FUD xung quanh Binance tăng vọt sau khi gần 2 tỷ USD bị rút
Binance đang trải qua làn sóng rút tiền giữa bối cảnh FUD bủa vây. Dòng vốn ròng (Netflow), được tính bằng chênh lệch giữa lượng tài sản đến/nạp vào (Inflow) và đi/rút ra (Outflow) khỏi sàn giao dịch, đạt 902 triệu USD trong 24 giờ (tính trong ngày 13/12), theo thống kê từ nền tảng tình báo Blockchain Nansen.
Con số này thậm chí còn cao hơn tổng của tất cả các sàn giao dịch tập trung khác trên cùng khung tham chiếu và gấp 9 lần Bitfinex – nơi đang có chênh lệch nạp rút cao thứ hai trên danh sách thống kê.
Lý do của vụ việc này là nghi vấn vi phạm luật cấm vận và chống rửa tiền từ 2018 của Binance. Theo Reuters, một số công tố viên đã nộp đơn tố cáo hình sự 12 giám đốc Binance, trong đó có CEO Binance Changpeng Zhao. Tuy nhiên, nhiều công tố viên khác lại đang tìm thêm bằng chứng kết tội Binance.
Một tin đồn khác cũng được chú ý không kém là nguồn dự trữ của Binance đang dần cạn kiệt và hiện tượng bank run sắp xảy ra. Điều này làm cho niềm tin đối với sàn giao dịch dần trở nên mơ hồ. Nhưng câu chuyện này dường như chỉ là FUD.
Đến cuối tuần qua, Binance bị cộng đồng lên án quyết định chặn tài khoản của một người dùng vì có những cáo buộc “vô lý” cũng như khóa rút tiền các tài khoản bất ngờ hưởng lợi từ biến động của những đồng coin Sun Token, Ardor, Osmosis, FUN và Golem trên sàn giao dịch.
Không những vậy, dù đã công bố xác thực Proof-of-Reserves (PoR) trên Blockchain và được đơn vị kiểm toán xác nhận tỷ lệ nắm giữ Bitcoin đạt 101%, Binance vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của giới truyền thông. Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng báo cáo dự trữ tài sản của Binance đã bỏ qua việc kiểm soát tài chính nội bộ và có phần mờ ám.
Đây được xem là một bài kiểm tra cho khả năng chịu đựng của sàn Binance, và rõ ràng là anh cả này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi quá trình nạp rút vẫn diễn ra suôn sẻ. Đến thời điểm thực hiện bài viết thì FUD đã giảm dần và tình hình đã tương đối ổn định trở lại.
Khái niệm FUD đã được nhắc đến khá nhiều trong bản tin này, nhưng liệu bạn đã biết về hiệu ứng tâm lý này chưa? Đọc ngay nếu vẫn chưa hiểu rõ:
Sam Bankman-Fried cuối cùng đã bị bắt, tạm giam tại Bahamas đến tháng 02/2023
Sáng ngày 13/12 (giờ Việt Nam), chính quyền đảo quốc Bahamas thuộc vùng Caribbean, nơi đặt trụ sở của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX đã tuyên bố phá sản vào tháng 11, cho biết đã tiến hành bắt giữ cựu CEO Sam Bankman-Fried. Chính phủ Bahamas lưu ý rằng, nếu chính phủ Hoa Kỳ đưa ra yêu cầu dẫn độ, họ sẽ xử lý yêu cầu đó “ngay lập tức”. Tòa án đã “nói không” với đề nghị bảo lãnh tại ngoại Sam Bankman-Fried và sẽ tạm giam anh tại nhà tù Fox Hill (Bahamas) cho đến 08/02/2023.
Theo hồ sơ gửi lên Tòa án Quận Nam New York, Bankman-Fried đang đối mặt với 3 cáo trạng riêng biệt với rất nhiều tội danh từ Bộ Tư pháp, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ và Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn Hoa Kỳ. Theo một số nguồn tin, với những cáo buộc nặng đô, Sam có thể bị kết án lên đến 115 năm tù.
Sam Bankman-Fried dự kiến tham gia phiên điều trần của Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 13/12 và làm chứng về sự sụp đổ của đế chế tiền mã hóa FTX. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, cựu CEO sàn giao dịch Crypto này đã không thể tham dự phiên điều trần.
Sam gần đây đã mời BBC đến biệt thự của mình ở Bahamas và nói với giới truyền thông rằng anh ta hy vọng sẽ bắt đầu một công việc kinh doanh mới và kiếm đủ tiền để trả lại cho các nạn nhân của vụ sụp đổ. Nhà sáng lập FTX cũng phủ nhận các cáo buộc gian lận: “Tôi không cố ý lừa đảo, tôi không nghĩ mình đã lừa đảo, tôi không hề có ý định thực hiện bất cứ hành vi nào trong số đó. Tôi chắc chắn không có đủ năng lực để quản lý như tôi từng nghĩ”.
PayPal tích hợp với ví MetaMask
PayPal sẽ chính thức tích hợp dịch vụ mua, bán và lưu trữ tiền mã hóa của mình với ví MetaMask. Thông cáo báo chí cho hay, sự hợp tác giữa nhà phát triển ví MetaMask ConsenSys và PayPal như cánh tay nối dài, giúp người dùng tiến sâu hơn vào khám phá Web3.
Tuy nhiên, chức năng trên chỉ đang có sẵn đối với một số người dùng Mỹ và sẽ sớm triển khai cho toàn bộ khách hàng Mỹ trong vài tuần tới. Hiện PayPal chỉ khả dụng trên ứng dụng di động MetaMask. Tiện ích mở rộng vốn đã cho phép người dùng Mỹ mua Crypto thông qua CoinbasePay, Transak, MoonPay và Wyre. Phí dịch vụ 1% trên MetaMask sẽ áp dụng cho tất cả giao dịch ngoài phí PayPal hiện hành, theo lời Lorenzo Santos – Giám đốc Sản phẩm MetaMask.
PayPal được xem là một trong những đầu tàu của mảng thanh toán số. Nền tảng đang phục vụ hơn 429 triệu người dùng và doanh nghiệp trên toàn cầu. Ngoài ra, PayPal còn nổi tiếng với lập trường kiên định và niềm tin bất diệt vào Crypto. Mới đây, gã khổng lồ ngành thanh toán bước đầu triển khai dịch vụ mua, bán và lưu trữ tiền mã hóa ở Luxembourg.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát hành bộ sưu tập NFT
Tối ngày 15/12, cộng đồng tiền mã hóa trên Twitter bất ngờ chia sẻ thông tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát hành một bộ sưu tập NFT theo dạng thẻ bài. Mỗi thẻ bài là một hình ảnh photoshop có phần “sơ sài” của ông Trump nhưng lại có giá bán 99 USD/NFT. Đổi lại, người mua sẽ có cơ hội nhận các quyền lợi đặc biệt như ăn tối, gặp mặt trực tiếp hay chơi golf với ông Trump. Song, các quyền lợi ấy sẽ chỉ giới hạn cho công dân Mỹ.
Nếu người mua lựa chọn hình thức mua 45 thẻ bài cùng lúc, họ chắc chắn sẽ nhận được vé tham dự gala tối với ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Florida. Tuy nhiên, số lượng mua tối đa cho mỗi tài khoản đăng ký sẽ là 90 NFT. Các NFT trên có thể được mua bằng thẻ tín dụng hoặc tiền mã hóa, với đồng Crypto duy nhất hỗ trợ là WETH.
Website dự án tuyên bố các NFT của ông Trump sẽ được phát hành trên Polygon với tổng số lượng là 45.000. Con số 45 cũng xuất hiện xuyên suốt bộ sưu tập vì Trump là Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Mỗi thẻ bài sẽ có độ hiếm ngẫu nhiên, từ 1 bản sao duy nhất cho đến 20 bản sao của cùng một hình ảnh.
Một điểm đáng chú ý là ông Trump sẽ không được hưởng lợi tài chính hay sử dụng số tiền 4,5 triệu USD thu về từ hoạt động bán NFT cho chiến dịch tranh cử của bản thân. Ông Trump mới đây đã tuyên bố trở lại chính trường Mỹ khi đứng ra vận động tranh cử Tổng thống năm 2024. Vợ của ông là bà Melania Trump cũng từng phát hành bộ sưu tập NFT cá nhân năm 2021, nhưng đi kèm với đó là “drama” tự mua tự bán với chính mình.
5,7 triệu email của khách hàng Gemini bị rò rỉ
Theo thông báo ngày 14/12, Gemini cho biết sàn đã bị xâm nhập 5.701.649 địa chỉ email cũng như số điện thoại khách hàng. “Một số khách hàng của Gemini gần đây đã trở thành mục tiêu của các chiến dịch lừa đảo mà chúng tôi tin rằng là sự cố xuất phát từ một nhà cung cấp bên thứ ba”, trích dẫn tuyên bố. Tuy nhiên, không có hệ thống nào bị ảnh hưởng và tất cả tài khoản của khách hàng vẫn an toàn. Sàn cũng khuyến nghị người dùng không nên phụ thuộc vào email cho việc xác thực cũng như bảo mật tài khoản.
Trên Reddit, nhiều người dùng đã đăng đàn báo cáo rằng đã nhận được email lừa đảo gửi đến địa chỉ chỉ dùng để đăng ký tài khoản Gemini. Trước đó, vào cuối tháng 11, đã có người cảnh báo về cuộc lừa đảo mạo danh đang diễn ra, nhắm mục tiêu đến người dùng Gemini thông qua email đã đăng ký.
Hình thức tấn công phishing đã không còn lạ lẫm với ngành Crypto. Trước Gemini, sự cố tương tự đã từng xảy ra với Trezor, Etherscan, CoinGecko hay Balancer. Mẫu số chung của những vụ việc này là người dùng bị các đối tượng mạo danh công ty, gửi đường dẫn độc hại, thông báo nhận airdrop… để đánh lừa, điều hướng đến mục tiêu đánh cắp tiền. Nhìn chung, người dùng vẫn nên cẩn trọng trước khi tương tác hay nhấp vào bất kỳ ứng dụng và đường link nào.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 12 – 16/12/2022