy cẩn khi nhận được token lạ trong ví. Nhiều người lầm tưởng đây là quà tặng nên swap qua website của nhà phát triển token và cấp quyền truy cập ví. Ngay sau đó, toàn bộ số tài sản mã hóa trong ví của họ cũng biến mất.
Việc tặng token hay còn gọi là “airdrop” chắc chắn không xa lạ nếu bạn có tìm hiểu về thị trường Crypto. Mục đích của airdrop là để quảng bá cho các dự án mới thông qua việc tặng tiền mã hóa của dự án. Đôi khi, người dùng có thể được yêu cầu thực hiện một số hành động đơn giản như theo dõi tài khoản mạng xã hội của dự án hay chia sẻ bài đăng. Nhưng theo thời gian, airdrop bị lợi dụng như một hình thức lừa đảo trong Crypto, nhắm vào những người nhẹ dạ, ít kinh nghiệm.
Một trong những dấu hiệu nhận biết của hình thức này là tên các token được đặt tương tự như tên website. Giao diện website cũng được thiết kế giống những sàn phi tập trung phổ biến như Uniswap hay Pancakeswap. Nếu bạn tương tác với các loại token lạ này thì nguy cơ mất sạch tài sản là rất cao.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý trước những bài đăng mạo danh trên mạng xã hội với nội dung tặng token miễn phí. Những kẻ lừa đảo núp bóng tên tuổi người nổi tiếng để dễ đánh lừa cộng đồng. Nội dung như “Hãy chuyển (X) ETH đến địa chỉ này để nhận (Y) token” chắc chắn là lừa đảo.
Email lừa đảo
Hacker có thể dùng email giả mạo tương tự với email của sàn và gửi cho bạn. Một trong những cách thường được hacker sử dụng là đính kèm tệp bị nhiễm virus hoặc liên kết đến website độc hại. Khi bấm vào liên kết hoặc tải tệp về thì tài khoản của bạn có thể bị đánh cắp. Hình thức lừa đảo trong Crypto này đang nở rộ thời gian gần đây với tên gọi phishing.
Các email lừa đảo thường yêu cầu người nhận phải thực hiện gấp một hành động nào đó để bảo mật tài khoản. Đó có thể là cập nhật lại tài khoản, đổi mật khẩu, xác minh thông tin… Mục tiêu chính của những kẻ này là thu thập thông tin để chiếm đoạt tài sản.
Các dự án fake ICOs
ICO (Initial Coin Offering) hay phát hành tiền mã hóa lần đầu là một phương pháp được các nhóm sáng lập dùng để huy động vốn trong thị trường Crypto. Các dự án tạo ra token trên Blockchain để bán cho những người ủng hộ sớm. Bằng cách này, người ủng hộ nhận được token để sử dụng ngay lập tức hoặc trong tương lai và dự án có tiền để phát triển. Tôi tin rằng bạn sẽ rất bất ngờ khi biết 80% dự án ICO trong năm 2017 được xác định chỉ là lừa đảo.
ICO là một thuật ngữ tương đối quen thuộc trong không gian Crypto. Đọc thêm bài viết sau để tìm hiểu về cách kêu gọi vốn này:
» Initial Coin Offering (ICO): Coin Launch Defined, with Examples
Đã có hàng triệu USD đổ vào các công ty thông qua hình thức ICO và nó vô tình trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xấu. Đương nhiên không phải ICO nào cũng xấu nhưng số lượng ICO lừa đảo đang tăng chóng mặt.
Một trong những vụ fake ICO điển hình là Confido vào năm 2017. Sau khi huy động được 375.000 USD thì đội ngũ của dự án này đã bốc hơi ngay lập tức. Giá token giảm từ 0,6 USD xuống 0,1 USD trong vòng chưa đầy 2 giờ. Centra là một vụ lừa đảo ICO còn lớn hơn khi huy động được tới 32 triệu USD, được Floyd Mayweather và DJ Khaled hỗ trợ.
Pump and dump
Pump chỉ hành động “bơm giá” bằng cách mua lượng lớn coin có giá và vốn hóa thị trường thấp. Dump, hay còn gọi xả, là việc bán ra ồ ạt lượng coin đang có để kiếm lời từ chênh lệch giá. Hình thức lừa đảo trong Crypto này thường do các tổ chức hay cá nhân có vốn mạnh liên kết với nhau thực hiện. Khi thu hút đủ nhà đầu tư mới mua coin đang được bơm giá, họ sẽ liên tục bán ra coin ở giá cao. Nhưng việc bán coin ồ ạt trong thời gian ngắn sẽ khiến giá của nó giảm nhanh chóng.
Nói cách khác, pump and dump là một hành vi thao túng thị trường. Pump and dump giúp các “cá mập” tạo thanh khoản để thu về lợi nhuận nhanh chóng. Tâm lý FOMO cũng phần nào tác động đến các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, nên họ cứ mù quáng nhảy vào theo đám đông.
Bên cạnh kiến thức thì tâm lý cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đầu tư Crypto của bạn. Tôi đã thực hiện bài viết chi tiết về FOMO, một hiện tượng tâm lý mà ngay cả những nhà đầu tư lão làng cũng có thể mắc phải. Đọc bài viết để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc:
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể về pump and dump, diễn ra vào tháng 05/2020. Tierion (TNT) ‒ một Altcoin vô danh với vốn hóa nhỏ đột ngột tăng mạnh hơn 45% từ 0,05 USD lên đỉnh 0,11 USD vào ngày 12/05/2020. Nhưng nó đã giảm xuống chỉ còn 0,03 USD sau 10 ngày. Nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy đồng coin hay dự án này không có bất cứ thứ gì đặc biệt ngoài vài tin đồn tốt chưa xác thực trên Facebook.
Rút thảm (rug pull)
Rút thảm là hành động nhóm phát triển tiền mã hóa nào đó đột ngột từ bỏ dự án và lấy theo toàn bộ tiền của nhà đầu tư. Theo Chainalysis, hình thức lừa đảo Crypto trên đã đánh cắp 2,8 tỷ USD từ nhà đầu tư trong năm 2021. Trang Telegraph đã phỏng vấn một nạn nhân của rug pull tên Brian khi anh này đầu tư hơn nửa triệu USD mua mã AnubisDAO. Điều đáng nói là Brian thậm chí còn không tìm hiểu dự án trước mà đã mua.
Theo đó, Brian bị thu hút bởi những lời quảng cáo rầm rộ về dự án trên Twitter và càng yên tâm hơn khi thấy một chuyên gia nổi tiếng ủng hộ. Anh còn không bận tâm đến việc dự án hoàn toàn không có sách trắng (white paper) hay website và tất cả nhà sáng lập đều dùng biệt danh. Dự án đã huy động được hơn 13.256 ETH, tương đương 54 triệu USD, chỉ sau một đêm trước khi biến mất.
AnubisDAO là một vụ rút thảm quy mô lớn, nhưng các hình thức lừa đảo trong Crypto tương tự như vậy xảy ra gần như mỗi ngày. Không chỉ tiền mã hóa mà NFT và DeFi cũng trở thành sân chơi của rug pull. Giống như nhiều chiêu trò lừa đảo khác, mục tiêu hàng đầu vẫn là các nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm.
Là một lớp tài sản mới nổi, Crypto vì vậy mang đến cơ hội lợi nhuận tuyệt vời nhưng đi kèm với đó là nhiều nguy cơ lừa đảo. Tôi tin rằng, cách duy nhất để tự bảo vệ mình trước những mánh khóe của kẻ xấu là trang bị kiến thức thật vững vàng.
Tôi cùng CIC đã thiết kế một hành trình học tập mang tên Crypto Master Journey (CMJ) để đồng hành cùng nhà đầu tư trên chặng đường chinh phục không gian tiền mã hóa. Không chỉ mang đến các khóa học thực chiến, CMJ còn hỗ trợ trọn đời và kết nối bạn với cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tìm hiểu và đăng ký ngay hôm nay:
Tóm lại, có rất nhiều hình thức lừa đảo trong Crypto mà bạn cần phải biết để tránh tiền mất tật mang. Tôi sẽ tiếp tục mang đến cho bạn những bài viết chi tiết hơn về cách nhận biết, hậu quả và biện pháp phòng tránh những chiêu trò này trong các bài viết tiếp theo.
Trần Đăng Khoa