Hiệu ứng FOMO là một thuật ngữ thường xuất hiện trong đầu tư mà nhà đầu tư cần tìm hiểu. Vậy FOMO là gì, cần làm gì tránh FOMO?
Trong quá trình đầu tư, chắc hẳn bất kỳ ai cũng từng mắc bẫy hiệu ứng FOMO mà không hề hay biết. FOMO có những ảnh hưởng lớn đến kết quả sau cùng của nhà đầu tư. Do vậy, tôi sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về hiệu ứng này để bạn hiểu nguyên nhân, ảnh hưởng và cách hạn chế tác động để tối đa hóa lợi nhuận.
Hiệu ứng FOMO là gì?
FOMO là viết tắt của Fear of missing out, hay sợ bỏ lỡ, một triệu chứng tâm lý khiến bạn luôn cảm thấy phải làm điều gì đó để không bỏ lỡ cơ hội so với mọi người. Nó xuất phát từ cảm giác lo lắng khi không nắm bắt được cơ hội hay bỏ lỡ điều gì đó giá trị. Người nghĩ ra thuật ngữ sợ bỏ lỡ là chuyên gia tiếp thị Dan Herman vào năm 1996. Nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội, FOMO đã được nhiều người biết đến và nghiên cứu sâu hơn.
Đây là hiệu ứng rất thường gặp trong đầu tư, kể cả những người giàu kinh nghiệm cũng có thể bị ảnh hưởng.
Ví dụ nếu giá của một cổ phiếu tăng liên tục trong thời gian ngắn, bạn có thể nghĩ các nhà đầu tư khác đang kiếm được rất nhiều lợi nhuận. Suy nghĩ này thúc đẩy bạn mua cổ phiếu và bỏ qua việc phân tích, tìm hiểu kỹ lưỡng. FOMO khiến nhà đầu tư không còn đủ tỉnh táo để xác định và đánh giá chuẩn xác những biến động của thị trường.
Hiệu ứng FOMO thường được hình thành và có dấu hiệu gia tăng khi thị trường ở những giai đoạn nhạy cảm như tăng trưởng hay suy thoái. Những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư mà hiệu ứng này gây ra có thể kể đến như chán nản, thất vọng, không chấp nhận việc thua lỗ. Các quyết định được đưa ra dưới ảnh hưởng của FOMO thường sẽ thất bại và thua lỗ nên có thể xem đây là kẻ thù lớn của các nhà đầu tư.
Hội chứng FUD
Bên cạnh FOMO thì nhà đầu tư Crypto cũng nên biết về FUD, viết tắt của Fear – Uncertainty – Doubt, thuật ngữ ám chỉ cảm giác sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ. Người mắc hội chứng này sẽ luôn trong trạng thái lo lắng về khoản đầu tư của mình, dễ dẫn đến các đợt bán tháo. Trong thị trường Crypto, FUD chỉ cảm giác sợ hãi của nhà đầu tư khi các tin tức không thuận lợi xuất hiện.
Một số tổ chức hoặc cá nhân có thể lợi dụng FOMO và FUD để đạt được mục đích riêng.
Tìm hiểu chi tiết thêm: FUD là gì? Hiệu ứng tâm lý FUD trong đầu tư Crypto
Ví dụ, họ có thể tung vài thông tin ảo, tạo FOMO để đẩy giá coin, thu hút nhà đầu tư mua vào để chốt được mức lời nhất định. Nhưng cho dù đồng coin tốt đến đâu thì giá vẫn đi xuống khi FUD bắt đầu được tung ra. Đây là lúc các nhà đầu tư bán tháo và những tổ chức này sẽ mua vào với giá rẻ.
Nguyên nhân gây ra hiệu ứng FOMO
Khách quan
Thị trường tăng trưởng
Khi thị trường tăng trưởng, các giao dịch và đầu tư sẽ thuận lợi hơn, kích thích sự hưng phấn của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư mới khó kiểm soát được tâm lý và vội vã tham gia nhưng thiếu sự chuẩn bị. Đến khi chu kỳ tăng trưởng kết thúc, những nhà đầu tư này sẽ rơi vào thế bất lợi, không kịp thu hồi vốn hay chốt lời theo mong muốn.
Ảnh hưởng từ các nguồn tin không chính thống
Giữa quá nhiều thông tin tràn lan trên mạng, nhà đầu tư sẽ khó phân biệt tin giả ‒ tin thật. Các diễn đàn, hội nhóm tự phát cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo ra hiệu ứng FOMO, dễ dàng đẩy nhà đầu tư vào tình thế bất lợi, thậm chí là bị lừa đảo.
Chủ quan
Các nguyên nhân chủ quan đa số xuất phát từ tâm lý, yếu tố quyết định đến 60% khả năng chiến thắng trên thị trường.
- Tâm lý sợ mất cơ hội: Ám ảnh về việc phải thu được lợi nhuận cao có thể khiến nhà đầu tư đi chệch hướng. Nhà đầu tư có tâm lý không vững vàng và thiếu tầm nhìn dài hạn sẽ dễ mất kiểm soát. Ví dụ: nhà đầu tư kiên quyết giữ coin và không có ý định bán ra dù đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Khi giá coin giảm, họ sẽ không trở tay kịp.
- Tâm lý vội vã, thiếu kiên nhẫn: Khi bước chân vào thị trường thì ai cũng mong muốn giành được lợi nhuận. Tuy nhiên, việc muốn thu lời thật nhanh có thể dẫn đến những quyết định thiếu sáng suốt. Đôi khi, kiên nhẫn quan sát và phân tích thị trường là điều cần thiết để mang lại chiến thắng sau cùng.
- Kỳ vọng quá cao: Hy vọng giá coin mình mua sẽ giữ đà tăng trưởng là không sai, nhưng kỳ vọng quá cao có thể khiến nhà đầu tư mất đi lý trí. Hy vọng càng lớn thì thất vọng càng lớn, nếu diễn biến thị trường không như mong đợi thì tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
- Quá tự tin: Ngay cả những nhà đầu tư lão luyện nhất cũng phạm phải sai lầm trên thương trường. Đặc biệt, thị trường Crypto còn khá mới nên những biến động là khó có thể dự đoán trước.
- Thiếu hiểu biết, không có chiến lược cụ thể: Không ít người bước chân vào thị trường theo đám đông nhưng lại không hề có kiến thức. Thị trường tài chính rất phức tạp và bạn khó thu được lợi nhuận lâu dài nếu chỉ nghe theo lời của người khác. Ngoài ra, tùy vào khẩu vị và nguồn vốn mà chiến lược của mỗi nhà đầu tư cũng khác nhau.
- Không quản trị rủi ro và quản trị vốn: Rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn trên bất kỳ thị trường nào và đó là lý do mọi nhà đầu tư cần lên kế hoạch quản trị rủi ro. Tương tự, nguồn vốn bạn đầu tư cũng cần được phân bổ hợp lý, tránh trường hợp “tất tay” với mong muốn thu lợi nhuận lớn.
Cách vượt qua hiệu ứng FOMO trong đầu tư Crypto
Bổ sung kiến thức
Có thể nói, thiếu kiến thức là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư rơi vào trạng thái sợ bị bỏ lỡ. Việc tìm hiểu thông tin giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn nhưng bạn vẫn cần chọn lọc những nguồn tin chính thống, chất lượng. Khi tích lũy đủ kiến thức, bạn không những có thể phân tích thị trường mà còn đưa ra chiến lược đúng đắn và tránh được hiệu ứng FOMO.
Bạn cũng có thể tìm đến các khóa học uy tín về đầu tư Crypto để nâng cao kiến thức, tránh những sai lầm trong đầu tư cũng như hiệu ứng FOMO. Tham khảo khóa học tôi trực tiếp hướng dẫn:
Xác định mục tiêu đầu tư
Đâu là lựa chọn của bạn: holder hay trader; thu lời trong dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn? Như tôi đã đề cập, mỗi nhà đầu tư sẽ thích hợp với một chiến lược khác nhau vì cơ bản mục tiêu của họ không giống nhau. Khi đã xác định được mục tiêu, hãy kiên định với nó và đừng lung lạc bởi xu thế của đám đông.
Giả sử bạn giao dịch theo trường phái lướt sóng (hay ngắn hạn) thì nên thuận theo các đợt FOMO để mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Với người ưu tiên đầu tư trung và dài hạn, FOMO hay FUD đều mang lại những hậu quả xấu.
Quản trị cảm xúc
Warren Buffett từng phát biểu: “Cảm xúc là kẻ thù của lý trí”. Trong đầu tư, người làm chủ được cảm xúc của mình sẽ giành chiến thắng sau cùng. FOMO xuất phát từ tâm lý thiếu ổn định và cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý đầu tư, vì vậy duy trì tâm lý vững vàng là điều cần thiết.
Có kế hoạch cắt lỗ kịp thời
Thiết lập kế hoạch cắt lỗ là điều không thể thiếu trong đầu tư. Nếu thị trường chuyển biến xấu, bạn cần phân tích cẩn thận để đưa ra quyết định cắt lỗ đúng lúc. Cắt lỗ kịp thời không những đảm bảo an toàn cho đồng vốn mà còn giúp bạn có cơ hội đầu tư vào các coin tiềm năng khác.
Như tôi đã trình bày ở trên, hiệu ứng FOMO không chỉ có mặt xấu. Những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng nếu biết cách tận dụng sẽ thu được lợi nhuận khá. Tuy nhiên, nếu là nhà đầu tư mới, bạn cần hết sức cẩn thận và đảm bảo mình chỉ “xuống tiền” khi đã nắm rõ kiến thức và có chiến lược phù hợp.
Trần Đăng Khoa
- 4 key questions to ask yourself before getting swept up in investment FOMO
https://www.businessinsider.com/sc/4-questions-you-should-ask-yourself-to-avoid-investment-fomo
- Top những kinh nghiệm đầu tư Crypto hiệu quả nhất của CIC
- 7 cách kiếm tiền với Crypto– Học đầu tư Crypto cùng CIC
- 5 kiến thức cơ bản về phân tích kỹ thuật trong đầu tư tiền mã hóa
- Đầu tư Crypto cho người mới bắt đầu – hướng dẫn từ A-Z