Ông chủ sàn Crypto Binance lọt top 3 người giàu nhất giới tài chính
Mới đây, tờ Bloomberg đã liệt kê CEO Binance Changpeng Zhao (CZ) là một trong số “25 gã khổng lồ tài chính”, những người làm giàu thông qua các hoạt động tài chính thời hiện đại. Theo đó, CZ, 46 tuổi, lọt top 3 với khối tài sản 28,2 tỷ USD, kiếm được chủ yếu từ sàn giao dịch tiền mã hoá Binance ông vận hành. Nhưng trên Twitter cá nhân, CEO Binance đã lên tiếng phủ nhận con số tài sản được Bloomberg ước tính cho mình.
Cũng theo Bloomberg, ước tính doanh thu hằng năm của Binance rơi vào 12 tỷ USD, tuy nhiên con số này chưa được xác thực vì Binance chưa bao giờ công bố dữ liệu tài chính cũng như cổ phần của CZ. Đáng chú ý, vào đầu năm 2022, Bloomberg từng định giá tài sản của CZ ở mức 95,8 tỷ USD, giúp CEO Binance lọt top 10 những người giàu nhất thế giới.
CZ là người duy nhất trong danh sách được Bloomberg liệt kê thuộc lĩnh vực Crypto, các doanh nhân còn lại chủ yếu đến từ quỹ đầu tư, fintech và ngân hàng. Ken Griffin, người đứng đầu quỹ phòng hộ Citadel, sở hữu khối tài sản 35 tỷ USD, nắm giữ vị trí thứ nhất. Tiếp đó là nhà sáng lập Susquehanna, ông Jeff Yass, với 33,1 tỷ USD.
Khi các dự án Blockchain không đứng ngoài cơn sốt ChatGPT
Binance ra mắt chatbot Sensei dựa trên ChatGPT
Vào tối ngày 22/04, sàn giao dịch Binance thông báo ra mắt chatbot mới mang tên “Sensei”, một trợ lý AI hỗ trợ cộng đồng tìm hiểu Crypto và Web3. Binance Sensei được khởi chạy bởi ChatGPT, hệ thống chatbot trí tuệ nhân tạo được ưa chuộng nhất hiện nay. Theo công bố, Sensei tổng hợp thông tin dựa trên 1.000 bài viết của Binance Academy ‒ nền tảng giáo dục Blockchain do Binance xây dựng.
Tuy nhiên, chatbot mới chỉ nhằm mục đích đưa ra thông tin trung lập, không cung cấp quan điểm hay lời khuyên đầu tư. Để sử dụng Sensei, người dùng có thể nhấp vào biểu tượng robot ở góc dưới cùng bên phải của bất kỳ trang Binance Academy nào. Sau mỗi yêu cầu, Sensei sẽ đưa ra câu trả lời tiêu chuẩn và đính kèm đường dẫn đến 3 bài viết liên quan.
Solana cho phép ChatGPT truy xuất dữ liệu Blockchain
Trong thông báo vào ngày 25/04, Solana Labs cho biết dự án đang triển khai một plugin cho ChatGPT. Bước đi này sẽ cho phép người dùng tương tác với Solana như kiểm tra số dư ví, giao dịch on-chain Solana, thậm chí gửi token và mua NFT ngay trên ChatGPT.
Theo như ảnh chụp màn hình do Solana Labs chia sẻ, ChatGPT còn có thể truy xuất danh sách các NFT từ một ví cụ thể, xác định dữ liệu được lấy từ explorer của Solana Labs. Solana cũng khuyến khích các nhà phát triển tham gia test tính năng mới này thông qua việc truy cập vào bộ mã nguồn mở. Cùng với đó, Solana công bố khoản tài trợ 1 triệu USD cho các dự án xây dựng công cụ AI trên hệ sinh thái của mình.
⇒ Việc ChatGPT trở nên thông dụng vì những giá trị thực mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Không quá lạ lẫm khi các dự án Blockchain bắt đầu nhập cuộc theo thời thế. Tương tự, những gã khổng lồ Web2 như Microsoft, Google hay Alibaba đều đã cho ra mắt phiên bản ChatGPT của riêng họ.
Báo cáo: Hơn 30% video TikTok về Crypto dễ gây hiểu nhầm
Một nghiên cứu mới từ daapGambl chỉ ra rằng hơn 30% video trên TikTok về tiền mã hoá hay Crypto có nội dung gây hiểu nhầm và 50% mang tính thương mại.
CrypTok, một thuật ngữ mới xuất hiện kết hợp giữa Crypto và TikTok, ám chỉ đến nội dung phân khúc tiền mã hoá trên nền tảng xem video TikTok. Tuy nhiều người chọn TikTok làm nơi bắt đầu tìm hiểu về Blockchain, song CryptoTok đang bị báo cáo mang nhiều thông tin sai lệch và không đáng tin.
Theo nghiên cứu từ daapGambl, các hashtag phổ biến trong CrypTok như #crypto, #cryptok và #cryptoadvice đã có hơn 6 tỷ lượt xem. daapGambl đã rà soát 1.161 video đến từ 594 TikToker, với tổng view là 669 triệu, để đưa ra kết luận:
- 37% video không đi kèm tuyên bố từ bỏ trách nhiệm tài chính, thay vào đó khuyến khích người xem đầu tư để có được lợi nhuận lớn.
- Những người tạo nội dung có tổng hơn 35 triệu người theo dõi, chia trung bình mỗi người có 145.000 follower.
- 35% video về Bitcoin mang nội dung sai lệch, ngoài ra còn có 53 loại tiền mã hoá được nhắc đến trong CrypTok.
Bên cạnh giá trị giáo dục cho cộng đồng, nội dung về Crypto vẫn tồn đọng nhiều lỗ hổng và đầy rẫy những mánh lới scam nhắm vào những người mới. Người xem nên tự trang bị kiến thức cho mình và không nên tin hoàn toàn vào người ảnh hưởng. Bạn cũng phải cẩn trọng trước những lời mời chào về một sản phẩm cụ thể hoặc các đường link lạ.
Là một dịch vụ cung cấp thông tin đầu tư Crypto toàn diện, CIC luôn phấn đấu mang đến những thông tin bổ ích, giá trị cho cộng đồng. Kênh TikTok của CIC được lập ra để mang đến những nội dung ngắn nhưng vẫn phải chính xác, phù hợp cho mọi nhà đầu tư. Theo dõi CIC để cập nhật ngay những kiến thức Crypto thú vị:
Google Cloud ra mắt chương trình ươm mầm các start-up Web3
Google Cloud đang tìm cách giúp đỡ các dự án Web3 tiềm năng thông qua một chương trình tài trợ mang tên “Google for Startups Cloud Program”. Theo thông báo, chương trình sẽ hỗ trợ cho các dự án start-up mảng Web3, giúp họ đẩy nhanh tiến độ phát triển nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn. Các dự án đang trong vòng gọi vốn từ Seed Round đến Series A nếu đủ điều kiện sẽ có thể đăng ký tham gia chương trình.
Một số lợi ích khi tham gia bao gồm một khoản vốn trị giá 200.000 USD trong vòng 2 năm, quyền được tiếp cận sớm đến các sản phẩm Web3 của Google Cloud cũng như được đào tạo về các loại công nghệ đám mây mới nhất.
Ngoài ra, chương trình còn mang đến cơ hội giúp các start-up gọi vốn từ nhiều đối tác khác nhau, bao gồm Polygon Ventures với tổng quỹ đầu tư lên đến 3 triệu USD và các đối tác khác của Google Cloud như Aptos, Celo, Flow, HBAR Foundation, Near và Solana.
Động thái này diễn ra khi đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Google Cloud là Amazon Web Services (AWS) đang nỗ lực gia tăng thị phần trong không gian Web3. Đầu năm nay, AWS bắt tay với Blockchain layer-1 Avalanche để tăng tốc việc áp dụng Web3, cùng với tăng cường công tác tuyển dụng nhân sự trong ngành. Không chịu thua kém, Google Cloud cũng liên tục công bố hợp tác với hàng loạt các tên tuổi đến từ nhiều lĩnh vực như BNB Chain, Solana, Celo, Near, Coinbase… nhằm thúc đẩy phát triển Web3 và ươm mầm các tài năng mới nổi.
Trust Wallet tích hợp giải pháp MPC, cho phép đăng nhập bằng Google
MPC là viết tắt của multi-party computation, một loại ví đa chữ ký cho phép người dùng xác nhận từ nhiều nền tảng khác nhau. Nhờ cơ chế “tách private key” và được kiểm soát trên nhiều thiết bị, việc ví bị tấn công sẽ khó xảy ra hơn. Trust Wallet sẽ cộng tác với Web3Auth để tích hợp giải pháp này vào sản phẩm. Hiện MPC chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm.
Một ưu điểm khi Trust sử dụng MPC chính là việc cho phép người dùng truy cập nhanh vào ví bằng các tài khoản Google, Apple, Telegram và Discord, tạo ra sự tiện lợi và thân thiện hơn đối với những người mới tham gia thị trường. Ngoài ra, việc người dùng làm mất cụm 12 seed phrase đã không còn lạ lẫm. Với MPC, ví Trust sẽ cho phép họ khôi phục chúng bằng email hoặc SMS OTP của mình.
Eric Chang, Trưởng bộ phận Sản phẩm tại Trust Wallet cho biết: “Đây là một bước quan trọng vì nó mang lại lợi ích cho tất cả người dùng. Giờ đây, người dùng có thể dễ dàng sử dụng trong khi vẫn chọn ví tự quản để quản lý tài sản của họ. Bằng cách hợp tác với Web3Auth, chúng tôi tiếp tục cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn và giá trị lâu dài để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi Web3.”
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 24 – 28/04/2023