Theo nhà phân tích tiền mã hóa hàng đầu, đây là cách Bitcoin phản ứng với việc FED tăng cao lãi suất
Vừa qua, tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa đã tăng 5,4% khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản (0,5%), mức cao nhất kể từ năm 2000. Mức tăng này tạo ra một phạm vi mục tiêu trong khoảng từ 0,75% – 1% sau khi tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 3 – lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 12/2018.
Nhà phân tích có bút danh Pentoshi nói với 540.600 người theo dõi trên Twitter của mình rằng anh thấy Bitcoin đang có xu hướng giống với các cổ phiếu công nghệ khi thị trường tiêu hóa tin tức đến từ cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
“Rất nhiều cổ phiếu ở mức thấp nhất vào tháng 03/2020 do Covid, ví dụ như Spotify, Netflix, Zoom, Paypal… Theo ý kiến của tôi, đợt tăng giá sau khi FOMC thông báo nội dung sau cuộc họp là khá khả quan”.
Light, một nhà giao dịch tiền mã hóa khác đồng ý với dự đoán BTC có khả năng sẽ tăng sau cuộc họp FOMC của Pentoshi vì thông báo sau cuộc họp sẽ kích hoạt một sự kiện “mua tin tức”. Nhìn vào các mức quan trọng cần theo dõi đối với tiền mã hóa Bitcoin trong những ngày tới, Pentoshi cho rằng sau khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự ở mức $39.700 thì sẽ ngay lập tức tăng nhanh lên đến $42.000.
Nền kinh tế sáng tạo sẽ bùng nổ trong metaverse, nhưng không phải dưới tay các ông lớn công nghệ
Trong chuyên mục công nghệ tiền mã hóa hằng tháng của mình, doanh nhân người Israel Ariel Shapira đã đề cập đến các công nghệ mới nổi trong không gian tiền mã hóa, tài chính phi tập trung (DeFi) và blockchain, cũng như vai trò của chúng trong việc định hình nền kinh tế của thế kỷ XXI.
Với thông tin Meta có kế hoạch cắt giảm gần 50% doanh số bán tài sản ảo trong Horizon Worlds, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các nghệ sĩ độc lập và người sáng tạo nội dung quay lưng lại với metaverse hoàn toàn, hoặc ít nhất là rời bỏ phiên bản của Meta, bất kể công ty hào hứng đến mức nào về nền kinh tế sáng tạo. Trả nhiều tiền là một điều cần thiết để cải thiện cuộc sống cho cộng đồng sáng tạo nội dung, nhưng Meta là một doanh nghiệp, không phải tổ chức từ thiện.
Các dịch vụ phát trực tuyến đã khiến cuộc sống của các nghệ sĩ trở nên khó khăn hơn và sự mệt mỏi đã ảnh hưởng đến sự đa dạng cũng như chất lượng nội dung trên nhiều thị trường khác nhau. Thông thường, những người sáng tạo ngày nay phải chạy theo các chính sách kiếm tiền liên tục thay đổi trên các nền tảng và việc đạt được tài trợ cũng không phải dễ dàng.
Về lý thuyết, sự ra đời của metaverse cung cấp một cách mới để nền kinh tế sáng tạo phát triển, đặc biệt là với việc tích hợp tiền mã hóa và các nền tảng phi tập trung. Trên thực tế, sự nổi bật của các công ty lớn trên nền tảng Web2 như Meta trong không gian metaverse không nhận được nhiều sự chào đón nồng nhiệt của những người sáng tạo độc lập.
Mối quan tâm về việc những gã khổng lồ thống trị không gian metaverse và Web3 không phải là kết quả của sự chống lại bất kỳ công ty nào. Thay vào đó, nó liên quan nhiều hơn đến quyền tự do và tính linh hoạt trong nền kinh tế sáng tạo mới này.
1. Những rắc rối khi tham gia metaverse
Mặc dù Meta biện minh rằng các khoản phí gây xôn xao dư luận của mình đến từ các rào cản quy định do Apple đưa ra, nhưng thật khó để biết điều đó giúp ích gì cho người sáng tạo nội dung. Chúng ta đều biết rằng các nền tảng công nghệ lớn không thân thiết với nhau cho lắm.
NFT cung cấp cho người sáng tạo cơ hội kiếm tiền tốt hơn. Người sáng tạo có thể thu hút những người mua sớm thông qua nền tảng dân chủ hóa như SparkWorld, hoạt động trên cơ sở bình đẳng, nơi mọi người đều có được lợi ích công bằng.
Hơn nữa, với nền tảng trả phí như Meta, chúng ta có thể nói lời chia tay nếu giá cả trở nên vô lý. Nếu người sáng tạo phải chia một nửa thu nhập của họ cho các công ty công nghệ lớn, bạn sẽ không thấy nhiều dự án metaverse khác. Và hãy thực tế: Không ai sẵn sàng trả một mức giá tương đương Gucci cho một thứ không những chỉ là ảo mà còn không thật sự là Gucci.
Ngoài giá cả và phí, trở ngại lớn khác đối với nền kinh tế người sáng tạo metaverse là khả năng tương tác. Như hiện tại, các studio metaverse lớn chỉ ưu tiên khả năng tương tác trong hoạt động tiếp thị của họ. Bối cảnh thực tế của các nhà phát triển được phân chia giữa một số dự án riêng lẻ, tất cả đều tìm cách độc quyền metaverse, ít quan tâm đến việc hợp tác với nhau.
2. Định hình lại metaverse
Hiện tại, metaverse tập trung vào đúng khía cạnh mà cộng đồng tiền mã hóa luôn muốn tránh: tập trung hóa. Điều này lý giải vì sao các studio phát triển metaverse đang không nằm trong tay các ông lớn công nghệ. Các studio độc lập này cung cấp khả năng tiếp cận và quyền tự do cho những nhà sáng tạo độc lập, cũng như trao cho họ rất nhiều cơ hội công việc. Suy cho cùng, bạn có thể kiếm tiền vô hạn trong metaverse, nhưng bạn phải có khả năng tạo ra những thứ mà người dùng muốn mua, và sản phẩm của bạn phải càng sử dụng được trên nhiều nền tảng thì càng tốt.
Khả năng tương tác không những cần phải vượt ra ngoài sự phát triển và lập trình mà nó còn bao gồm các yếu tố khác, ví dụ như nguyên tắc cộng đồng và kiếm tiền. Meta và Google nổi tiếng là hay thay đổi và không nhất quán trong các thuật toán kiếm tiền và tiếp cận nội dung. Đó là chưa nói đến việc người làm nội dung phải liên tục tự tìm hiểu xem thuật toán đã thay đổi thế nào. Vậy thì việc đặt câu hỏi liệu các Big Tech có tiếp tục không nhất quán trong metaverse là hoàn toàn hợp lý.
Phí quá cao, tính không tương thích của nền tảng và nguyên tắc cộng đồng không nhất quán là những lý do khiến các nhà sáng tạo nội dung rút lui khỏi các nền tảng metaverse tập trung. Khi sự phát triển chậm lại, việc thiếu sự hỗ trợ từ các nghệ sĩ độc lập sẽ khiến metaverse tập trung biến thành một sân chơi thiếu sự đa dạng, kém hấp dẫn để có thể thu hút người dùng.
Ngược lại, một metaverse hoạt động như một tổ chức tự trị phi tập trung có thể hoàn toàn minh bạch với các nguyên tắc kiếm tiền. Nó cũng cho phép những người giữ token của nền tảng bỏ phiếu về cách người sáng tạo có thể kiếm tiền từ tác phẩm kỹ thuật số của họ. Và khi chi phí hoạt động như phí gas giảm và các Blockchain và token tham gia một cách hiệu quả hơn vào cuộc cạnh tranh, các nhà phát triển có thể xây dựng các dự án phi tập trung rẻ hơn cho người dùng. Điều này cũng tạo ra một môi trường toàn diện, hấp dẫn hơn cho những người sáng tạo độc lập.
Metaverse mang ý nghĩa là một dự án hấp dẫn, mở ra kỷ nguyên mới của trí tưởng tượng và sự tương tác với internet, thay đổi cách người dùng tiếp cận ngành công nghiệp sáng tạo. Một nền kinh tế sáng tạo hưng thịnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong metaverse, nhưng nếu sự phát triển tiếp tục theo con đường phi lý, đầy những rào cản về tài chính lẫn sự tiếp cận như hiện nay, thì nền kinh tế đó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Những nhà sáng tạo và nghệ sĩ độc lập nên cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh bởi khái niệm metaverse, chứ không phải cảm thấy choáng ngợp bởi nó.
Tin vui cho tín đồ Gucci: thoải mái mua sắm bằng tiền mã hóa
Hãng thời trang Gucci sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa. Chương trình thử nghiệm sẽ được thực hiện tại một số cửa hàng ở Mỹ vào cuối tháng này, với kế hoạch cuối cùng là mở rộng sang tất cả các cửa hàng ở Bắc Mỹ vào mùa hè năm nay. Các loại tiền mã hóa được chấp nhận sẽ bao gồm Bitcoin, Bitcoin Cash, Ethereum, Wrapped Bitcoin, Litecoin, Dogecoin, Shiba Inu và 5 loại stablecoin được neo giá với đô la Mỹ.
Gucci đã có những bước tiến quan trọng trong việc chuyển mình trong không gian tiền mã hóa và trò chơi trên Blockchain. Công ty có một nhóm sáng tạo tập trung vào Web3 và đã có 19 triệu khách truy cập vào Gucci Garden, trò chơi Roblox của công ty.
Thương hiệu thời trang xa xỉ này cũng đã mua bất động sản kỹ thuật số trên The Sandbox. Mùa hè năm ngoái, Gucci đã thu hút sự chú ý khi một chiếc ví ảo của hãng trên thị trường Roblox được bán với giá hơn $4.000, cao hơn mức giá tương đương trong thế giới thực.
Động thái này diễn ra khi một số nhà bán lẻ và thương hiệu cao cấp đang tích hợp thanh toán bằng tiền mã hóa. Đầu tuần này, câu lạc bộ thể dục và sức khỏe dành cho giới thượng lưu Equinox đã thông báo chấp nhận tiền mã hóa trong các câu lạc bộ ở thành phố New York. Trước đó, thương hiệu thời trang Off-White đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa ở Paris, London và Milan.
Giám đốc Marketing của Gucci cho biết: “Chúng tôi biết mọi người sẵn sàng trả nhiều tiền cho NFT, cho các bộ sưu tập kỹ thuật số cũng như cho “cuộc sống thứ hai” trong metaverse. Vì vậy, tiềm năng về doanh thu của loại hình này là hoàn toàn khả thi. Người ta phải hiểu cách quản lý trải nghiệm như trong thế giới thực và đảm bảo rằng trải nghiệm đó đang mang lại những gì khách hàng mong đợi từ thương hiệu”.
Chính phủ Ấn Độ có thái độ cởi mở với tiền mã hóa, khẳng định sẽ không cản trở sự đổi mới
Nirmala Sitharam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ, cho biết các quy định liên quan đến tiền mã hóa không được xây dựng một cách vội vàng. Trong một cuộc trao đổi tại Đại học Stanford, Sitharam chia sẻ bà lo ngại các hoạt động bất hợp pháp và sử dụng sai mục đích tài sản kỹ thuật số, vì vậy chính phủ Ấn Độ đang suy nghĩ về việc áp dụng các quy định với tiền mã hóa tại đất nước này.
Mối quan tâm chính xung quanh tiền mã hóa đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ nhấn mạnh nhiều lần đó là rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bà nói rằng không chỉ Ấn Độ mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã và đang thảo luận trên các diễn đàn đa phương, toàn cầu về những vấn đề này.
Trong báo cáo do PTI trình bày, chính phủ Ấn Độ đang thể hiện sự cởi mở và thúc đẩy đổi mới trong ngành công nghiệp tiền mã hóa, không có ý định cản trở nó. Nhưng các hướng dẫn, quy định rõ ràng từ chính phủ vẫn còn thiếu. Mặc dù vậy, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mong muốn sớm ra mắt đồng Rupee kỹ thuật số (CBDC) của Ngân hàng Trung ương. Trong bài phát biểu về Ngân sách Liên minh được trình bày vào ngày 01/02 vừa qua, Nirmala Sitharam thông báo rằng CBDC sẽ được giới thiệu trong năm tài chính sắp tới.
Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tuyên bố rằng cần phải có những tính toán và hiệu chỉnh cẩn trọng trước khi phát hành tiền kỹ thuật số ở Ấn Độ. Việc khởi động CBDC có thể mang lại nhiều tác động đến các chính sách tiền tệ và kinh tế của quốc gia.
Những rào cản nhất quán phải đối mặt trong ngành VDA (Tài sản kỹ thuật số ảo) thậm chí đã khiến một số công ty tiền mã hóa tiên phong chuyển cơ sở khỏi đất nước Nam Á này. Mặc dù Ấn Độ đang thể hiện lập trường công bằng và chính đáng về các quy định, trước mắt điều mà công chúng và nhà đầu tư cần đó là sự minh bạch và rõ ràng về khuôn khổ quy định của tiền mã hóa.
Người dân Thượng Hải đăng hàng trăm NFT lên OpenSea trong thời gian lockdown vì dịch Covid-19
Thành phố Thượng Hải đang trải qua khoảng thời gian lockdown cực kỳ nghiêm ngặt, khiến hơn 25 triệu người dân phải ở nhà. Phong tỏa khiến người dân khó tiếp cận được với thực phẩm, thuốc men, làm gia tăng căng thẳng và các bệnh tâm lý nói chung.
Trong thời gian này, cư dân thành phố thường xuyên sử dụng Internet và đăng lên mạng xã hội các video nhạy cảm bên trong Thượng Hải. Tuy nhiên, hầu hết các video này nhanh chóng bị kiểm duyệt và gỡ bỏ.
Vào ngày 22/04, một video có tên “Voices of April” đã được đăng lên YouTube, nội dung là những trải nghiệm của người dân Thượng Hải trong giai đoạn lockdown. Sau khi xuất hiện, nó đã được đúc thành NFT và đăng trên OpenSea. Các video hay hình ảnh, một khi đã được đúc trên blockchain sẽ không thể bị xóa hay thay đổi nội dung. Vì vậy, chúng sẽ không còn phải chịu sự kiểm duyệt từ chính phủ.
Kể từ sự kiện trên, hàng trăm video có liên quan đã được tìm thấy trên OpenSea, bao gồm các video tự nhận là bên trong trại cách ly và các tác phẩm nghệ thuật mô tả cuộc sống trong thời gian phong tỏa.
Thông tin được tổng hợp bởi CIC
Tin tổng hợp tuần 02 – 06/05/2022