Bảo mật ví Crypto là một hành động cần thiết để đảm bảo an toàn cho tài sản mà bạn đã vất vả kiếm được.
Thị trường tiền mã hóa (Crypto) ngày càng phổ biến và có sự phát triển vượt bậc trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. Vì là thị trường phi tập trung và chưa có những quy định cụ thể, cũng như chưa được quản lý bởi chính phủ nên Crypto là mục tiêu béo bở mà những nhóm hacker thường nhắm đến. Mô hình phi tập trung này cho bạn toàn quyền sở hữu tài sản và bạn cũng phải có trách nhiệm bảo vệ nó tốt nhất. Tôi sẽ đưa ra những giải pháp giúp tối ưu hoá việc bảo mật ví tiền mã hóa của bạn.
Những thuật ngữ cơ bản
Trước khi đến với những giải pháp để bảo mật ví, bạn nên xem qua các thuật ngữ cơ bản liên quan đến ví Crypto và những loại ví phổ biến trên thị trường hiện nay.
Ví Crypto (ví tiền mã hoá) là gì?
Ví Crypto (hay Crypto Wallet) là loại ví kỹ thuật số được thiết lập trên nền tảng Blockchain. Ngoài chức năng lưu trữ các loại tiền mã hoá như Bitcoin, Ethereum, ví Crypto còn giúp bạn tương tác với những nền tảng hay ứng dụng trên mạng lưới Blockchain một cách hiệu quả hơn.
Thành phần cấu tạo của ví Crypto
Một chiếc ví Crypto cơ bản sẽ bao gồm 2 thành phần:
- Public key: Được hiểu đơn giản là địa chỉ ví. Nó có dạng một dãy ký tự và chữ số ngẫu nhiên giống như số tài khoản ngân hàng của bạn vậy. Khi thực hiện hoạt động nhận hoặc chuyển tiền mã hóa, bạn và đối phương cần biết địa chỉ ví của nhau để giao dịch cho chính xác.
- Private key: Là khoá cá nhân và được xem là mật khẩu để truy cập ví tiền mã hoá của bạn, thường gồm 12 đến 24 chữ ngẫu nhiên. Nó là chìa khoá duy nhất và quan trọng nhất. Khoá cá nhân không thể thay đổi, trong trường hợp quên hay mất khoá cá nhân thì bạn sẽ mất quyền truy cập ví Crypto của mình vĩnh viễn. Vì thế, hãy cất giữ khoá cá nhân của bạn ở nơi an toàn nhất nhé.
Hai loại ví phổ biến
Ví nóng được rất nhiều nhà đầu tư chọn để giao dịch thường xuyên. Bạn có thể truy cập vào ví nóng mọi lúc mọi nơi miễn là có kết nối internet, hơn hết nó được đăng ký và khởi tạo miễn phí. Trên thị trường Crypto đang hiện hữu 2 loại ví nóng: ví sàn và ví phần mềm.
Trái ngược với ví nóng, ví lạnh không kết nối với internet trừ trường hợp cần thực hiện các giao dịch. Vì thế, nó thường được dùng để lưu trữ đồng Crypto trong dài hạn. Bên cạnh đó, ví lạnh có độ bảo mật tốt nhất và có thể tránh khỏi những cuộc tấn công hay lừa đảo bởi hacker. Có 3 dạng ví lạnh là ví phần cứng, ví giấy và ví phần mềm ngoại tuyến.
Bạn nên xem qua bài viết này để hiểu hơn về ví Crypto trước khi quyết định chọn cách lưu trữ tiền điện tử nào cho phù hợp và an toàn.
Hacker có thể chiếm đoạt ví tiền mã hóa của bạn bằng cách nào?
Công nghệ Blockchain có nhiều ưu điểm vượt trội, tuy nhiên yếu tố bảo mật chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Các nhóm tin tặc hằng ngày vẫn tìm cách để lấy đi tài sản mã hoá của chúng ta. Chỉ cần bạn để lộ một vài thông tin, chúng cũng có thể dễ dàng đánh cắp và không thể truy vết được. Dưới đây là những hình thức phổ biến mà các nhóm tin tặc có thể dùng để đánh cắp tiền của bạn.
Tấn công sàn giao dịch bạn đang sử dụng
Trong lịch sự phát triển tiền mã hoá, sàn giao dịch vẫn là mục tiêu hàng đầu của những nhóm hacker. Không ít lần các nhóm tin tặc đã làm rúng động toàn bộ thị trường và đẩy nhiều công ty đến bờ vực phá sản. Nhiều sàn giao dịch không thể lấy lại số tiền đã bị đánh cắp và người dùng vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hiện nay, các nhóm tin tặc đã chuyển sang tấn công mạng lưới Blockchain và sàn giao dịch phi tập trung, lấy đi nhiều tài sản mã hóa trị giá hàng trăm triệu USD.
8 hình thức lừa đảo trong thị trường Crypto bạn cần cảnh giác.
Gửi token lạ vào ví của bạn
Các hacker thường tạo ra những đồng coin rác không có giá trị và lập nên chương trình Airdrop (tặng token miễn phí) cho người dùng với số lượng lớn. Tuy nhiên, loại token này không thể quy đổi ra các tài sản khác. Chúng thường nhắm đến các nhà đầu tư mới, vốn ít trang bị kiến thức cơ bản về bảo mật ví.
Khi nhận được token lạ miễn phí, những ai không có sự hiểu biết hay tham lam thường sẽ tìm cách quy đổi ra token khác với hy vọng bán được. Nhưng sau khi truy cập website, kết nối và thực hiện giao dịch thì toàn bộ số token trong ví của bạn sẽ bị đánh cắp.
Bản chất của Airdrop không phải là đi lừa đảo người khác. Hình thức Airdrop thường được các dự án mới sử dụng để thu hút người dùng hoặc tặng token cho những người có đóng góp cho dự án. Tuy nhiên, những kẻ xấu đã sử dụng nó với mục đích lừa đảo. Khi trong ví xuất hiện những token lạ, hãy ẩn chúng đi hoặc bỏ qua để đảm bảo an toàn cho tài sản của bạn.
Tạo website/ứng dụng và quảng cáo mạo danh
Hacker thường tạo các website hoặc ứng dụng mạo danh những sàn giao dịch lớn như Binance, Coinbase hay những ví tiền mã hóa như Metamask, Trust Wallet và chạy quảng cáo trên Google. Nếu người dùng bất cẩn hay không để ý và truy cập hay tải xuống, họ sẽ trao toàn bộ số tiền trong ví hoặc thông tin cá nhân cho hacker. Những cái tên giả mạo này có thể chỉ chứa một ký tự khác biệt so với “chính chủ”, khiến bạn nghĩ rằng chúng là website/ứng dụng chính gốc.
Để tránh trường hợp xảy ra mất mát không đáng có, bạn nên kiểm tra kỹ URL của trang web trước khi truy cập. Bên cạnh đó, khi tìm kiếm ứng dụng Crypto, hãy bỏ qua những kết quả có gắn nhãn quảng cáo và không cung cấp khoá cá nhân ở các trang web có dấu hiệu đáng ngờ. Tôi khuyên các bạn chỉ nên tải ứng dụng được đánh giá uy tín trên App Store và Google Play.
Những cách bảo mật ví tiền mã hóa
Chọn sàn giao dịch uy tín và có điều khoản bồi thường khi gặp vấn đề
Như đã đề cập ở trên, sàn giao dịch vẫn là mục tiêu béo bở mà các hacker ngày đêm tìm cách để chiếm đoạt. Trong quá khứ, đã có trường hợp sàn phá sản và không phải sàn nào cũng có thể bồi thường cho người dùng. Bạn nên nghiên cứu và tìm hiểu kỹ sàn giao dịch mà mình sẽ chọn mặt gửi vàng. Hãy tìm hiểu xem sàn có chính sách bồi thường cho người dùng khi sự cố xảy ra không cũng như cơ chế bảo mật của sàn.
Sàn Binance là sự lựa chọn tương đối tốt. Trong trường hợp bị kẻ xấu tấn công và lấy đi hết tài sản thì Binance vẫn có thể đền bù cho người dùng vì sàn luôn có sẵn quỹ dự phòng cho những trường hợp xấu nhất. Ngoài ra, họ còn có chính sách luôn ưu tiên cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ngoài sàn Binance, bạn còn nhiều lựa chọn khác được tôi đánh giá là khá an toàn:
» Tổng hợp các sàn giao dịch Crypto uy tín bạn không nên bỏ qua
Sử dụng ví lạnh để bảo vệ tài sản tốt hơn
Những nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường có xu hướng sử dụng sàn giao dịch (ví sàn) hoặc ví nóng để lưu trữ vì sẽ được cung cấp nhiều tiện ích và nhiều đồng Crypto hơn. Tuy nhiên, độ bảo mật của những loại ví này không cao và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.
Tôi khuyên bạn hãy sử dụng ví cứng để gửi tài sản mã hoá, vốn là hình thức bảo mật hiệu quả nhất. Ví vật lý mang lại cảm giác cầm nắm trong tay dưới dạng USB hoặc một tờ giấy, từ đó tạo nên sự yên tâm. Tôi hy vọng ví cứng sẽ trở thành phương tiện chính cho việc lưu trữ và những sự kiện hack ví tiền mã hóa sẽ không xảy ra nữa.
Sử dụng bước xác thực 2 yếu tố (2FA)
Hãy trang bị công cụ xác thực 2 yếu tố cho mọi tài khoản Crypto của bạn. 2FA là một lớp bảo mật bổ sung cho tài khoản ngoài lớp đầu tiên là mật khẩu hay mã PIN. Chúng là một dãy số hoạt động bằng cách thay đổi liên tục sau 30 giây. Bạn có thể cài ứng dụng Google Authenticator để trang bị 2FA cho tài khoản của mình. Tin vui là hầu hết các sàn giao dịch hay ứng dụng Crypto đều hỗ trợ công cụ này.
Ngoài bảo mật ví Crypto, điện thoại và máy tính cũng cần được bảo mật cẩn thận. Nếu chưa biết cách, bạn nên đọc bài viết sau để bảo vệ tốt cho thông tin cá nhân của mình.
» 11 cách bảo mật iPhone người dùng không nên bỏ qua
» 11 cách bảo mật Android mà người dùng không nên bỏ qua
» Bảo mật Windows như thế nào để máy tính luôn được an toàn?
Tạo mật khẩu mạnh và thường xuyên đổi mật khẩu
Đây cũng là một phương pháp để nâng cao độ bảo mật cho ví Crypto của bạn. Bạn nên tạo mật khẩu với nhiều ký tự đặc biệt như viết in hoa, thêm số hay những ký tự như @, #, $. Theo báo cáo của CipherTrace, có trên 65% quy trình KYC không đủ mạnh và các hacker có thể bẻ khoá mật khẩu tài khoản của bạn. Việc tạo mật khẩu mạnh và thay đổi thường xuyên cũng giúp tránh nhiều mối đe dọa từ những nhóm tin tặc.
Nếu bạn thấy việc ghi nhớ mật khẩu và thay đổi liên tục khó khăn thì phương pháp tiếp theo sẽ giải quyết vấn đề đó.
Sử dụng trình quản lý mật khẩu
Một trong những lời khuyên tôi dành cho bạn là hãy tạo mật khẩu mạnh và thay đổi thường xuyên. Tuy nhiên, nhược điểm của việc làm này là khó nhớ và nếu dùng nhiều tài khoản thì càng khó khăn hơn.
Giải pháp cho việc này là dùng trình quản lý mật khẩu. Tất cả mật khẩu của bạn sẽ được kiểm soát và hỗ trợ tính năng tạo mật khẩu mạnh. Việc của bạn là nhớ một mật khẩu duy nhất của trình quản lý này. Hiện tại, tôi đang khuyến khích việc dùng ứng dụng Dashlane. Đây là một trong những trình quản lý mật khẩu uy tín nhất hiện nay với nhiều tính năng hỗ trợ người dùng và độ bảo mật cực kỳ cao.
Đảm bảo an toàn khi kết nối internet
Các nhóm hacker có thể thu nhập thông tin tài khoản qua đường truyền mạng. Vì vậy, để tăng độ an toàn khi kết nối internet, tốt nhất bạn nên dùng mạng ảo (VPN) vì đây là phương pháp tăng thêm quyền riêng tư và bảo mật cho các mạng công cộng. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế đăng nhập vào tài khoản sàn giao dịch khi sử dụng wifi công cộng vì độ bảo mật rất kém và thu hút sự chú ý của hacker. Hãy truy cập bằng mạng 3G hay 4G để đảm bảo an toàn.
10 mẹo sử dụng Internet an toàn mà người dùng không thể bỏ qua.
Bất kỳ nhà đầu tư Crypto nào cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản về bảo mật ví. Bảo vệ tài sản của mình và học cách phòng ngừa rủi ro từ hacker là bài học đầu tiên mà bất cứ ai cũng nên đọc qua. Đi cùng với sự gia tăng về số lượng người dùng ví Crypto là sự nhăm nhe của các nhóm tin tặc. Tôi tin rằng thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức để bảo vệ tài sản tốt hơn.
Trần Đăng Khoa
- The biggest cryptocurrency hacks of all time
https://techmonitor.ai/technology/cybersecurity/biggest-cryptocurrency-hacks-of-all-time
- Những yếu tố nhà đầu tư phải biết trước khi giao dịch Crypto
- Altcoin là gì? Top 10 đồng Altcoin lớn đáng chú ý hiện tại
- Crypto Trading Bot là gì? 7 điều cơ bản cần biết khi đầu tư Crypto tự động nhờ bot.