Bảo mật iPhone có vẻ là một điều nghe khá xa lạ và có phần “kỳ quặc” đối với người dùng sản phẩm này, bởi lẽ, Apple đã làm rất tốt việc bảo vệ thông tin dữ liệu của người dùng trên các thiết bị iPhone rồi, vậy thì tại sao lại còn phải quan tâm thêm về việc bảo mật iPhone làm gì. Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy, đối với tôi, không có sự chuẩn bị nào là thừa cả.
Chúng ta đều biết, một điều khiến người dùng trung thành với iPhone đó chính là sự an toàn và bảo mật của chúng. Nhưng bạn cũng nên biết rằng nếu bạn không thực sự chủ động bảo mật cho iPhone của mình trước thì những hiệu quả bảo mật của Apple cung cấp cũng sẽ không phát huy được tác dụng. Và trong bài viết này, tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu 10 cách bảo mật iPhone mà bạn không nên bỏ qua ở thời điểm hiện tại.
Tại sao bảo mật iPhone là thói quen rất cần thiết mà ai cũng cần có?
Có thể nói chiếc điện thoại thông minh là phần mở rộng của bộ não chúng ta. Chúng chứa tất cả email, lịch sử tìm kiếm lẫn cách bạn liên lạc với cả thế giới. Việc bảo mật iPhone luôn luôn cần thiết, bất kể mục đích của việc này là gì. Bạn có thể đang lo lắng việc mình bị thu thập dữ liệu bởi những nhà quảng cáo. Có thể bạn phải dè chừng những người xung quanh lén đọc tin nhắn của mình. Hoặc bạn chỉ không muốn một người lạ nào đó xem được thông tin trong chiếc điện thoại của mình… Dù vì lý do nào, bạn cũng cần quan tâm đến việc thay đổi các cài đặt trên iPhone. Những điều này sẽ tăng cường tính riêng tư cho bạn.
Sử dụng smartphone luôn tiềm ẩn rủi ro liên quan đến quyền riêng tư. Nhà cung cấp dịch vụ di động luôn theo dõi vị trí của bạn. Bên cạnh đó một người dùng bình thường gần như không thể biết chính xác dữ liệu của họ bị thu thập và sử dụng ở mức độ nào. Tuy nhiên vẫn có một số cách nhằm giảm thiểu những lo ngại về quyền riêng tư. Nội dung dưới đây sẽ giải thích cách hoạt động của từng cài đặt. Từ đó bạn có thể quyết định điều gì là phù hợp cho mình.
10 cách bảo mật iPhone người dùng không nên bỏ qua
1. Bật xác thực 2 yếu tố
Xác thực 2 yếu tố (2FA) bổ sung lớp bảo mật thứ hai cho tài khoản Apple của bạn. Tính năng bảo mật iPhone này yêu cầu mã sử dụng một lần (One Time Password – OTP) cùng với mật khẩu của bạn để đăng nhập tài khoản từ một thiết bị lạ. Khi bật 2FA, ngay cả khi ai đó có mật khẩu, họ cũng sẽ không thể truy cập vào tài khoản của bạn. Chỉ trừ trường hợp người đó có điện thoại hoặc máy tính đã được mở sẵn của bạn.
Ví dụ bạn có iPhone và bạn đăng nhập vào một máy Mac lần đầu tiên. Thiết bị sẽ nhắc bạn nhập mã xác minh hiện lên trên iPhone. Nếu bạn một chiếc iPhone mới mà không có thiết bị Apple khác, bạn sẽ nhận được một tin nhắn SMS có chứa mã.
Để bật 2FA trên iPhone, hãy đi tới Cài đặt → [Tên của bạn] → Mật khẩu & Bảo mật. Sau đó bạn nhấn vào Bật xác thực hai yếu tố (Two-Factor Authentication). Bạn cũng nên bật tính năng này trên các tài khoản trực tuyến quan trọng khác.
2. Đặt mật mã mạnh (và xem xét tắt Touch ID/Face ID)
Mỗi người dùng nên có nhiều hơn một loại khóa trên iPhone của họ để ngăn người lạ truy cập. Mã khóa ngăn ai đó truy cập các thông tin cá nhân, công việc hoặc tài chính trên điện thoại của bạn. Nó cũng khiến kẻ trộm khó xóa sạch, tái sử dụng hoặc bán lại chiếc iPhone của bạn.
Người dùng thường sử dụng khóa sinh trắc học (Touch ID hoặc Face ID) để bảo mật iPhone. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc bỏ qua khóa vân tay hay Face ID. Cách này dùng để đề phòng trường hợp ai đó cố gắng cưỡng chế mở khóa điện thoại của bạn.
Nếu bạn chưa cài đặt mật mã để bảo mật iPhone, hãy nhấn vào Cài đặt → Touch ID (hoặc Face ID) & Mật mã. Nếu bạn sử dụng iPhone X trở lên, hãy bật tùy chọn “Yêu cầu chú ý cho Face ID”. Điều này khiến người khác không thể lợi dụng mở khóa điện thoại khi bạn nhắm mắt. Nếu sử dụng mã PIN, hãy thiết lập mã gồm cả chữ và số phức tạp và khó đoán. Để làm như vậy, hãy chạm vào Thay đổi mật mã → nhập mật mã của bạn → chạm vào Tùy chọn mật mã.
3. Thay đổi những gì có thể truy cập trên màn hình khóa của bạn
Nếu không cẩn thận, iPhone của bạn có thể hiển thị nhiều dữ liệu cá nhân. Hoặc người lạ có thể sử dụng một vài tính năng trên màn hình khóa mà không cần mã khóa.
Trong menu Touch ID [hoặc Face ID] & Mật mã, bạn hãy tìm hiểu thêm một số tùy chọn. Trong Cho phép truy cập khi bị khóa, xem những tính năng nào khả dụng trên màn hình khóa iPhone. Bạn nên cân nhắc tắt Trả lời bằng tin nhắn, Trả lời cuộc gọi nhỡ và Trung tâm thông báo. Thao tác này nhằm ngăn ai đó truy cập các tin nhắn hoặc thông báo gần đây trên thiết bị.
Bạn cũng nên bật Xóa dữ liệu (Erase Data) nhằm bảo mật iPhone. Khi đó iPhone của bạn sẽ xóa tất cả dữ liệu sau 10 lần nhập sai mã khóa. Điều này khiến cho việc ai đó có thể xâm nhập vào điện thoại của bạn trở nên bất khả thi.
4. Xóa các tiện ích trên màn hình khóa và cài đặt thông báo
Cũng như màn hình khóa, thông báo có thể làm giảm bảo mật iPhone. Nó có thể làm rò rỉ dữ liệu nhạy cảm nếu người lạ tìm thấy điện thoại của bạn. Bạn nên ẩn văn bản trong thông báo đối với các ứng dụng có dữ liệu nhạy cảm. Ví dụ như ứng dụng ngân hàng hay các ứng dụng OTT (Zalo, Viber, Snapchat…).
Đối với thông báo, hãy đi tới Cài đặt –> Thông báo –> Hiển thị bản xem trước và thay đổi cài đặt thành Khi được mở khóa (When unlocked) hoặc Không (Never). Bạn cung có thể thay đổi tùy chọn này trên cơ sở từng ứng dụng. Cách làm rất đơn giản: đi tới Thông báo –> [Tên ứng dụng] –> Hiển thị bản xem trước.
Các widget cũng có thể vô tình làm rò rỉ thông tin làm giảm bảo mật iPhone. Từ màn hình chính, hãy vuốt sang phải để mở Chế độ xem hôm nay. Nếu có dữ liệu từ bất kỳ ứng dụng nào mà bạn không muốn người lạ nhìn thấy, hãy cuộn xuống cuối trang, chọn Sửa và xóa ứng dụng đó khỏi trang.
5. Kiểm tra quyền ứng dụng để bảo mật iPhone
Mỗi khi bạn cài đặt một ứng dụng, nó sẽ yêu cầu quyền truy cập vào các dịch vụ phần cứng và hệ thống. Ví dụ như micrô, vị trí của bạn, máy ảnh… Đừng bỏ qua các thông báo này nếu muốn bảo mật iPhone. Vì có những thứ mà ứng dụng vốn không cần quyền truy cập. Ví dụ: một số ứng dụng không cần dữ liệu vị trí để hoạt động. Nhưng chúng vẫn thu thập loại dữ liệu này để bán cho các công ty tiếp thị.
Để quản lý quyền truy cập của ứng dụng, bạn hãy mở Cài đặt –> Quyền riêng tư (Privacy). Bạn có thể tùy chỉnh các tính năng phần mềm/phần cứng mà ứng dụng được quyền truy cập.
Truy cập Dịch vụ định vị (Location Services) là một trong số các yêu cầu vượt quyền quá mức mà rất nhiều ứng dụng đưa ra. Vì vậy bạn nên đặt trạng thái của yêu cầu này thanh Không bao giờ hoặc Trong khi sử dụng trên hầu hết các ứng dụng.
Đối với bất kỳ ứng dụng nào không yêu cầu vị trí chính xác của bạn nhưng có thể hoạt động với vị trí gần đúng (chẳng hạn như Thời tiết), hãy tắt Vị trí chính xác. Rất ít ứng dụng được cải tiến bằng cách biết vị trí của bạn. Vì vậy dữ liệu thu thập từ vị trí gần như chỉ để bán cho các công ty quảng cáo.
6. Sử dụng “Đăng nhập bằng Apple”
Với Đăng nhập bằng Apple, bạn có thể giấu tài khoản của mình đằng sau một địa chỉ email giả khi tạo một tài khoản trực tuyến. Điều năng nhằm tăng tính bảo mật iPhone cho thiết bị của bạn. Email giả này được tạo ngẫu nhiên để chuyển tiếp đến địa chỉ email thực của bạn. Khi đó các địa chỉ email bị rò rỉ do vi phạm dữ liệu khó có thể liên kết với các tài khoản khác của bạn.
Khi bạn bắt gặp tùy chọn tạo tài khoản bằng ID Apple của mình, hãy cân nhắc. Ngoài lợi ích của việc nhận được một địa chỉ email ngẫu nhiên, việc kiểm tra xem bạn có tài khoản ở đâu sẽ dễ dàng hơn. Vào phần Cài đặt → [Tên của bạn] → Mật khẩu & Bảo mật → Ứng dụng Sử dụng Apple ID.
Nếu dùng iCloud+ có trả phí, bạn có thể tạo một địa chỉ email giả ở bất kỳ đâu. Đi tới Cài đặt → [Tên của bạn] → iCloud → Ẩn địa chỉ email để sử dụng tính năng này.
7. Bật cập nhật tự động để bảo mật iPhone
Cả hệ điều hành iOS và các ứng dụng bên thứ 3 đều có các bản cập nhật nhằm vá lỗi bảo mật và quyền riêng tư. Bật tính năng Cập nhật tự động đảm bảo rằng các bản sửa lỗi đó diễn ra trong nền.
Để tự động cập nhật ứng dụng, bạn hãy mở Cài đặt → App Store và bật Cập nhật ứng dụng (App Updates). Hệ điều hành iOS được đặt tự động cập nhật theo mặc định. Tuy nhiên bạn có thể kiểm tra kỹ bằng cách mở Cài đặt –> Chung → Cập nhật phần mềm.
8. Tắt theo dõi quảng cáo
Đây một phương pháp mà các công ty sử dụng để phân phối đến bạn các quảng cáo được cá nhân hóa. Cả Apple và các ứng dụng bên thứ ba đều thu thập rất nhiều dữ liệu về bạn. Sau đó, một số ứng dụng có thể quay lại và bán thông tin mà chúng thu thập được. Người dùng thường không nhận ra điều này. Nếu muốn bảo mật iPhone hơn, bạn có thể dừng một số chia sẻ dữ liệu này.
Bạn cần mở phần Cài đặt –> Quyền riêng tư → Quảng cáo của Apple và tắt Quảng cáo được cá nhân hóa. Lúc này quá trình thu thập dữ liệu cả Apple để tối ưu hóa quảng cáo đến bạn sẽ dừng lại.
9. Chặn theo dõi thư để bảo mật iPhone
Một số email được tích hợp công nghệ theo dõi có thể cho người gửi biết nếu bạn đã mở email của họ. Ngoài ra người đó còn có thể biết vị trí của bạn một cách mơ hồ. Thông thường chỉ có các email bản tin hoặc email tiếp thị mới sử dụng các kỹ thuật như vậy. Nhưng vì nó diễn ra ở chế độ nền nên bạn không bao giờ biết về nó. Nếu sử dụng ứng dụng Apple’s Mail, bạn có thể chặn một số theo dõi này để bảo mật iPhone.
Bạn cần mở Cài đặt → Mail → Bảo vệ Quyền riêng tư và bật Bảo vệ hoạt động Mail. Cài đặt này làm cho người gửi không thể nhìn thấy địa chỉ IP của bạn. Người đó cũng không biết được rằng bạn đã mở email hay chưa. Tuy nhiên, người gửi vẫn có thể theo dõi xem bạn có nhấn vào liên kết trong email hay không.
10. Định cấu hình cài đặt Siri
Hầu hết mọi người đều nghĩ Siri chỉ là một trợ lý giọng nói. Tuy nhiên nó cũng là xương sống của hệ thống cá nhân hóa của Apple. Siri theo dõi cách bạn sử dụng điện thoại. Sau đó trợ lý ảo này sẽ đưa ra đề xuất dựa trên những gì nó biết về bạn. Từ quan điểm về quyền riêng tư, Siri có thể phức tạp hơn bạn nghĩ. Ví dụ: các kết quả tìm kiếm của Siri có thể bao gồm nội dung ghi chú riêng tư có chứa từ khóa mà bạn tìm.
Để bảo mật iPhone, trong Cài đặt bạn hãy chọn Siri & Tìm kiếm. Nếu bạn không muốn nội dung của một ứng dụng nào đó (chẳng hạn như Ghi chú) hiển thị trong các tìm kiếm bằng Siri, hãy nhấn vào ứng dụng đó rồi tắt Tìm kiếm hiển thị ứng dụng. Bạn cũng có thể tắt Tìm hiểu từ ứng dụng này nếu không muốn nó xuất hiện ở nơi khác.
Nếu không sử dụng Siri, bạn cũng có thể tắt hoàn toàn tính năng. Bạn chỉ cần tắt Hey Siri trong Siri & Tìm kiếm. Để xóa lịch sử Siri nhằm bảo mật iPhone, hãy chọn Lịch sử Siri và Đọc chính tả → chọn Xóa Lịch sử Siri và Đọc chính tả.
iPhone là một trong những thiết bị smartphone được đánh giá là an toàn nhất trong lưu trữ dữ liệu cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng khi mà thông tin cá nhân ngày càng cần được bảo mật một cách tối đa. Hy vọng 10 cách bảo mật iPhone mà bài viết này giới thiệu sẽ giúp bạn sử dụng nó một cách thuận tiện và an toàn hơn. Đừng quên theo dõi những bài viết hữu ích khác trên Crypto Inner Circle nhé.
11. Sử dụng những ứng dụng xác thực 2 yếu tố để bảo vệ những tài khoản quan trọng khác
Như đã giới thiệu ở mục 1, xác thực 2 yếu tố sẽ giúp bạn bảo mật tài khoản Apple của mình tốt hơn. Tuy nhiên dữ liệu quan trọng của bạn có thể không chỉ nằm trong tài khoản Apple, mà còn có thể nằm trong các ứng dụng mà bạn sử dụng hàng ngày. Và ở phần này tôi sẽ hướng dẫn thêm cách để bạn có thể bảo vệ tốt hơn không chỉ cho tài khoản Apple của bạn mà còn cho cả những tài khoản khác của bạn.
Bạn chắc hẳn hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của xác thực 2 yếu tố (xác thực 2FA), và để bảo vệ tốt hơn cho những tài khoản khác như tôi đã đề cập, bạn hãy tiếp tục sử dụng chức năng xác thực 2 yếu tố lên những tài khoản của mình, ví dụ như Facebook, Binance, … bằng các ứng dụng điện thoại (hay còn gọi là “App”) được thiết kế chuyên dụng cho việc này.
Hiện nay, rất nhiều các nhà phát triển phần mềm uy tín xây dựng các ứng dụng xác thực 2FA trên các thiết bị di động, những ứng dụng này được thiết kế rất đơn giản và dễ sử dụng, phù hợp với mọi đối tượng người dùng. Những cái tên nổi tiếng phải kể đến là Twilio Authy, Google Authenticator, Micersoft Authenticator, … Những phần mềm này hoàn toàn miễn phí, bạn có thể lên Appstore để tải về và sử dụng.
Trong số các ứng dụng nêu trên, tôi đánh giá rất cao Twilio Authy, bạn có thể xem bài viết này để hiểu lý do vì sao, cũng như biết cách sử dụng Twilio Authy hiệu quả nhất:
Giả định tình huống thực tế để hiểu rõ tầm quan trọng của bảo mật iPhone
Để tôi giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích thực tế của xác minh 2 yếu tố 2FA nói riêng, và bảo mật iPhone nói chung. Bạn hãy thử đặt một trường hợp giả định bạn bị mất iPhone của mình do mất trộm, tuy nhiên, bạn đã cẩn thận và luôn bật bảo mật 2FA cho các ứng dụng lưu giữ thông tin quan trọng trên điện thoại của mình cũng như làm rất tốt các bước bảo mật nêu trên. Vậy tình huống sẽ diễn ra như thế này.
Nếu người giữ điện thoại của bạn muốn truy cập vào một ứng dụng bắt buộc phải trải qua 2 lớp bảo vệ, 1 là phải mở khóa điện thoại, lớp bảo vệ thứ 2 là phải xác thực 2FA. Phần lớn thì kẻ lấy được điện thoại của bạn sẽ từ bỏ cố gắng truy cập vào điện thoại của bạn từ lớp mở khóa thứ nhất (mở khóa bằng mã PIN). Tuy nhiên không tránh khỏi trường hợp có thể bằng một cách nào đó điện thoại của bạn bị mở khóa được.
Lúc này, nếu muốn lấy đi những dữ liệu trong các tài khoản quan trọng của bạn, kẻ trộm phải đối mặt với lớp bảo vệ thứ 2 là xác thực 2FA. Vì xác thực 2FA là phải cung cấp thứ mà chỉ riêng bạn được biết (có thể là mã OTP từ ứng dụng 2FA, hoặc thông tin cá nhân của bạn), nên kẻ trộm sẽ không biết và không thể vượt qua lớp bảo vệ thứ 2 để vào ứng dụng. Như vậy thông tin của bạn trong ứng dụng đó được bảo vệ hoàn toàn.
Trong khoảng thời gian người đó cố gắng truy cập để đánh cắp thông tin, bạn tất nhiên sẽ có thể sử dụng chức năng “Tìm” của iPhone để tìm đến vị trí thiết bị của bạn và tìm cách lấy lại thiết bị. Trường hợp xấu nhất là người giữ iPhone của bạn không cố gắng truy cập vào ứng dụng mà chỉ đơn thuần tìm cách tiêu thụ thiết bị trên thị trường, vậy thì những thông tin vô cùng quan trọng của bạn vẫn hoàn toàn được bảo vệ.
Như bạn có thể thấy, nếu bạn làm tốt việc bảo mật iPhone như các bước trong bài viết này, trường hợp xấu nhất bạn chỉ mất đi số tiền tương ứng với giá trị của thiết bị, tuy nhiên, những thông tin quan trọng của bạn có thể có giá trị lên đến hàng ngàn, hàng triệu USD sẽ không thể bị mất đi. Bạn hoàn toàn có thể lấy lại những thông tin bằng cách tải lại dữ liệu mà bạn đã sao lưu và có thể tiếp tục sử dụng.
Thông tin và dữ liệu cá nhân ngày càng cần được bảo vệ. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành công nghệ phát triển như vũ bão. Hy vọng với 11 cách bảo mật iPhone mà tôi gửi đến bạn sẽ giúp bạn sử dụng điện thoại thông minh một cách hiệu quả và an toàn hơn.
Trần Đăng Khoa
Nội dung bạn đang theo dõi thuộc chuỗi bài viết “Bảo mật ví Crypto là gì? Các lưu ý để bảo mật ví tốt nhất”, đây là phần thứ 4 trong bộ cẩm nang “Đầu tư Crypto cho người mới bắt đầu”. Chuỗi bài viết bao gồm những nội dung sau:
Nếu bạn là người mới và cần tìm hiểu tổng quan về thị trường và cách đầu tư Crypto hiệu quả, hãy bắt đầu với “Cẩm nang Đầu tư Crypto cho người mới bắt đầu”. Nếu đã và đang theo dõi bộ Cẩm nang, mời bạn đến ngay với nội dung tiếp theo: