Dòng vốn đầu tư Crypto đang trở lại mạnh mẽ
Theo thống kê của CoinShares, dòng tiền đổ vào (inflow) các sản phẩm đầu tư Crypto trong 6 tuần qua đã lên đến 767 triệu USD. Đây là con số chưa từng thấy kể từ cuối năm 2021, thời điểm Bitcoin lập đỉnh mới ở 69.000 USD. Tính riêng tuần rồi, dòng vốn vào đã ghi nhận 261 triệu USD, tiếp nối 5 tuần liên tiếp trước đó đều có netflow dương.
Dòng vốn tập trung chủ yếu vào Bitcoin (BTC) với tổng vốn đầu tư đạt 229 triệu USD trong tuần trước và 842 triệu USD của suốt năm nay. James Butterfill, trưởng bộ phận nghiên cứu của CoinShares, giải thích rằng nguyên nhân của điều này chính là “cơn sốt” xoay quanh ETF Bitcoin tại Mỹ và một số dữ liệu kinh tế vĩ mô mềm mỏng hơn.
Các sản phẩm Ethereum tạo ra dòng tiền 17,5 triệu USD, cao nhất kể từ tháng 08/2022, sau một thời gian dài bị nhà đầu tư thoái vốn. Đáng chú ý, các quỹ đầu tư Solana (SOL) lại đạt mức cao nhất trong 14 tháng, với inflow ghi nhận ở mức 11 triệu USD, kế đến là Chainlink (LINK) thu hút được 2 triệu USD.
Theo thống kê từ CCData, volume giao dịch spot trên các sàn giao dịch tập trung trong tháng 10 rồi đạt 632 tỷ USD, tăng 87,2% so với tháng 9. Đây đồng thời là khối lượng giao dịch spot hằng tháng cao nhất được ghi nhận trên các sàn tập trung trong 4 tháng qua.
Nguyên nhân của “cú lội ngược dòng” này được cho là do câu chuyện ETF Bitcoin spot và hành động giá tổng thể của các đồng tiền mã hóa lớn trong vài tuần qua. Bitcoin và Ethereum đã bắt đầu đà tăng từ giữa tháng 10. Bitcoin còn lập đỉnh mới của năm 36.000 USD vào rạng sáng 09/11.
Một tín hiệu khác cho thấy sự khởi sắc trở lại của thị trường tiền mã hóa là việc dòng vốn đổ vào các sản phẩm đầu tư Crypto trong tháng 10 đạt 767 triệu USD, cao nhất kể từ cuối năm 2021.
BlackRock xác nhận lập ETF Ethereum spot, ETH nhảy vọt lên đỉnh 6 tháng
Vào tối ngày 09/11, cộng đồng tiền mã hóa đã xôn xao trước thông tin BlackRock đã chuẩn bị thủ tục mở ETF Ethereum spot khi đăng ký nó tại Delaware. Thông tin này, dù chưa được xác thực, đã đủ để đẩy giá Ethereum từ 1.950 USD tăng lên 2.050 USD. Đến rạng sáng ngày 10/11, BlackRock chính thức xác nhận về sự tồn tại của ETF Ethereum spot khi gửi đề xuất thành lập nó lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Quỹ sẽ có tên chính thức là iShares Ethereum Trust, do sàn chứng khoán Nasdaq niêm yết và hỗ trợ giao dịch. Đơn vị lưu ký ETH cho quỹ sẽ là sàn tiền mã hóa Coinbase. Như vậy, đây là đề xuất ETF spot thứ hai được BlackRock thiết lập cho các tài sản tiền mã hóa, sau quỹ iShares Bitcoin Trust.
Bên cạnh BlackRock, nhiều tổ chức khác gồm Grayscale, Ark Invest, VanEck, ProShares và Valkyrie đều đã gửi lên SEC các đề nghị xin được mở ETF Ethereum spot trong thời gian qua. Trước đó, SEC đã chấp thuận cho loạt ETF Ethereum futures vào đầu tháng 10.
Nhiều nhà phân tích cho rằng SEC đang có nhiều tín hiệu chuẩn bị cho việc chấp thuận ETF Bitcoin spot, đặc biệt là sau khi gặp thất bại pháp lý trước Grayscale. Họ còn dự đoán về khung thời gian từ ngày 09/11 đến 17/11 để SEC có thể phê duyệt cho 12 đề xuất ETF Ethereum spot cùng một lúc.
Giá ETH trong sáng ngày 09/11 tiếp tục nối dài đà tăng trưởng lên mốc 2.132 USD – cao nhất kể từ tháng 04/2023 – bất chấp nhịp điều chỉnh nhẹ của Bitcoin và các altcoin khác. Hai đồng tiền hệ liquid staking trên Ethereum là Lido (LDO), RocketPool (RPL) và ssv.network (SSV) cũng được hưởng đà tăng của Ethereum.
Viettel phủ nhận việc hợp tác với ví MetaMask và dự án Crypto
Gần đây, cộng đồng tiền mã hóa lan truyền hình ảnh chụp màn hình một ví MetaMask của người dùng, trong đó có Viettel Money là một trong những phương thức thanh toán, bên cạnh các lựa chọn thẻ Visa, MasterCard. Hình ảnh này gây xôn xao không chỉ trong cộng đồng Crypto Việt mà còn lan tỏa trong cả cộng đồng toàn cầu trên X.
MetaMask là một trong những ví Crypto tự lưu ký hàng đầu thị trường, hỗ trợ người dùng chuyển nhận đa dạng các đồng tiền mã hóa. Nhưng vì pháp lý hạn chế, MetaMask và hầu hết các nền tảng giao dịch Crypto hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác “off-ramp” hỗ trợ chuyển đổi Crypto trực tiếp sang tiền pháp định.
Trong những năm qua, người dùng chỉ có một số tùy chọn ít ỏi là thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng Visa, Mastercard và Apple Pay. Chính vì vậy, tin đồn MetaMask tích hợp Viettel Money đã nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng tiền mã hóa trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đại diện Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết: “Viettel Money không hợp tác với bất kỳ sàn, đối tác nào để mua tiền mã hoá. MetaMask cũng không phải là đối tác của Viettel Money”. Phía Viettel khẳng định sẽ liên hệ với MetaMask yêu cầu họ gỡ bỏ logo ra khỏi website để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.
Trước đó vào ngày 06/11, xuất hiện thông tin giả mạo về việc Chính phủ Việt Nam muốn quản lý kiếm tiền từ X và các hội nhóm tiền mã hóa gây xôn xao dư luận. Dù đã được nhanh chóng kiểm định là tin giả, nhưng tốc độ lan truyền tin tức giữa thời buổi mạng xã hội bùng nổ như hiện nay là rất nhanh. Bạn cần cẩn trọng trước khi tiếp cận bất kỳ nguồn tin nào để tránh những thất thoát không đáng có.
HSBC chuẩn bị ra mắt dịch vụ lưu ký tài sản kỹ thuật số
HSBC, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, dự kiến ra mắt dịch vụ lưu ký tài sản kỹ thuật số vào năm 2024 cho các khách hàng doanh nghiệp tập trung vào chứng khoán được mã hóa. Họ sẽ hợp tác với chuyên gia bảo mật tiền mã hóa có trụ sở tại Thụy Sĩ Metaco.
Khi chính thức hoạt động, dịch vụ lưu ký này sẽ được tích hợp vào HSBC Orion, nền tảng phát hành tài sản kỹ thuật số và vàng mã hóa. Nền tảng này sử dụng token để đại diện cho quyền sở hữu số vàng vật chất được giữ trong kho bạc của ngân hàng ở London. Mục đích là để tạo thành một dịch vụ tài sản kỹ thuật số hoàn chỉnh cho các khách hàng doanh nghiệp.
Metaco là một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng lưu ký an toàn, cho phép khách hàng tổ chức mở rộng mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế Crypto. Công ty được thành lập tại Thụy Sĩ vào năm 2015 và phục vụ một loạt các khách hàng, bao gồm các ngân hàng toàn cầu, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp như Citi, Union Bank và ngân hàng BNP Paribas. Tháng 05/2023 vừa qua, Metaco đã được Ripple Labs mua lại quyền sở hữu với giá 250 triệu USD.
Đây không phải lần đầu tiên HSBC tiến hành thương mại hóa các ứng dụng dựa trên Blockchain của mình. Vào giữa tháng 06/2023, HSBC là ngân hàng Hồng Kông đầu tiên cho phép khách hàng giao dịch Bitcoin và Ethereum ETF. Thậm chí, họ còn lập quỹ đầu tư vào mảng Metaverse hồi tháng 04/2022 và ký kết mua đất trong The Sandbox.
Động thái mới nhất của HSBC gây mâu thuẫn với những phát biểu trước đây từ Giám đốc điều hành Noel Quinn rằng HSBC không có kế hoạch tham gia “cuộc chơi” tiền mã hóa vì quá biến động.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh giá cao về tiềm năng phát triển của token hoá tài sản đời thực (RWA). Tuy nhiên việc tích hợp và áp dụng nó sẽ chưa thể xảy ra sớm khi thị trường còn tồn đọng những lỗ hổng tài chính giữa các loại tài sản.
Binance ra mắt ví tự lưu ký Binance Web3 Wallet
Chiều ngày 08/11, như đã “úp mở” trước đó, Binance thông báo ra mắt sản phẩm mới là ví Binance Web3 Wallet. Đây là ví Crypto tự lưu ký được tích hợp trực tiếp trong ứng dụng Binance mà người dùng sử dụng trên điện thoại di động.
Binance cho biết muốn đưa ví trở thành cánh cổng thân thiện nối liền giữa sàn giao dịch và Web3, nhằm mục đích hỗ trợ người dùng tương tác đa Blockchain, giao dịch hàng ngàn token, sử dụng hàng loạt DApp chỉ trong một ứng dụng ví duy nhất.
Ông chủ sàn Binance Changpeng Zhao chia sẻ: “Các loại ví Web3 không chỉ đơn thuần nhằm mục đích lưu trữ tài sản số, mà chúng còn là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực Web3, trao quyền tự chủ tài chính cho tất cả mọi người.”
Các tính năng nổi bật của ví gồm:
- Swap token cross-chain tối ưu: Tận dụng sức mạnh của Binance Bridge và các sàn DEX hàng đầu để giao dịch lượng lớn token trên nhiều chain khác nhau, nhưng vẫn duy trì trượt giá thấp.
- Chuyển tiền liền mạch: Chuyển token dễ dàng giữa sàn Binance với ví Binance Web3, giữa CeFi, DeFi với Web3 liền mạch.
- Bảo mật tăng cường.
- Cảnh báo rủi ro: Nhận cảnh báo về mọi rủi ro bảo mật tiềm ẩn liên quan đến token hoặc Blockchain thông qua ví.
Từ ứng dụng Binance, người dùng chọn tab “Wallets” (Ví), sau đó chọn “Web3” và chọn “Create Wallet” (tạo ví) để bắt đầu sử dụng ví.
Như vậy, Binance Web3 Wallet đã trở thành đối thủ cạnh tranh của MetaMask và Trust Wallet, hai ứng dụng ví Crypto hàng đầu hiện nay. Bản thân Trust Wallet cũng thuộc hệ sinh thái Binance sau khi được sàn này mua lại hồi năm 2018.
Trước Binance, đã có các sàn CEX khác là Coinbase và OKX phát triển sản phẩm ví Web3 của riêng mình. Các ví này được tích hợp thẳng trong ứng dụng sàn, cung cấp thêm các tính năng DeFi để người dùng có nhiều lựa chọn hơn.
Phân tích thị trường – Góc nhìn của CIC
Sau nhiều ngày giữ giá trong khoảng vùng từ 33.800 USD đến 36.000 USD, Bitcoin đã thể hiện sức mạnh tăng trưởng bất ngờ bằng việc phá vỡ khu vực sideway này, đẩy giá lên đến vùng 38.500 USD vào ngày hôm qua. Tuy nhiên, vào tối cùng ngày, thị trường đã chứng kiến một đợt biến động mạnh mẽ khi giá BTC giảm từ 38.500 USD xuống còn 35.300 USD trong vòng chỉ 3 tiếng.
Sự biến động này đã “gây sốc” cho hàng loạt altcoin khiến chúng giảm giá từ 15 – 30%. Tình hình này đã dẫn đến thanh lý hàng loạt vị thế Long/Short trên các sàn giao dịch, với tổng giá trị lên đến 446,60 triệu USD chỉ trong 24 giờ qua.
Giai đoạn sắp tới có thể sẽ còn xảy ra những sự biến động ở biên độ rộng, vì vậy nhà đầu tư cần duy trì tinh thần thận trọng. Trong khi anh cả BTC đang giữ được đà tăng trưởng ấn tượng thì vẫn như những khuyến nghị trước, chúng ta cần hết sức hạn chế FOMO và duy trì sự nhất quán với chiến lược đầu tư của mình trong giai đoạn thị trường nhạy cảm này nhé.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 06 – 10/11/2023