Khóa học đầu tư 4.0 với Crypto

Cú hụt chân của FTX làm rung chuyển thị trường tiền mã hóa

tiền mã hóa

Cú hụt chân của FTX làm rung chuyển thị trường tiền mã hóa

Tin tức nóng nhất tuần qua chắc hẳn là việc sàn FTX của Sam Bankman-Fried đứng trước nguy cơ sụp đổ.

FTX tự “gắn mác” cho mình là “vị vua cứu trợ” tiền mã hóa trong cuộc khủng hoảng Crypto gần đây. Nền tảng này đã hào phóng đề nghị cứu trợ một số nền tảng tiền mã hóa gặp khó khăn, cung cấp hàng triệu USD với tín dụng quay vòng. Tuy nhiên, trong một biến cố kỳ lạ, sàn giao dịch này đã bị vỡ nợ và phải bán tài sản của mình cho đối thủ cạnh tranh.

Trước đó đã có các tin đồn về việc FTX lấy tiền người dùng cho Alameda vay, để rồi đầu tư thua lỗ khi thị trường Crypto xoay chiều trong năm 2022 và gánh khoản thâm hụt lên đến 10 tỷ USD. Nguồn tin từ Reuters khẳng định FTX đang trong quá trình kêu gọi 9,4 tỷ USD để khôi phục hoạt động. Trong thông điệp nội bộ gửi đến nhân viên, CEO Sam Bankman-Fried tuyên bố mục tiêu tập trung trong tuần tới là phải gọi được vốn.

Binance "quay xe" từ chối giải cứu, FTX đứng trước nguy cơ phá sản

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết có vẻ như chỉ trong vài giờ Binance đã nhận ra rằng giải cứu FTX là chuyện khó. “Chúng tôi đã hi vọng có thể hỗ trợ các khách hàng của FTX bằng cách cung cấp thanh khoản, nhưng các vấn đề mà FTX gặp phải là nằm ngoài tầm kiểm soát cũng như khả năng của chúng tôi”, nhà sáng lập Binance nói trong thông báo. “Hố đen” tài chính – chênh lệch giữa nợ và tài sản của FTX có thể lên đến hơn 6 tỷ USD.

Trong khi Bankman-Fried không còn là tỷ phú, Changpeng Zhao (CZ) hiện vẫn là tỷ phú tiền mã hóa giàu nhất thế giới với tài sản 16,4 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg. Tuy nhiên, kể cả CZ cũng không miễn nhiễm trước những cú lao dốc. Ở thời kỳ đỉnh cao, tài sản ròng của CZ lên tới 97 tỷ USD.

Quyết định của Binance tuy bất ngờ nhưng có thể hiểu được
Quyết định của Binance tuy bất ngờ nhưng có thể hiểu được

Thị trường Crypto “đỏ lửa”

Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, BTC đã mất hơn 8% giá trị trong 24 giờ, giao dịch quanh mốc 17.000 USD tại thời điểm viết bài. Trong khi đó, Ethereum (ETH) cũng giảm hơn 16%, xuống còn 1.200 USD. MATIC của Polygon là đồng coin chịu thiệt hại nhiều nhất trong top 10 tiền mã hóa đứng đầu, mất khoảng 20% trong ngày.

Các nhà phân tích thị trường Bitfinex cho rằng những vấn đề gần đây xuất hiện trong không gian Crypto sẽ càng làm trầm trọng thêm tâm lý tiêu cực xung quanh Bitcoin, khi mà BTC vốn đã nằm trong phạm vi giao dịch khó khăn.

Hàng loạt công ty Crypto nhanh chóng làm rõ mức độ tiếp xúc với FTX

Với việc sàn giao dịch FTX gần như sụp đổ, nhiều công ty hàng đầu trong không gian tiền mã hóa đã làm sáng tỏ rằng, liệu họ có tiếp xúc với sàn giao dịch, native token FTT và công ty giao dịch có liên quan Alameda Research hay không. Các công ty đáng chú ý đã tiết lộ mức độ tiếp xúc với FTX hoặc tiền của họ bị mắc kẹt trên sàn giao dịch.

  • Amber Group: Amber Group cho biết không tiếp xúc với native token FTT của Alameda hoặc FTX, nhưng họ có xấp xỉ 10% số tiền giao dịch bị mắc kẹt trên sàn FTX. Tình hình này không đe dọa hoạt động hoặc tính thanh khoản của công ty.
  • Crypto.com: CEO Kris Marszalek tuyên bố có tiếp xúc trực tiếp với FTX, nhưng ở mức “phi vật chất”, với xấp xỉ 10 triệu USD vốn được gửi trên sàn giao dịch để thực hiện các giao dịch của khách hàng.
  • Galaxy Digital: Trong báo cáo thu nhập quý 3, công ty cho biết họ có 76,8 triệu USD tiếp xúc với FTX. Trong đó, 47,5 triệu USD “đang trong quá trình rút”.
  • Kraken: Sàn giao dịch Kraken cho biết họ nắm giữ 9.000 FTT, nhưng không liên quan đến Alameda.
  • Multicoin Capital: Công ty đầu tư mạo hiểm tiền mã hóa Multicoin Capital được cho là bị ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc khủng hoảng FTX. Khoảng 10% tài sản được quản lý trong Master Fund của công ty này vẫn đang chờ được rút trên sàn giao dịch tính đến sáng ngày 09/11. Những tài sản này bao gồm Bitcoin, Ether và USD.
  • Selini Capital: Giám đốc đầu tư của Selini Capital, Jordi Alexander cho biết công ty này có khoảng 3% tài sản trực tiếp trên FTX mà họ hy vọng sẽ lấy lại được. Tuy nhiên, Alexander cũng nhấn mạnh rằng “đó không phải là ngày tận thế” và công ty lo ngại hơn về tác động lâu dài của tình hình đối với ngành.
  • Sequoia Capital: Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital đã gửi một lá thư cho các thành viên góp vốn nói rằng họ có khoản lỗ 213,5 triệu USD liên quan đến FTX. Tuy nhiên, công ty này mô tả việc tiếp xúc với sàn giao dịch là “hạn chế”. Sequoia đã rút toàn bộ các khoản đầu tư vào FTX của mình.

Các công ty tuyên bố ít hoặc không tiếp xúc với FTX bao gồm: Anchorage Digital, AlphaLab, Bitmex, Coinbase, Cumberland, Deribit, Genesis, Solana Labs, Nexo, Tether.

Cú hụt chân của FTX làm rung chuyển cả thị trường tiền mã hóa cic news

Động thái của các nhà lập pháp và cơ quan quản lý

Các cơ quan quản lý của Mỹ đang cân nhắc việc điều tra liệu FTX có xử lý các khoản tiền của nhà đầu tư theo đúng quy tắc hay không, cũng như mối quan hệ của công ty với các thành phần khác trong đế chế tiền mã hóa của Sam Bankman-Fried. 

Hôm 10/11, cơ quan quản lý tài chính California (California Financial Regulator) thông báo điều tra FTX. California là tiểu bang đầu tiên chính thức công bố cuộc điều tra. Các bang khác cũng xem xét vào cuộc, bao gồm cả Texas, và có khả năng các cuộc điều tra của họ sẽ mở rộng phạm vi.

Binance nạp thêm tiền vào quỹ bảo hiểm người dùng sau sự cố FTX

CEO CZ của Binance cho biết sàn giao dịch Crypto lớn nhất thế giới đã tăng Quỹ tài sản bảo mật cho người dùng (SAFU) lên 1 tỷ đô la. Các khoản nắm giữ BUSD và BNB chiếm 700 triệu đô la và BTC chiếm 300 triệu đô la còn lại. Mục đích của hành động này là để cung cấp cho khách hàng sự bảo vệ tối đa trong trường hợp một sự kiện tiêu cực khác xảy ra.

CZ chỉ ra, động thái này có thể mang lại sự minh bạch và tăng cường bảo mật cho khách hàng trong thời điểm đầy thách thức hiện nay. Binance đã thành lập SAFU vào năm 2018 như một quỹ bảo hiểm khẩn cấp có thể bảo vệ khách hàng trong các tình huống ngoài ý muốn. Do mùa đông Crypto đang diễn ra, số dư của quỹ gần đây đã giảm xuống còn 735 triệu đô la trước khi tăng trở lại 1 tỷ đô la như hiện tại.

Binance nạp thêm tiền vào quỹ bảo hiểm người dùng sau sự cố FTX cic news

“Kể từ tháng 11/2022, chúng tôi đã đưa số dư của SAFU trở lại 1 tỷ đô la. Chúng tôi đã cam kết với người dùng cùng hệ sinh thái lớn hơn rằng SAFU sẽ luôn duy trì ở giá trị lớn. Chúng tôi sẽ giữ lời hứa đó”, một tuyên bố của Binance viết.

Hàn Quốc hoàn thành cuộc thử nghiệm giao dịch NFT và CDBC

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã phát triển và thử nghiệm một chương trình nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển kiều hối xuyên biên giới, thông qua các loại tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC). Ngoài ra, BOK cũng hoàn thành giao dịch dùng CBDC mua NFT. Cuộc thử nghiệm được chia làm hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 08/2021 và hoàn thành cột mốc đầu tiên ngày 22/06. Trong giai đoạn thứ hai, trọng tâm thử nghiệm là đánh giá tính khả thi của các giao dịch ngoại tuyến, giao dịch tài sản mã hóa… 

Theo phát hiện được công bố vào đầu tuần, đồng tiền kỹ thuật số CBDC do BOK phát hành còn tồn tại một số hạn chế kỹ thuật, gây cản trở cho việc sử dụng. Thí nghiệm cho kết quả CBDC có thể xử lý tới 2.000 giao dịch/giây. Tuy nhiên, công nghệ sổ cái phân tán, làm nền tảng cho tiền mã hóa, vẫn chưa đáp ứng khả năng mở rộng cần thiết cho một CBDC bán lẻ. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu sử dụng cơ sở dữ liệu sổ cái tập trung tiêu chuẩn. BOK khuyến nghị “cần rút ngắn thời gian phản hồi để cải thiện việc xử lý theo thời gian thực đối với các giao dịch lớn so với các dịch vụ thanh toán điện tử khác”.

Hàn Quốc hoàn thành cuộc thử nghiệm giao dịch NFT và CDBC cic news

Trong bài phát biểu, Thống đốc Chang Yong Rhee nhận định: “Đồng won kỹ thuật số đòi hỏi phải đánh đổi. Chúng tôi nhận ra rằng không có thứ gọi là công nghệ hoàn hảo hay thiết kế CBDC nào có thể đáp ứng tất cả các mục tiêu và kỳ vọng trong cùng một lúc. Ví dụ, ngân hàng đã đưa ra quyết định ưu tiên sự tuân thủ nên phải hy sinh quyền riêng tư”. Bên cạnh đó, BOK đã thiết lập một hệ thống giám sát rửa tiền ảo, tài trợ khủng bố và tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi dữ liệu.

Hãng giày ASICS hợp tác với Solana và STEPN, bán sneakers phiên bản đặc biệt

Trong khuôn khổ hội nghị Solana Breakpoint diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) từ ngày 04 ‒  07/11, Solana cho biết đã hợp tác với hãng giày thể thao nổi tiếng ASICS và dự án game move to earn STEPN để mở bán một dòng giày chạy đặc biệt.

Nằm trong “Bộ sưu tập UI”, đôi giày chạy mới của Solana được phát triển trên nền tảng dòng giày GT-2000™ 11 của ASICS, với hai màu cơ bản là đen và trắng cùng một dải màu gradient “thương hiệu” của Solana ở phần gót. Giày sẽ chỉ được mở bán độc quyền trên website ui.asics.com và không giới hạn số lượng mua.

Move to earn là một xu hướng nổi bật trong thời gian gần đây. Bạn có thể tìm hiểu thêm về move to earn cũng như 5 xu hướng Blockchain khác trong bài viết:

» Tổng hợp 5 xu hướng Crypto đang được quan tâm hiện tại

Hãng giày ASICS hợp tác với Solana và STEPN, bán sneakers phiên bản đặc biệt cic news

Giá của mỗi đôi giày sẽ là 200 USDC trên Solana (đã bao gồm chi phí vận chuyển toàn cầu và thuế). Người mua sẽ buộc phải sử dụng ứng dụng thanh toán Solana Pay để đặt hàng. Giày dự kiến sẽ được giao kể từ tháng 03/2022. Đặc biệt, mỗi người dùng đặt mua giày sẽ nhận được một NFT từ ASICS, đóng vai trò làm chứng nhận mua hàng.

Trước đây, ASICS đã từng hợp tác với STEPN để phát hành các bộ sưu tập NFT giày mang thương hiệu của hãng. Trong năm 2022, Solana liên tục có những hướng đi phát triển nhắm đến thế giới thực, thể hiện qua việc tuyên bố phát triển “smartphone nhà làm” mang tên Saga và khai trương cửa hàng vật lý.

2 ông lớn ngành ngân hàng và viễn thông Nhật bản và tham vọng với Crypto/Web3 vào năm 2023

Laser Digital, công ty con chuyên mảng Crypto mới ra mắt gần đây của Nomura ‒ ngân hàng đầu tư và môi giới lớn nhất Nhật Bản, có kế hoạch gia tăng thêm số lượng nhân sự. Các kế hoạch bao gồm việc ra mắt nền tảng giao dịch Crypto cho các khách hàng tổ chức vào năm 2023. Laser Digital dự định sẽ tăng nhân viên lên 55 người trong vòng 3 tháng tới. Điều đó có nghĩa là lực lượng lao động sẽ tăng 45% khi công ty tìm cách cung cấp một loạt các dịch vụ Bitcoin và crypto.

Lúc đầu, Laser Digital tìm cách nâng cao trình độ nhân sự tại trụ sở chính ở Thụy Sĩ, sau đó là các trung tâm khác được đưa vào hoạt động ở Dubai và London. Sau khi tăng cường cấp độ nhân viên toàn cầu, công ty sẽ thảo luận về việc thiết lập các hoạt động tại Nhật Bản. Giám đốc điều hành Jez Mohideen đã bày tỏ rằng Laser Digital không vội báo cáo lợi nhuận vì công ty đang chờ cơ quan quản lý ở Dubai phê duyệt. 

2 ông lớn ngành ngân hàng và viễn thông Nhật bản và tham vọng với Crypto/Web3 vào năm 2023 cic news

Ngoài ra, nhà khai thác mạng di động Nhật Bản NTT Docomo sẽ đầu tư 4,1 tỷ USD vào Web3, trích báo cáo tài chính quý 2 của công ty. NTT Docomo hiện là nhà mạng di động lớn nhất Nhật Bản, phục vụ hơn 84 triệu thuê bao.

Theo tờ Nikkei Asia, nhà cung cấp dịch vụ di động đang có ý định thành lập một doanh nghiệp Web3 vào năm 2023, với 4 chức năng chính: ví Blockchain, sàn giao dịch tiền mã hóa, phát hành token và chứng khoán. NTT Docomo cũng ấp ủ hợp tác với gã khổng lồ dịch vụ Accenture và nền tảng hợp đồng thông minh multi-chain Astar, nhằm thu hút sự tham gia và hợp tác từ các ngành và doanh nghiệp thông qua hướng tiếp cận DAO.

Thông tin được tổng hợp bởi CIC

Tin tổng hợp tuần 07 – 11/11/2022

Nếu bài viết này đem lại nhiều giá trị hữu ích cho bạn, thì đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ ngay bài viết này đến cho mọi người bạn nhé!

Trải nghiệm dịch vụ CIC miễn phí

Tôi là Trần Đăng Khoa, người sáng lập nên cộng đồng Crypto Inner Circle (CIC).
Tôi hy vọng sẽ có dịp đồng hành cùng bạn trên con đường gặt hái thành công
từ thị trường Crypto

MASTER INVESTOR

Trần Đăng Khoa

 

Bắt đầu hành trình Bậc Thầy Crypto của bạn ngay bây giờ!

Hãy để lại thông tin tại đây nhé. Đội ngũ tư vấn của CIC sẽ liên hệ hỗ trợ bạn trong thời gian sớm nhất có thể.