Crypto là thị trường đầu tư mới nhưng cực kỳ tiềm năng. Vậy Crypto là gì? Tiền điện tử là gì? Đầu tư Crypto như thế nào để tránh rơi vào trường hợp “tiền mất tật mang” khi tham gia?
Bên cạnh chứng khoán, cổ phiếu hay bất động sản thì “Crypto” dần trở nên phổ biến hơn và được khá nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, phần lớn đề cập đều là Crypto lừa đảo, nó chứa nhiều nội dung và thông tin tiêu cực. Vậy thực hư về thị trường Crypto như thế nào? Ở bài viết này, tôi sẽ giải đáp cho bạn tất tần tật những thông tin đó.
Crypto là gì?
Crypto (hay Cryptocurrency) là tiền mã hóa, chỉ có thể được giao dịch thông qua internet với các ứng dụng, phần mềm chuyên dụng. Crypto sử dụng thuật toán mã hóa nhằm bảo mật thông tin giao dịch dưới dạng kỹ thuật số và kiểm soát việc tạo ra các đơn vị mới nhờ vào công nghệ Blockchain.
Bất kỳ loại tiền kỹ thuật số nào áp dụng công nghệ Blockchain – một dạng “sổ cái” công khai ghi lại toàn bộ các giao dịch, sử dụng mật mã Crypto để mã hóa dữ liệu – đều có thể được gọi là tiền mã hóa.
Phân biệt tiền ảo, tiền điện tử và tiền mã hóa
Hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn Crypto với “tiền ảo” hay tiền điện tử. Để giúp bạn hiểu chính xác, chúng ta sẽ cùng phân tích sự khác nhau giữa tiền mã hóa, tiền điện tử và tiền ảo.
Tiền ảo
Chắc hẳn bạn đã từng chơi hoặc ít nhất đã từng nghe về game online như Võ Lâm Truyền Kỳ, Liên Minh Huyền Thoại… Tất cả đều có điểm chung là phải nạp một lượng tiền thật để nhận lại một lượng tiền trong game, từ đó mới mua được các vật phẩm. Số tiền đó được gọi là “tiền ảo”.
Mỗi trò chơi khác nhau sẽ có đơn vị tiền tệ khác nhau.
Đặc điểm của “tiền ảo” là chỉ dùng được trong phạm vi của trò chơi mà bạn nạp tiền vào. Bạn không thể sử dụng số tiền đó để thực hiện các giao dịch trong cuộc sống thực như mua thức ăn, sử dụng phương tiện giao thông công cộng…
Tiền điện tử
Định nghĩa một cách chính xác thì tiền điện tử chính là tiền kỹ thuật số. Đây là loại tiền pháp định nhưng được ban hành dưới dạng số hóa và sử dụng thông qua internet, có thể đại diện cho tiền pháp định dưới sự bảo đảm của chính phủ.
Ví dụ như tiền nằm trong internet banking hay các ví điện tử Momo, Moca, ZaloPay…
Tiền mã hóa
Tiền mã hóa nếu nói chính xác thì cũng là một phần nhỏ trong tiền điện tử nhưng nó không do chính phủ ban hành. Tiền mã hóa có thể được coi là loại tiền riêng biệt và độc lập so với “tiền kỹ thuật số”.
Vậy nên bạn có thể nói Crypto là “tiền mã hóa” hoặc “tiền điện tử”, nhưng gọi là “tiền ảo” hay “tiền kỹ thuật số” thì không đúng đâu nhé!
Bản chất của tiền tệ là giá trị đồng tiền được công nhận và sử dụng bởi cộng đồng. Khác với tiền pháp định do chính phủ phát hành, quy định và công nhận hợp pháp, công dân buộc phải sử dụng theo quy định của pháp luật, thì tiền mã hóa sẽ được chính những người tạo ra dự án trên Blockchain phát hành và chỉ có giá trị khi được cộng đồng chấp nhận sử dụng rộng rãi.
Các đặc điểm của tiền mã hóa
- An toàn: Tiền mã hóa được bảo mật bằng mật mã học và mỗi người sở hữu một khóa riêng. Không ai có thể truy cập khóa riêng đó ngoài chủ sở hữu. Mật mã được sử dụng để tạo khóa riêng này mạnh đến mức gần như không thể phá vỡ.
- Các giao dịch trong Crypto không thể thay đổi: Bất cứ giao dịch nào sử dụng tiền mã hóa như Bitcoin đều phải được xác nhận. Khi bạn đưa ra xác nhận, giao dịch sẽ được bắt đầu và không ai có thể ngăn chặn, ngay cả chính Satoshi Nakamoto, người được cho là đã tạo ra Bitcoin. Người dùng do vậy phải cẩn thận hơn khi xác nhận bất cứ giao dịch nào.
- Không cần sự cho phép: Bạn không cần phải xin phép bất kỳ ai. Tính năng này mang lại nhiều sự tự do hơn khi dùng Crypto.
- Ẩn danh: Nhiều người không thoải mái với việc chia sẻ danh tính trực tuyến. Tuy nhiên, với Crypto, tất cả những gì bạn cần là một địa chỉ có khoảng 30 ký tự. Điều này cũng khiến cho việc xác định danh tính người mua và bán trở nên cực kỳ khó.
- Phi tập trung: Tiền mã hóa không được quản lý bởi bất cứ cơ quan hay cá nhân nào vì chúng được phân bổ trên một mạng lưới máy tính ngang hàng.
- Biến động mạnh: Nếu tìm hiểu Crypto, hẳn bạn sẽ biết đây là lớp tài sản mới và do đó chưa thật sự ổn định. Lấy ví dụ Bitcoin, biên độ dao động hằng tháng của đồng tiền này vào cuối năm 2021 lên đến 40%.
Ưu và nhược điểm của tiền mã hóa
Ưu điểm
- Tiền mã hoá không thể bị làm giả: Nhờ ứng dụng công nghệ Blockchain nên việc làm giả tiền mã hoá dường như bất khả thi. Bởi vì các đồng tiền Crypto có số lượng hữu hạn và không thể tăng hay giảm. Mỗi đồng Crypto có một mã riêng và duy nhất nên không thể làm giả được.
- Tính bảo mật cao: Vì các đồng Crypto là sản phẩm số hoá, tất cả các giao dịch đều được mã hóa, chỉ được giao dịch trên internet nên tính bảo mật cao và rất khó bị hack.
- Giao dịch xuyên biên giới và luân chuyển ngay lập tức: Crypto không được kiểm soát bởi bất cứ cơ quan chính phủ nào nên có thể được giao dịch khắp mọi nơi trên thế giới qua internet. Hiện nay, các giao thức đã phát triển mạnh mẽ giúp mỗi dịch chỉ tính bằng giây.
- Hỗ trợ giao dịch ngang hàng và không cần trung gian: Các nhà giao dịch có thể trao đổi với nhau mà không cần không qua bên thứ 3 và không mất phí giao dịch. Nếu bạn giao dịch qua sàn tập trung thì phí trên các sàn đều tương đối thấp.
- Không gây ra lạm phát hay bị làm giả: Chính phủ có thể cho in thêm tiền pháp định, nhưng nếu nền kinh tế của quốc gia không tăng trưởng đúng như vậy thì sẽ gây ra lạm phát. Vì đặc điểm hữu hạn, không thể in thêm nên Crypto sẽ ngăn chặn được việc này. Chẳng hạn, chỉ có tối đa 21 triệu đồng Bitcoin sẽ được phát hành trên phạm vi toàn thế giới cho tới năm 2140, nên giá trị thực của Bitcoin luôn tăng theo thời gian.
Nhược điểm
- Vẫn chưa được công nhận rộng rãi: Chỉ một vài quốc gia hay thành phố hợp thức hoá Crypto. Trong khi đó, rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng.
- Nhiều mô hình lừa đảo: Hiện nay có rất nhiều mô hình lừa đảo trong thị trường này và chúng đang ngày càng tinh vi hơn. Những ví dụ tiêu biểu như: coin lừa đảo, trang web giả mạo, virus được phát tán để hack thông tin tài khoản.
- Rủi ro cao vì biến động giá rất lớn: Vì là thị trường còn non trẻ nên Crypto có biến động giá rất mạnh và gây nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Trong quá khứ, giá những đồng Crypto có thể giảm 30% – 40%/ngày. Điều đó sẽ được khắc phục khi thị trường trưởng thành hơn trong tương lai.
- Cần có kiến thức và hiểu biết liên quan tới loại tiền này: Để có thể đầu tư Crypto và kiếm tiền, bạn phải trau dồi kiến thức thật vững. Nếu không nắm vững kiến thức cơ bản thì bạn không những khó đầu tư thành công mà còn trở thành con mồi của việc lừa đảo.
Tại Việt Nam, Crypto có được xem là hợp pháp hay không?
Tại Việt Nam, Crypto ở đang ở giai đoạn đầu phát triển và vẫn chưa được công nhận chính thức. Theo quy định hiện hành, “đồng” là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hợp pháp tại Việt Nam là sec, lệnh chi, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, thẻ ngân hàng… theo quy định của ngân hàng nhà nước.
Việc sử dụng Crypto cho mục đích đầu tư hoặc trao đổi vẫn được phép tại Việt Nam. Nhưng nhà đầu tư Crypto sẽ không được bảo vệ pháp lý đối với các rủi ro liên quan đến giao dịch Crypto.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang cân nhắc đưa ra chính sách và quy định về tiền mã hóa, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu về công nghệ Blockchain để tận dụng tiềm năng của nó cho sự phát triển kinh tế và tài chính trong tương lai.
Cần bao nhiêu tiền mới có thể đầu tư Crypto?
Không có một đáp án cố định nào cho câu hỏi này. Tùy vào khả năng tài chính cá nhân mà bạn có thể đầu tư Crypto cho phù hợp.
Rất nhiều người đã bắt đầu với số tiền nhỏ nhưng vẫn có thể thu về lợi nhuận ấn tượng. Không gian tiền mã hóa có rất nhiều hình thức để bạn kiếm tiền và nếu tận dụng tốt thì mục tiêu tự do tài chính với Crypto là hoàn toàn có thể.
Tìm hiểu thêm: 7 cách kiếm tiền trong thị trường Crypto
Các loại Cryptocurrency trên thị trường
Hiện tại có hơn 12.000 Crypto và điều đáng kinh ngạc hơn là tốc độ tăng trưởng của chúng.
Số lượng tiền mã hóa đã tăng gấp đôi từ năm 2021 đến 2022. Vào cuối năm 2021, thị trường Crypto xuất hiện thêm khoảng 1.000 loại tiền mã hóa mới mỗi tháng.
Nhưng đây không phải là tin hoàn toàn tốt vì không phải loại nào cũng có mục đích, đường hướng phát triển rõ ràng hay vốn hóa thị trường hoặc khối lượng giao dịch đáng kể. Chỉ một phần nhỏ tiền mã hóa đáng để tìm hiểu và có thể mua, đồng nghĩa các nhà đầu tư cần phải chọn lọc kỹ lưỡng.
Tôi sẽ đề cập tất cả từng loại tiền mã hóa đang lưu hành trên thị trường Crypto, để bạn hiểu rõ tiềm năng cũng như rủi ro của nó trước khi đầu tư.
Coin & Token
Coin là gì?
Coin là loại tiền được ban hành trên một nền tảng Blockchain riêng biệt và hoạt động độc lập để giải quyết vấn đề tài chính hay bảo mật, ví dụ như Ethereum, Solana hay Near.
Bên cạnh đó, coin có đặc điểm tương tự như tiền tệ: chúng có thể được phân loại, có thể phân chia và có nguồn cung hữu hạn. Người dùng được phép chuyển coin trên cùng một mạng lưới. Tuy nhiên, họ không thể chuyển coin từ mạng lưới này sang mạng lưới kia. Ví dụ, bạn không thể chuyển Bitcoin vào mạng lưới của Ethereum.
Token là gì?
Token là một đồng tiền mã hóa không có Blockchain riêng và được tạo ra trên nền tảng Blockchain có sẵn (chẳng hạn như Ethereum).
Về cơ bản, mục đích sử dụng của token rộng hơn coin. Token có thể đại diện cho các loại tài sản trên Blockchain như: không gian lưu trữ, băng thông của mạng lưới, sức mạnh tính toán, điểm thưởng, điểm thành viên…
Ví dụ: KONO (token của Konomi) là token vì được lưu trữ, giao dịch trên Blockchain Ethereum.
Token có 2 loại chính:
- Utility Token được sinh ra để phục vụ cho một dự án với mục tiêu và tính năng cụ thể. Nó cung cấp cho chủ sở hữu một tiện ích nào đó liên quan đến dự án, có thể ở hiện tại hoặc trong tương lai. Mặc dù có giá trị nhưng các dự án không tạo ra các utility token cho mục đích đầu tư. Chúng cho phép người nắm giữ token quyền truy cập và sử dụng các dịch vụ và ưu đãi của dự án.
- Security Token được sinh ra như dạng cổ tức phiếu điện tử. Người dùng sẽ nhận được cổ tức dựa trên tổng token họ đang nắm giữ và có quyền bầu chọn hay đề xuất các công việc của dự án (có thể coi token này hoạt động tựa như cổ phiếu).
Coin | Token | |
---|---|---|
Nền tảng | Nền tảng riêng | Phụ thuộc vào nền tảng của coin |
Tính năng | Lưu trữ giá trị, loại tiền tệ | Tiện ích, thanh toán |
Ví | Có ví riêng | Dùng chung ví với coin |
Bitcoin & Altcoin
Bitcoin
Bitcoin là loại tiền điện tử được phát hành dưới dạng mã nguồn mở bởi một nhân vật (hoặc tổ chức) có bí danh là Satoshi Nakamoto. Đây chính là đồng tiền đặt nền móng cho sự phát triển vũ bão của cả thị trường Crypto như bạn thấy hiện nay.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn trước khi quyết định đầu tư Bitcoin thì bạn có xem tại bài viết này: 10 điều người mới cần biết trước khi đầu tư Bitcoin
Altcoin
Altcoin là tất cả đồng tiền còn lại ngoài Bitcoin với chức năng tương tự Bitcoin, ví dụ như Ethereum, Near hay Polkadot. “Alt” là viết tắt của “Alternative” (nghĩa là thay thế), nên bạn có thể hiểu đơn giản Altcoin là những đồng coin được sinh ra với mục tiêu thay thế được Bitcoin vào một ngày nào đó.
Cho đến nay, Bitcoin luôn là đồng tiền nắm giữ vị thế cao nhất trên thị trường Crypto. Tuy nhiên, nếu tham gia thị trường đủ lâu bạn sẽ thấy rằng, có những giai đoạn rất nhiều đồng Altcoin hàng đầu hoạt động tốt hơn Bitcoin trong một khoảng thời gian dài, và các giai đoạn đó được gọi là mùa Altcoin.
Các nhóm còn lại
- Stablecoin là loại tiền mã hóa được lập trình để theo dõi giá của một loại tài sản khác. Mục đích ra đời của nó là nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của biến động giá bằng cách neo theo giá của một tài sản ổn định hơn. Trong thị trường Crypto thì stablecoin thường được neo theo giá của USD. Các stabelcoin có vốn hóa cao nhất hiện tại là USDT, USDC, BUSD.
- Memecoin: Chỉ cần nghe tên, tôi nghĩ bạn đã phần nào hiểu về loại tiền mã hóa này. Xuất phát như một trò đùa giải trí của cộng đồng mạng, một số loại memecoin gắn với thức ăn như SushiSwap, Kimchi.Finance hay chó như Dogecoin, Shiba Inu đã ra đời. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án lại đang cho thấy sự nghiêm túc hoạt động sau khi nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
- Shitcoin là tên gọi chung của các đồng tiền không có mục tiêu phát triển rõ ràng và vốn hóa thấp (thường dưới 5 triệu USD). Chúng không được giao dịch trên CEX mà chỉ có thể giao dịch trên DEX (tôi sẽ nói rõ hơn 2 khái niệm này ngay bên dưới). Vì không đủ chức năng nên chúng cũng không có tuổi thọ cao như các coin uy tín, nhưng vẫn là một lựa chọn lướt sóng của nhiều trader dù tồn tại rủi ro.
Cách mua bán và lưu trữ tiền mã hóa
Mua bán Crypto
Các giao dịch như mua bán tiền mã hóa sẽ diễn ra trên sàn giao dịch. Trong thị trường Crypto có 2 loại sàn chính bao gồm:
- Sàn tập trung (CEX): Những sàn này do công ty kiểm soát, có thể kể đến như Binance, Huobi, Coinbase. Người dùng cần chuyển tài sản lên các sàn CEX để thực hiện giao dịch.
- Sàn phi tập trung (DEX): Cách sử dụng sàn phi tập trung sẽ phức tạp hơn khi sàn không giữ tài sản mà bạn cần đến ví phi tập trung (ví non-custodial). Bạn cũng cần biết sàn đang hoạt động trên Blockchain nào. Một vài sàn DEX đáng chú ý là Uniswap, Pancakeswap, dYdX, Curve.
Nếu là người mới tham gia đầu tư Crypto, tôi khuyên bạn nên ưu tiên các sàn tập trung vì tính dễ sử dụng và tính thanh khoản cao. Như sàn Binance – đây là một sàn lớn và uy tín nhất thời điểm hiện tại. Tôi cũng thực hiện rất nhiều giao dịch trên Binance và rất ít gặp sự cố.
Bạn có thể tham khảo top những sàn giao dịch Crypto uy tín khác mà tôi đã giới thiệu trong bài viết này:
Tổng hợp các sàn giao dịch Crypto uy tín bạn không nên bỏ qua
Bạn có thể lưu trữ tài sản mã hoá ở đâu?
Ngay sau sàn giao dịch, một vấn đề nữa không thể bỏ qua khi tìm hiểu Crypto là ví để lưu trữ Cryptocurrency. Giống như những loại tiền tệ khác, tiền mã hoá cũng cần được lưu trữ trong “ví” được gọi là “ví Crypto” hay “ví tiền điện tử”, nơi bạn có thể lưu trữ, gửi, nhận và theo dõi số dư. Ví Crypto sẽ được chia thành 2 loại chính là: ví nóng và ví lạnh.
Như tôi đã nói, tiền mã hóa tồn tại ở dạng phi vật lý và không thể cầm nắm được. Để lưu trữ tài sản, bạn sẽ cần đến một chiếc ví đặc biệt là ví Crypto. Vậy ví Crypto là gì? Hiểu đơn giản, đây là một phần mềm tương tác với công nghệ Blockchain để tạo ra khóa công khai và khóa riêng tư giúp giám sát số dư và giữ tài sản của bạn. Ví có thể lưu trữ nhiều loại coin hay token cùng lúc nhưng đa số chỉ hỗ trợ một vài loại tiền mã hóa nhất định.
Để hiểu rõ hơn về phân loại ví Crypto cũng như các trường hợp sử dụng, bạn có thể tìm hiểu qua:
Các loại ví Crypto – Cách lưu trữ coin phổ biến bạn cần biết
Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu thêm đến bạn 2 khái niệm mới mà tôi vẫn chưa làm rõ ở bài viết trên, đó là ví custodial và ví non-custodial.
- Ví custodial được truy cập bằng khóa riêng tư hoặc passphrase (một chuỗi ký tự thường gồm 12 đến 24 chữ cái để mã hóa thông tin). Nếu làm mất passphrase thì ngay cả ứng dụng hỗ trợ tạo ví cũng không thể giúp bạn lấy lại tài sản. Nhung loại ví này sẽ cho bạn quyền kiểm soát tài sản của mình.
- Ví non-custodial là ví của một tổ chức thứ ba để bạn lưu trữ tài sản, ví sàn là một minh họa. Bạn sẽ đăng nhập bằng email và mật khẩu, trường hợp mất mật khẩu vẫn có thể xác thực để đăng nhập. Rủi ro lớn nhất của ví non-custodial là mất hết tài sản nếu sàn bị sập.
Những website bạn nên biết khi tham gia thị trường Crypto
Thị trường Cryptocurrency đang phát triển liên tục với tốc độ chóng mặt, vì vậy bạn cần những công cụ theo dõi và cập nhật tin tức một cách nhanh chóng. Sau đây là những website bạn nên biết khi tham gia đầu tư Crypto:
- Cập nhật tin tức: Telegram, Twitter, Facebook.
- Cập nhật giá: Coinmarketcap, Coingecko.
- Cập nhật bài nghiên cứu: Messari, The Block, Coin98 Insights, Medium.
- Cập nhật kiến thức: Crypto Inner Circle (CIC).
Lời kết
Hy vọng rằng bài viết Crypto là gì? Những kiến thức Crypto cơ bản mà bạn phải biết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng thể hơn về Crypto. Trong tương lai, đây chắc chắn sẽ làm một kênh đầu tư đầy tiềm năng, tuy nhiên thành công chắc chắn sẽ chỉ mỉm cười với ai dám nắm bắt cơ hội và chịu học hỏi.
Bài viết này thuộc chuỗi bài viết của bộ “Cẩm nang Đầu tư Crypto cho người mới bắt đầu” được thiết kế như một cuốn cẩm nang nhằm giúp người mới nhìn nhận đúng về Cryptocurrency, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng thật vững vàng để bắt đầu hành trình đầu tư của mình.
Trần Đăng Khoa
Tài liệu tham khảo:
- Cryptocurrency Explained With Pros and Cons for Investment
https://www.investopedia.com/terms/c/cryptocurrency.asp
Bài viết liên quan:
- Top 5 xu hướng Crypto đang được quan tâm hiện tại
- Tổng hợp những kinh nghiệm đầu tư Crypto hiệu quả
- Bot là gì? 7 điều cơ bản cần biết khi đầu tư Crypto tự động nhờ chạy bot